Từ bấy đến nay, ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, đã nổ ra những cuộc cách mạng, dưới nhiều loại hình và mầu sắc, nhằm đánh đổ ách thống trị đế quốc và phong kiến, giành lấy độc lập và dân chủ, lập nên kiểu nhà nước mới của mình và theo một mô hình tổ chức nền dân chủ cho mình.
Ngày nay, trước những biến đổi to lớn và sâu sắc trong sự phát triển của thời đại và thời cuộc, nhiều luận thuyết mới về tổ chức các nền dân chủ được đưa ra. Không chỉ có những mô hình tổ chức nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được đổi mới mà cả những mô hình tổ chức nền dân chủ tư sản cũng có nhiều sự điều chỉnh. Người ta nói đến việc tổ chức một "nền dân chủ đích thực" dựa trên ba trụ cột chính là: kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.
Bài viết này không nhằm bàn luận về mặt chính trị hay học thuật các mô hình tổ chức nền dân chủ ấy. Chỉ muốn thông qua Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung và phát triển) vừa công bố (sau này gọi tắt là Dự thảo), thử tìm lời giải đáp cho một vài câu hỏi như: Quan niệm của Ðảng ta về nền dân chủ (hay chế độ dân chủ) mà chúng ta xây dựng như thế nào? Ðảng ta có đưa ra một mô hình tổ chức nền dân chủ không? Và nếu có thì đó là mô hình gì?
I. Quan niệm về nền dân chủ
Trước hết, xin nhắc lại đôi điều trong tư tưởng Hồ Chí Minh. 61 năm về trước, trong bài báo Dân vận (ngày 15-10-1949), Bác viết:
Nước ta là nước dân chủ.
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra
Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.(1)
Bài báo ngắn gọn này đã nói lên mối quan hệ gắn bó giữa ba thành tố chủ thể của chế độ dân chủ ở nước ta là: Dân - Nhà nước - Ðảng (đoàn thể là danh từ Bác thường dùng để nói về Ðảng thời gian rút vào hoạt động bí mật sau Cách mạng Tháng Tám). Trong cấu trúc ba chủ thể đó, dân là cái nền, cái gốc.
Bác nói rõ: "Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng".(2)
Bác cũng nói: Ðảng ta là Ðảng cầm quyền... Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. (Di chúc)
Với Dự thảo Cương lĩnh, nền dân chủ mà nhân dân ta xây dựng là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước. (Tg nhấn mạnh).
Nội dung xây dựng nền dân chủ ấy là:
- Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
- Dân chủ phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực thông qua hoạt động của nhà nước do nhân dân bầu ra và các hình thức dân chủ trực tiếp.
- Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm.
- Nhà nước quy định và bảo vệ các quyền công dân, quyền con người đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người.
II. Mô hình tổ chức nền dân chủ
Dự thảo không nêu cụm từ "mô hình tổ chức nền dân chủ". Nhưng qua phần IV "Hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Ðảng", có thể hiểu đó chính là mô hình tổ chức nền dân chủ ở nước ta thời kỳ quá độ.
Cùng với quan niệm về nền dân chủ như đã nói trên, Dự thảo nêu lên ba chủ thể trong hệ thống chính trị: Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, Ðảng Cộng sản.
1. Về Nhà nước
Nhà nước ta được xác định là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước là: Ðịnh ra luật pháp và tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; không ngừng hoàn thiện hệ thống tổ chức nhà nước. Ðó còn là gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân.
Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo của Trung ương. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; có cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền đó.
2. Về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân
Dự thảo xác định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, thắt chặt mối liên hệ giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân.
Về mặt tổ chức, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Ðảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên.
Các đoàn thể nhân dân thì tùy theo tính chất, tôn chỉ và mục đích đã xác định, có nhiệm vụ không chỉ vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên chấp hành luật pháp, chính sách; chăm lo, bảo vệ các quyền hợp pháp của đoàn viên, hội viên; giúp đoàn viên, hội viên nâng cao trình độ mọi mặt và xây dựng cuộc sống mới mà còn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Ðối với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, Ðảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp. Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.
3. Về Ðảng Cộng sản Việt Nam
Theo cách diễn đạt mới, về bản chất, Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Ðảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
Về nội dung và phương thức lãnh đạo, đã xác định:
- Ðảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Ðảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Ðảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Ðảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
- Ðảng lãnh đạo hệ thống chính trị đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Về công tác xây dựng Ðảng, đã nhấn mạnh mấy điểm:
- Ðể đảm đương được vai trò lãnh đạo, Ðảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo.
- Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Ðảng, bảo đảm đầy đủ dân chủ và kỷ luật trong sinh hoạt Ðảng. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái.
- Ðảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của nhân dân.
Có thể nói, trên những nét cơ bản, mô hình tổ chức hệ thống chính trị - hay mô hình tổ chức nền dân chủ - nêu lên trong Dự thảo Cương lĩnh đã thể hiện sâu sắc những giá trị lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ. Chế độ dân chủ của ta không phải là chế độ đa nguyên, đa đảng. Ðó là chế độ do nhân dân làm chủ, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Nhà nước của ta không phải nhà nước của một nhóm lợi ích riêng lẻ nào mà là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ðảng Cộng sản cầm quyền nhưng không độc quyền, không biến mình thành chính quyền và làm thay nhà nước, lãnh đạo nhưng không đứng trên mà đứng trong nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Chắc chắn rằng để có được một mô hình dân chủ thật sự tốt, trên tổng thể cũng như trong những nội dung cụ thể cần có sự đóng góp nhiều ý kiến quý báu.
Tháng 9-2010
HÀ ÐĂNG
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, t5, tr 698.
(2) Sđd, 1996, t8, tr 375.