Mô hình lúa-tôm trong ao nổi

Năm 2003, ông Lê Văn Đành, ở ấp Giồng Dài xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, được cán bộ của Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh khuyến khích chuyển hơn hai ha đất trồng lúa sang nuôi tôm trong ao nổi. "Liệu có thành công không khi mà ở đây đất bị nhiễm phèn khá nặng? Trồng lúa như trước đó còn bị mất mùa, mỗi vụ trúng cũng chỉ đạt... một tấn/ha", ông Đành phân vân.

Nghĩ thì nghĩ vậy. Bởi ông biết, trong xã đã có một vài trường hợp thành công với mô hình này. Ngoài ra, UBND huyện còn hứa sẽ ưu tiên giới thiệu vay vốn đầu tư. Vậy là ông Đành quyết định làm thử.

Được ngân hàng cho vay 30 triệu đồng, cộng thêm vốn liếng dành dụm bấy lâu, ông Đành thuê nhân công đắp ao theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Khuyến ngư. Đầu tư cho ao nuôi 2,2 ha hết hơn 40 triệu đồng, phần vốn còn lại ông mua tôm giống thả nuôi theo kiểu bán thâm canh. Năm tháng sau, ông thu hoạch được trên hai tấn tôm, có lãi lớn so với trồng lúa.

Vụ thứ hai, ông Đành quyết tâm chuyển sang nuôi công nghiệp. Lần này tôm nuôi đạt năng suất 4,7 tấn/ha. Hiện nay, cả sáu người trong gia đình ông đang dồn hết công sức cho vuông tôm...

Theo ông Nguyễn Đức Mậu, Trưởng phòng Nông nghiệp-Thủy sản, hiện toàn huyện đã có gần 1.000 ha nuôi tôm theo mô hình ao nổi, trong đó khoảng 400 ha nuôi công nghiệp. Hơn ba năm nay, những hộ nuôi theo mô hình này hầu hết rất thành công, năng suất bình quân đạt trên bốn tấn/ha đối với tôm nuôi công nghiệp.

Ông Mậu cho biết: "Sau khi thu hoạch tôm, nông dân có thể tận dụng đất trong ao để trồng lúa hoặc trồng màu, nuôi cá nước ngọt vào mùa nước ngọt". Nuôi kiểu này thuận lợi cho việc luân chuyển, theo ông Mậu, bởi ao nuôi thiết kế theo dạng này không khác những mảnh ruộng. Thay vì đào ao sâu như trước đây, đối với ao nổi, nông dân chỉ cần đào lớp đất mặt xuống khoảng 0,3 mét, sau đó dùng đất đắp bốn phía tạo thành "bể chứa" có chiều cao từ 1,5 - 1,7 mét và bơm nước vào thả tôm.

Việc xử lý nước được thực hiện khá nghiêm ngặt nhờ các ao lắng lọc cấp nước và ao chứa nước thải để xử lý trước khi đưa ra kênh, rạch. Do vậy, theo ông Huỳnh Hiếu Bi, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang: "Không gây ô nhiễm nước trong ao nuôi và cả môi trường chung quanh".

Khi thu hoạch, nông dân chỉ cần mở cống nhỏ sát mặt đất để xả nước như một bể chứa, do đó tiết kiệm chi phí và không mất nhiều thời gian như khi thu hoạch ở các ao sâu. Đồng thời, việc vệ sinh ao nuôi khá thuận lợi.

Cuối tháng 4-2005, khi hàng loạt vuông nuôi có tôm từ 20 ngày đến một tháng tuổi bị chết gần 70% ở các huyện Duyên Hải, Trà Cú... thì tại Cầu Ngang, theo ông Dương Tấn Đởm, Phó phòng Nông nghiệp - Thủy sản, tỷ lệ tôm chết chỉ ở mức 30% và đều tập trung ở các ao nuôi theo mô hình trước đây. "Nhờ không đào sâu vào tầng đất mặt, nên ao nổi không gặp phải tình trạng xì phèn tiềm tàng khiến độ pH tăng vọt như những ao nuôi khác", thạc sĩ Phạm Minh Truyền, cán bộ Trung tâm Khuyến ngư, nói.

Tuy nhiên, mô hình nuôi này cũng có những hạn chế. Trước mắt là phải thường xuyên bơm nước cho ao nên chi phí nuôi có thể tăng đôi chút so với nuôi ao sâu. Nhưng quan trọng nhất, theo ông Bi, làm như vậy thì môi trường sinh thái không bị ảnh hưởng nhiều.

Với mô hình ao nổi, nuôi kết hợp một vụ tôm, một vụ lúa, tầng đất mặt không bị phá hủy. Sau vụ tôm, những chất thải sót lại trong quá trình nuôi lại trở thành phân giúp cây lúa tăng trưởng mạnh. Theo ông Mậu: "Có nơi, lúa trồng trong ao nổi sau khi nuôi tôm đạt năng suất 4 tấn/ha so với năng suất bình quân vụ trúng nhất ở vùng này là 2-2,5 tấn/ha".