Mở cửa trường học an toàn

Hôm nay (ngày 7/2), nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu mở cửa trường học, đưa học sinh, sinh viên trở lại học tập trực tiếp sau thời gian dài tạm dừng do dịch Covid-19.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việc tạm dừng đến trường kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến thể chất, tinh thần và chất lượng học tập của học sinh, sinh viên. Một số nghiên cứu của giới chuyên gia cho thấy, việc không được đến trường, phải ở nhà học trực tuyến khiến tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng vọt. Tỷ lệ thiếu tập trung và không hứng thú học tập khá cao; tình trạng tự ti, mất phương hướng, bị rối loạn giấc ngủ, hay cáu gắt, lo lắng không lý do cũng xảy ra phổ biến đối với cả giáo viên và học sinh. Vì vậy, việc mở cửa, đưa học sinh, sinh viên đến trường là cần thiết. Tuy nhiên, với hơn 22,6 triệu học sinh, sinh viên các cấp, bậc học trên cả nước, khi đi học trực tiếp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp cũng đặt ra nhiều vấn đề không chỉ cho thầy giáo, cô giáo, ngành giáo dục mà còn cho cả các cấp, các ngành và cha mẹ học sinh. 

Mở cửa trường học cần theo tinh thần chung là thích ứng, linh hoạt,  bảo đảm an toàn để thúc đẩy dạy học hiệu quả, chất lượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo, sở y tế, các ban, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục phương án, kịch bản phù hợp để xử lý tình huống xảy ra dịch bệnh trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ đến trường, bảo đảm an toàn. Các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ nhà trường, gia đình học sinh để có phương án dạy và học phù hợp từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể (học sinh bị bệnh nền, hoàn cảnh khó khăn, sống xa cha mẹ...). Địa phương cần khẩn trương bàn giao lại cơ sở vật chất đã trưng dụng của cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn, sửa chữa hư hại nếu có để bảo đảm sử dụng tốt; đồng thời quan tâm, chỉ đạo các cơ sở giáo dục vệ sinh, khử khuẩn trường lớp trước khi cho học sinh đến trường; hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trực thuộc và các trường đưa sinh viên trở lại học tập trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. 

Mở cửa trường học trở lại đòi hỏi không chỉ có sự chuẩn bị ở trường học mà cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh, học sinh và giáo viên. Sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp. Những ngày đầu, cơ sở giáo dục cần phối hợp cơ sở y tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cha mẹ học sinh cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; diễn biến tâm lý nhằm kịp thời tư vấn, giúp các em có nhận thức, thái độ, hành vi, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh để sớm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tổ chức các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới. Nhà trường, các thầy cô giáo cũng cần chuẩn bị tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn và phòng, chống bạo lực học đường, không để xảy ra mất an toàn trường học.

Đáng chú ý, hình thức dạy trực tuyến đã được xác lập trong hai năm qua và tạo ra cú huých thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành giáo dục cũng như đã tạo dựng một nền tảng tốt cho việc tự học, đào tạo từ xa cũng như các kỹ năng tổng hợp trong dạy và học trực tuyến. Vì vậy, khi quay lại dạy và học trực tiếp cần tiếp tục tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến vào dạy học trực tiếp. Tập trung củng cố, bù đắp kiến thức, cân nhắc lộ trình kiểm tra, đánh giá phù hợp… để không chỉ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm học 2021-2022, mà còn chuẩn bị cho cả những năm học tiếp theo.