Mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên: Cần sự vào cuộc trách nhiệm

NDO -

Tại buổi họp Ban Chỉ đạo dự án mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, do Tỉnh ủy Điện Biên vừa tổ chức, chốt tiến độ trước ngày 20-5 phải xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn tại trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng đề nghị, các sở, ngành, UBND TP Điện Biên Phủ nêu cao trách nhiệm, quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện dự án.

Nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng điểm TĐC số 1 tại tổ 10, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ.
Nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng điểm TĐC số 1 tại tổ 10, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ.

Lo lắng tiến độ chậm

Nhắc lại mốc thời gian cụ thể của các dự án xây dựng mặt bằng tái định cư (TĐC) đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ấn định là từ ngày 30-6, bắt đầu bàn giao mặt bằng cho người dân TĐC để đến trước 30-8, bàn giao mặt bằng cho ACV thi công dự án mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên theo Quyết định 470/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thắng đánh giá, tiến độ các phần việc hiện nay chậm; nếu các ngành không vào cuộc trách nhiệm, không phối hợp nhịp nhàng thì rất khó hoàn thành việc đặt ra.

Theo báo cáo mới nhất (Báo cáo 122/BC-UBND ngày 10-5-2021) của UBND tỉnh Điện Biên về tình hình thực hiện dự án mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên thì tiến độ triển khai các phần việc thuộc bốn dự án: Giải phóng mặt bằng (GPMB), TĐC; Xây dựng điểm TĐC số 1; Xây dựng điểm TĐC số 3 và số 3 mở rộng; Xây dựng điểm TĐC C13, đều không chuyển động nhiều so thời điểm ngày 13-4.

Tại  điểm TĐC số 1 tiến độ GPMB tăng 11,9% (từ 82,6% lên 94,5%); tiến độ thi công các hạng mục tăng 10% (từ 36% lên 46%); điểm TĐC số 3 có tiến độ GPMB tăng ấn tượng 45,8% (từ 37,5% tăng lên 83,3%) và tiến độ thi công hạ tầng tăng 18% (từ 15,8% lên 33,8%); với điểm TĐC C13 thì tiến độ GPMB vẫn “dậm chân” tại chỗ với con số 53,4%, tiến độ thi công tăng không đáng kể (từ 13,1% lên 19,7%).

Riêng với dự án GPMB, hỗ trợ TĐC mới đang tiếp tục các phần việc kê khai, kiểm đếm tài sản của các hộ gia đình và tổ chức; đến ngày 10-5 đã kiểm đếm 1.099 hộ gia đình và tám tổ chức với tổng diện tích 114,2ha/169,12ha cần GPMB.

Việc triển khai mỏ đất đắp để các nhà thầu khai thác đắp mặt bằng các điểm TĐC cũng nhùng nhằng… mỗi ngành mỗi ý. Như ý kiến của ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, ngay sau cuộc họp trước (ngày 13-4) huyện Điện Biên đã chỉ đạo các phòng, ban tham mưu thực hiện; đến nay giao bốn điểm thuộc nhà dân để đơn vị thi công khai thác và trữ lượng thì đáp ứng.

Tuy nhiên, về phía nhà thầu, mỏ đất đắp lại không hoàn toàn thuận lợi như thế. Ông Bùi Đức Giang, đại diện Công ty TNHH số 6 - đơn vị thi công mặt bằng điểm TĐC số 1, cho biết, lãnh đạo thành phố và huyện Điện Biên báo cáo đến 30-4, đã giải quyết mỏ đất đắp để nhà thầu thi công, nhưng hiện mới chỉ có một hộ dân cho khai thác xúc đất ở lề đường.

Để lấy được đất đắp đúng tiêu chuẩn quy định, nhà thầu phải xúc đi rất nhiều đất mùn; đồng thời phải lo tìm chỗ đổ thải là cả vấn đề rất khó khăn. Với lượng đất còn thiếu hiện nay là 50 nghìn m3 mà cứ đi xúc từng xe ở từng hộ dân thì rất mất thời gian, trong khi tiến độ thi công đang ép từng ngày.

Chính vì vậy, ông Bùi Đức Giang đề nghị, chủ đầu tư cần quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu sớm ngày nào tốt ngày ấy, để nhà thầu tập trung tiến độ, chất lượng công trình như cam kết.

Thừa nhận tiến độ các dự án không đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thời gian, ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, nguyên nhân phần vì các phần việc phức tạp, phần vì cùng thời điểm thành phố phải thực hiện nhiều dự án lớn.

Về tiến độ GPMB các dự án xây dựng điểm TĐC, ông Lê Tiến Dũng cho biết, hiện vướng nhất là đất của 40 hộ dân thuộc dự án xây dựng điểm TĐC C13; trong đó có một hộ vướng từ dự án cơ sở hạ tầng khu dân cư phía đông sân bay và 39 hộ là tồn tại từ dự án TĐC Quốc lộ 12 trước. Diện tích cần GPMB của 40 gia đình này là 0,85ha (chiếm 26,8% tổng diện tích cần GPMB thuộc dự án TĐC C13), song các diện tích này đều án ngữ vị trí quan trọng mà nếu không giải phóng không có lối đi vào khu dân cư phía trong và cũng không đủ mặt bằng bố trí TĐC cho các hộ dân phải di chuyển.

Để hoàn thiện thủ tục GPMB phần diện tích này hiện Trung tâm quản lý đất đai của UBND thành phố Điện Biên Phủ đang thu thập các giấy tờ liên quan về đất, kiểm đếm bổ sung để lập phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC.

Xem lại cách làm giữa các ngành

Chỉ rõ phức tạp trong kiểm đếm GPMB, hỗ trợ TĐC với con số tăng trên 400 hộ so kiểm đếm sơ bộ hai năm trước, ông Nguyễn Văn Thắng cũng thẳng thắn phê bình cách làm của một số ngành.

“Nghe các đồng chí báo cáo, tôi thấy rằng xây dựng các khu TĐC còn một số khó khăn, vướng mắc. Dù rằng lãnh đạo các ngành và lãnh đạo UBND huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ đều nói, đã có phương án giải quyết, song tôi thấy sự phối hợp giữa các sở, ngành và giữa các sở, ngành với các địa phương đang có vấn đề. Việc rất cụ thể, rõ ràng vậy mà các đồng chí cứ trao đi đổi lại bằng văn bản thì bao giờ mới giải quyết xong, trong khi đây là dự án trọng điểm của tỉnh, tiến độ đặt ra cụ thể theo tháng”, ông Thắng nhấn mạnh.

Chốt tiến độ trước ngày 20-5, phải xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn tại trong công tác bồi thường GPMB, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND thành phố Điện Biên Phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ, quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện dự án.

Với chủ đầu tư các dự án, phải tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các điểm TĐC; đồng thời, giám sát, quản lý chặt chẽ về chất lượng công trình theo đúng quy định.   

Nhấn mạnh tầm quan trọng dự án mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Điện Biên mà dự án còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an ninh - quốc phòng cho khu vực, đất nước, bởi vậy, ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu lãnh đạo, cán bộ các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo dự án và lãnh đạo huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn vì mục tiêu chung của dự án thay vì suy nghĩ, “việc này của ngành này hay ngành kia”.

Khẳng định, việc cần lúc này là khẩn trương GPMB để giao đủ mặt bằng cho nhà thầu thi công; cùng với đó, các sở phải phối hợp xây dựng giá đất nơi đến, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho người dân TĐC sớm ổn định cuộc sống, ông Nguyễn Văn Thắng cũng lưu ý, khi thực hiện phương án đền bù, GPMB cơ quan chức năng cần áp dụng đúng quy định pháp luật, vận dụng tối đa các chính sách có lợi cho người dân, để người dân yên tâm di chuyển, sinh sống tại nơi TĐC; với các trường hợp cố tình không chấp hành hoặc đòi yêu sách phi lý thì cũng cần áp dụng quy định pháp luật để thực hiện chứ không vì số ít người mà ảnh hưởng chung đến dự án.