MIT công bố đột phá trong lĩnh vực mạng quang học

MIT công bố đột phá trong lĩnh vực mạng quang học

Khám phá mới này hứa hẹn sẽ giải quyết một vấn đề từ lâu đã làm ảnh hưởng xấu tới các mạng cáp quang: Các sóng ánh sáng bị yếu dần khi được truyền đi qua một khoảng cách lớn khi chúng bị phân cực hóa, hay bị phân hướng ngẫu nhiên theo chiều dọc và chiều ngang. Những công cụ hiện có được dùng để giải quyết rắc rối này thường có chi phí rất cao khi được triển khai ở quy mô lớn.

Trong số ra gần đây của tạp chí Nature Photonics, các nhà khoa học của MIT đã cho biết họ đã tìm ra một giải pháp để tận dụng được các khả năng sản xuất hàng loạt các con chip silicon tiêu chuẩn. Đây là một phát minh hết sức hứa hẹn khi các giao dịch truyền video đòi hỏi băng thông lớn đang vắt kiệt công suất của các mạng máy tính cũng như các nhu cầu giao dịch mạng thông suốt của người tiêu dùng.

Cũng như các loại kính phân cực có khả năng chặn các sóng ánh sáng chiếu theo những hướng khác nhau, các nhà khoa học của MIT đã tạo ra một thiết bị thông minh để tách đôi các chùm ánh sáng khi chúng đi qua một bo mạch. Thiết bị này sau đó sẽ xoay một trong những chùm ánh sáng phân cực, trước khi cả hai chùm sáng kết hợp lại trên đường ra của bo mạch, duy trì được cường độ của tín hiệu.

Tuy nhiên, ngoài thiết bị này, các nhà khoa học còn giới thiệu một phương pháp tiên tiến mà họ mới phát minh ra, được dùng để tích hợp các mạch quang học với các mạch điện tử trên cùng một con chip silicon. Ông Erich Ippen, một kỹ sư điện tử và là một giáo sư vật lý của MIT cho biết: “Đây là một bước tiến lớn, từ trước tới nay chưa có ai đưa ra được một phương pháp có thể đưa vào sản xuất hàng loạt như thế này, cũng như tận dụng được kỹ thuật sản xuất công nghệ silicon”.

Từ lâu nay, các nhà khoa học đã rất nỗ lực nghiên cứu để tìm kiếm các phương pháp để tận dụng năng lực mạnh mẽ của các sóng ánh sáng trong các mạng máy tính cũng như tìm cách để chế tạo hàng loạt các bo mạch với chi phí thấp bằng các quy trình sản xuất đã được thiết lập sẵn trong các nhà máy bán dẫn. Họ thường gặp phải trở ngại bởi các vấn đề không tương thích giữa silicon và các nguồn ánh sáng. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, việc nghiên cứu trong lĩnh vực này đã có những tiến bộ rõ rệt.

Nhóm nghiên cứu của MIT đã giới thiệu một mẫu bo mạch trên một con chip mà họ nói rằng có thể dễ dàng được sản xuất hàng loạt bằng công nghệ chế tạo silicon hiện đang được sử dụng rộng rãi.

Các chuyên gia công nghệ độc lập cho rằng phát minh mới của các nhà khoa học MIT có thể sẽ giúp chế tạo ra những con chip truyền thông thế hệ kế tiếp, và những thiết bị như thế có thể sẽ khiến cho người ta phải định nghĩa lại cách xây dựng các mạng cáp quang.

Bà Connie Chang-Hasnain, một nhà khoa học máy tính của Trường ĐH Califorina cho biết hiện nay, để giải quyết vấn đề này thường phải cần tới những bộ phận có kích thước lớn và phải mất nhiều giờ đồng hồ cùng với những thiết bị chính xác để lắp ráp chúng. Bà nói: “Còn ở đây, bạn chỉ cần chế tạo một con chip silicon và chẳng cần ai để lắp ráp chúng. Nó sẽ giúp tăng đáng kể hiệu suất mạng và giảm nhu cầu nhân công cũng như các thiết bị chính xác. Điều đó thật khác thường”.

Ông Alex Schoenfelder, một quan chức của hãng JDS Uniphase cho rằng nghiên cứu của các nhà khoa học MIT sẽ giúp giảm đáng kể chi phí chế tạo các thiết bị quang học và giúp đưa công nghệ này hướng tới gần người tiêu dùng hơn. Ông nói: “Nó sẽ đưa ranh giới giữa quang học và điện tử tới rất gần với người dùng cuối. Và điều đó rất quan trọng, nó sẽ giúp thị trường mở rộng hơn rất nhiều so với hiện nay”.