Mở rộng diện tích mạ khay, cấy máy ở Hà Nam

Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2023, tỉnh Hà Nam phấn đấu đưa diện tích cấy lúa bằng máy đạt hơn 4.000ha, chiếm khoảng 14% tổng diện tích canh tác. Đây là vụ thứ tư tỉnh Hà Nam triển khai cấy máy, mạ khay. Phương pháp này thể hiện nhiều ưu thế bảo đảm kịp tiến độ khung thời vụ được tốt nhất, hiệu quả là chi phí giảm, năng suất tăng, giải phóng sức lao động… cho nên đã được người dân lựa chọn thay thế các hình thức gieo cấy truyền thống không còn phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Cấy máy tại thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm.
Cấy máy tại thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, phương pháp mạ khay, cấy máy đã giúp đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, chi phí sản xuất giảm từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/sào. Lúa cấy bằng máy nông, mật độ cây lúa đồng đều phát huy được hiệu ứng hàng biên; ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; năng suất lúa cao hơn từ 10% đến 20% so với các phương pháp gieo cấy khác.

Cùng với đó, việc cấy máy giúp cho các hợp tác xã quy hoạch được vùng gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi tập quán nhỏ lẻ manh mún. Với nhiều ưu điểm, phương pháp mạ khay, cấy máy đã và đang được các địa phương nhân rộng.

Chi phí giảm, năng suất tăng

Vụ xuân năm 2021, huyện Thanh Liêm triển khai mô hình mạ khay, cấy máy với diện tích hơn 40ha. Với những lợi ích mang lại, vụ xuân 2023, diện tích lúa cấy bằng máy của huyện đã tăng lên gần 2.300ha, chiếm gần 50% tổng diện tích gieo cấy, cao nhất tỉnh Hà Nam.

Để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy, huyện đã chỉ đạo quy hoạch lại các vùng có diện tích máy cấy tập trung thuận lợi tưới tiêu, kế hoạch sản xuất phải được xây dựng sớm và cụ thể, từ đó triển khai dịch vụ mạ khay, cấy máy. Các địa phương thành lập tổ dịch vụ tại chỗ, hoặc ký hợp đồng với các tổ dịch vụ hợp tác xã của các địa phương khác, cùng với đó tạo điều kiện về mặt bằng để các hợp tác xã tập hợp kho bãi, nơi để giá thể chăm sóc khay mạ.

Tại cánh đồng thị trấn Tân Thanh, những ngày này, những máy cấy đang vận hành hết công suất, phủ xanh cánh đồng bảo đảm cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất.

Để thực hiện tốt dịch vụ mạ khay, cấy máy, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo các hợp tác xã và tổ dịch vụ triển khai từ sớm như kiểm tra giá thể, chuẩn bị khay, các giống lúa tốt và hiệp đồng thuê máy cấy, diện tích cấy bằng máy lớn cho nên việc gieo mạ được tính toán triển khai theo các trà để bảo đảm hoàn thành cấy đúng trong khung thời vụ. Với mức giá 270 nghìn đồng/sào, tiết kiệm từ 70 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/sào so với thuê người cấy thủ công dẫn tới nhu cầu thuê máy cấy của người dân đã tăng theo từng vụ.

Cuối giờ chiều, bà Đỗ Thị Tiếp ở thị trấn Tân Thanh mới thủng thẳng ra nhận ruộng nhà mình trên cánh đồng thẳng cánh cò bay, máy đã cấy xong, những hàng lúa xanh thẳng tăm tắp.

Bà Tiếp phấn khởi cho biết: Đây là vụ thứ tư gia đình bà đăng ký mạ khay, cấy máy với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Phong. Hơn một mẫu lúa mà máy chỉ cấy hết vỏn vẹn 40 phút thôi, vừa nhanh, kịp khung thời vụ, lúa cấy lại đều khóm, sau này dễ chăm bón lắm, cây phát triển đẻ nhánh nhiều, bông to hơn, năng suất lúa cũng cao hơn. Từ khi có dịch vụ mạ khay, cấy máy của các hợp tác xã phục vụ sản xuất tại địa phương, bà con nông dân rất phấn khởi vì tiết kiệm được nhiều ngày công và năng suất lúa lại được bảo đảm vì lúa được cấy trong khung thời vụ tốt nhất, thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển.

Nhận thấy hiệu quả rõ rệt, hiện nay bà con nông dân của nhiều địa phương trong tỉnh Hà Nam rất đồng tình ủng hộ phương pháp mạ khay, cấy máy. Nhiều thôn, xóm người dân đã chuyển sang cấy mạ khay, cấy máy lên đến 100%. Các hộ đồng thuận giao lại tổng diện tích gieo cấy toàn thôn cho đồng chí trưởng thôn đứng lên ký hợp đồng thuê với tổ dịch vụ của hợp tác xã để tổ chức cấy, sau khi cấy xong sẽ giao lại ruộng đã cấy lúa cho các hộ nhận lại chăm sóc.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Văn Của cho biết: Chúng tôi giao cho cán bộ kỹ thuật cùng với các địa phương, các hợp tác xã, các tổ dịch vụ hợp tác xã tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để bà con nông dân nắm được kỹ thuật về sản xuất của mạ khay, cấy máy và tác dụng của mạ khay, cấy máy để bà con nông dân áp dụng vào đồng ruộng một cách tốt nhất để nâng cao hiệu quả, năng suất lúa.

Hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng

Việc đưa cơ giới hóa trong khâu sản xuất lúa bằng gieo mạ phương pháp mạ khay, cấy máy trong giai đoạn hiện nay là giải pháp quan trọng giải quyết được vấn đề thiếu lao động làm nông nghiệp như hiện nay, giải quyết tình trạng bỏ hoang ruộng đất ngày một tăng trong những năm gần đây.

Bà Nguyễn Thị Hương, xã Bình Nghĩa huyện Bình Lục cho biết: Nhà tôi có năm nhân khẩu, nhưng các cháu lớn đi làm công nhân cả, tôi năm nay cũng 70 tuổi rồi, mỗi vụ nhà tôi vẫn cấy hơn một mẫu ruộng, nhưng bây giờ tôi nhàn lắm, tôi chỉ cần ra ruộng và nhận ruộng khi máy cấy xong. Đối với gia đình ông Lê Văn Hùng cũng vậy, mấy năm trở lại đây nhờ có máy cấy thì nhà ông và nhiều nhà trong xã mới cấy lúa chứ trước đó thường bỏ ruộng hoang vì không có người làm.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân Nguyễn Thị Quyên đánh giá: việc đưa phương pháp cấy lúa mạ khay, cấy máy của UBND tỉnh vào đồng ruộng hiện nay là rất phù hợp, nhất là đối với những vùng đang chuyển đổi lao động trong nông nghiệp, nhiều hộ dân vẫn tranh thủ cấy lúa và vẫn làm việc trong các nhà máy. Từ khi đưa máy cấy về đồng ruộng, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hưởng ứng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bỏ ruộng hoang ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng đánh giá cao cố gắng của ngành chức năng và các địa phương, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong việc triển khai Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023”. Đây là hướng đi phù hợp, hiệu quả thúc đẩy đưa cơ giới đồng bộ vào sản xuất giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả, bảo đảm môi trường trên đồng ruộng.

Do vậy, ngành nông nghiệp, các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục triển khai, tạo điều kiện phát triển mạ khay, cấy máy. Đồng thời, vận động các địa phương thành lập các tổ dịch vụ, hợp tác xã chuyên ngành mạ khay, cấy máy để triển khai hiệu quả và mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy…

Để thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ nay đến năm 2025, tỉnh Hà Nam phấn đấu đạt 60% diện tích mạ khay, cấy máy. Tỉnh tập trung tuyên truyền, tập huấn các kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất từ khâu làm mạ cho đến khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cho đạt hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất mạ khay, cấy máy. Đồng thời, tỉnh có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư mua máy cấy và các giá thể mạ, nhằm tạo động lực để các cơ sở sản xuất mạ khay mở rộng sản xuất trong các năm tới.

Những lợi ích của cấy máy đã phát huy được hiệu quả qua quá trình sản xuất. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích cấy bằng máy, cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh về chi phí mua máy, mua khay, hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các mô hình, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và vai trò của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong khâu điều hành và sản xuất. Các địa phương cũng cần quy hoạch lại đồng ruộng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ, xây dựng cánh đồng lớn thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất.