Ðẩy lùi hủ tục, mê tín dị đoan
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với thầy mo Hoàng Văn Thành, tại thôn Mới, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình (Hà Giang) bị gián đoạn khi bác Hoàng Tiến Tân, người trong thôn đến nhờ xem ngày cưới cho con trai và hướng dẫn cách thức tổ chức theo quy định của thôn. Khi biết đôi trẻ đủ tuổi kết hôn, tự nguyện và không cận huyết thống, thầy mo mới hỏi chuyện chuẩn bị của gia đình. Bác Tân rụt rè giãi bày. Theo tục lệ của dân tộc Nùng, đám cưới nhà trai phải mổ bốn trâu, sáu lợn để mời họ hàng, dân bản ăn uống trong ba ngày. Gia đình nghèo, nên đang đi vay mượn nhiều lắm. Thầy Thành lấy trong ngăn kéo ra cuốn Hương ước của thôn, đọc quy định tổ chức đám cưới theo nếp sống mới cho bác Tân nghe và đề nghị gia đình tổ chức đơn giản trong một ngày, cỗ bàn không cần tốn kém.
Hội Nghệ nhân dân gian các xã ở Hà Giang được thành lập nhằm tập hợp các thầy mo, thầy cúng... có uy tín trong dân bản, dưới sự tổ chức của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tiến hành vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ðồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Giang Ly Mí Lử cho biết, lâu nay, chúng ta mới chỉ nhìn các thầy mo, thầy cúng, thầy tạo... ở mặt tiêu cực là những người hoạt động mê tín dị đoan. Nhưng nếu biết tổ chức, tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu rõ về những nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc, những tác hại của tập tục, nghi lễ lạc hậu, thì không những giúp họ nhận ra việc làm sai trái của mình để tránh, mà còn trở thành nhân tố tích cực trong tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa mới khá hiệu quả.
Thầy mo Giàng Sao Lừ, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Nàn Ma, huyện Xín Mần bộc bạch, để tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Ðảng, các thầy đã xóa bỏ lệ cũ trước đây là dân bản tìm đến nhờ thầy, nay các thầy chủ động tìm đến dân bản. Thầy cúng Giàng Seo Thìn kể, có cháu nhỏ trong bản bị ốm, bố mẹ mời thầy đến cúng. Ðến nơi, thấy cháu sốt cao, thầy Thìn nói: "Chuyện cúng đuổi con ma sẽ làm sau, bây giờ cứ đưa con ra trạm y tế khám". Họ nghe lời thầy, đưa cháu bé đi khám. Biết cháu bị cảm lạnh, cho nên các y sĩ cho uống thuốc, mấy hôm sau thì khỏi. Thế là không phải tuyên truyền giải thích nhiều, đồng bào hiểu ra, khi có người ốm đau là phải đến trạm y tế điều trị.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nàn Ma Giàng Seo Say, tục của người Mông ở đây từ nhiều đời nay thường để người chết trong nhà cả tuần và tổ chức tốn kém. Rồi tục "bón cơm" gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe. Ðã từ lâu, chính quyền vận động đồng bào Mông xóa bỏ nhưng chưa được. Ðến nay, với sự tham gia của các thầy mo, thầy cúng thì hủ tục này được nhiều dòng họ xóa bỏ. Các thầy đảm nhận phần nghi thức tế lễ cho nên việc tổ chức đám hiếu luôn được thực hiện theo quy định, không quá 48 giờ.
Khôi phục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Chúng tôi đến thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình khi nghệ nhân Sìn Văn Phong đang truyền dạy cho lớp trai bản bài cúng Thần núi, Thần lửa để thực hiện nghi lễ nhảy lửa - lễ hội văn hóa độc đáo của người Pà Thẻn. Theo thầy Sìn Văn Phong, lễ hội này đang có nguy cơ mai một, trong bản giờ chỉ còn mình ông thuộc các nghi thức và bài cúng. Thầy Sìn Văn Phong cho biết, nhiều lễ hội, tập tục văn hóa, nghề truyền thống của các dân tộc khác nhau trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang được các Hội Nghệ nhân dân gian tích cực phục hồi như múa khèn của dân tộc Mông, lễ hội Cấp sắc của dân tộc Dao, múa thuông của dân tộc Tày...
Ði thăm rừng đầu nguồn Nàn Ma, thầy mo Giàng Seo Lừ rất tự hào chỉ chúng tôi những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Khu rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn là do có tục cúng Thần rừng của dân bản. Theo tín ngưỡng dân tộc, Thần rừng là người mang lại cuộc sống ấm no, nên hằng năm vào dịp đầu xuân, dân bản đều tổ chức lễ cúng Thần rừng. Không ai được chặt phá cây trong khu rừng dành để cúng Thần. Hiện nay, tục cúng Thần rừng được khôi phục ở hầu hết các thôn, bản. Trong Lễ cúng Thần rừng, các nghệ nhân dân gian và chính quyền lồng ghép tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc rừng hiệu quả, nhân rộng diện tích rừng được bảo vệ.
Là tỉnh biên giới cực bắc
Tổ quốc, Hà Giang có vị trí an ninh quốc phòng quan trọng, nơi quần tụ sinh sống của hơn 20 dân tộc anh em với hàng nghìn tập tục, lễ hội văn hóa đặc sắc. Nhưng đây cũng là nơi cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, địa hình núi cao chia cắt, trình độ dân trí thấp, kẻ địch dễ lợi dụng chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc. Trong tình hình đó, hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian tuy mới nhưng bước đầu đã đạt được kết quả trong tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa.