Maradona – "Vua nói dối"

Kỳ 1: Thề rằng "không" sau lại nói "có"

Trong cuốn tự truyện mới xuất bản, Diego Maradona nói về cảm giác sung sướng sau khi dùng tay ghi bàn vào lưới Peter Shilton ở trận tứ kết Argentina - Anh tại Mexico 1986: "Chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu trả thù người Anh. Chúng tôi buộc các cầu thủ Anh phải đau khổ sau những đau khổ mà nhân dân Argentina đã phải hứng chịu trong cuộc chiến tranh giành quần đảo Malvinas...". Cứ như Maradona đã hoàn thành một sứ mệnh lớn đối với đất nước. Có thật như thế?

Lật lại các dòng tư liệu ghi nhận không khí trước trận đấu cách nay 18 năm, chúng ta thấy rõ: Maradona luôn chỉ trích dữ dội "các chính trị gia cố lợi dụng đội tuyển cho mục đích của họ". Anh trả lời phỏng vấn trước trận đấu: "Mỗi khi ra sân, tôi chỉ biết mình sắp tham gia trò chơi bóng đá tuyệt vời. Tôi không bao giờ có kiểu suy nghĩ sặc mùi chính trị là xem bóng đá như một trận đấu". Chính Maradona đã mắng xối xả nhà báo John Carlin của tờ Times khi được hỏi về cảm xúc trước trận gặp Anh và vấn đề quần đảo Malvinas (hay Falklands, theo cách gọi của Anh): "Này anh bạn, tôi là cầu thủ và tôi chỉ biết chơi bóng. Tôi không biết gì về chính trị cả. Không biết gì hết, rõ chưa?".

Cũng nên nhắc lại: kỹ thuật báo chí trong thập kỷ 80 chưa thật sự sắc sảo như ngày nay, do vậy chỉ đến khi một tờ báo của Australia in thật rõ bức ảnh Maradona dùng tay đánh bóng, ba năm sau đó anh mới hết đường chối cãi (với giọng điệu rằng đấy là "cú trả thù xuất sắc cho đất nước"). Còn ở thời điểm 1986, việc xem lại pha chiếu chậm nhiều lần trên truyền hình cùng câu nói lấp lửng "nếu quả có bàn tay ghi bàn thì đấy là Bàn tay của Chúa" chỉ giúp mọi người nghi ngờ cách ghi bàn của Maradona. Đây là lý do vì sao khi hậu vệ Anh Terry Butcher hỏi lại (chỉ để cho biết thôi) rằng đấy là cú ghi bàn bằng tay hay đầu, Maradona khẳng định: bằng đầu. Một năm sau World Cup 1986, Maradona vẫn trả lời phỏng vấn của BBC: "Đấy là bàn thắng hợp lệ"!

Trơ trẽn nhất là việc Maradona kể rằng khi trở lại Italy khoác áo Napoli sau World Cup, anh được huyền thoại Silvio Piola ủng hộ. Tự truyện: "... Silvio Piola đã đến gặp tôi và nói: đối với tất cả những người đã nói rằng cậu không trung thực khi ghi bàn, cậu hãy trả lời rằng ở Italy cũng thế, không có mẫu cầu thủ trung thực. Chính tôi từng gian lận khi dùng tay ghi bàn vào lưới đội Anh, vậy mà cả thế giới vẫn chúc mừng tôi. Piola quả là một người kỳ lạ...".

Đúng là Piola... quá lạ. Ông ta quả đã dùng tay ghi bàn trong trận Italy hòa Anh 2-2 vào tháng 5-1939. Ở thời điểm ấy lò lửa chiến tranh đã sục sôi khắp châu Âu. Chẳng biết có bao nhiêu người quan tâm đến trận giao hữu ấy. "Cả thế giới chúc mừng" bàn thắng gian lận của đội tuyển Italy càng là chuyện khó tin (Italy là đồng minh của phát xít Đức trong Đệ nhị thế chiến). Hình như Maradona không biết rằng ngay sau trận ấy Piola (vô địch World Cup 1938) được khen bởi chính thái độ trung thực khi ông thẳng thắn thú nhận là đã dùng tay ghi bàn, chứ không phải được khen về chuyện ghi bàn bằng tay (chi tiết này được ghi rõ trong cuốn The Complete Encyclopedia of Soccer - bách khoa toàn thư bóng đá - của nhà xuất bản Carlton).

Cuốn tự truyện "Tôi là Diego Maradona" được xuất bản vào năm 2001, tức đã năm năm sau khi Piola qua đời. Lúc Maradona chính thức thừa nhận anh ra ghi bàn bằng tay (trước World Cup 1990), Piola - sinh năm 1913 - đã là ông lão gần 80 tuổi, bị căn bệnh mất trí nhớ hành hạ!

Giá trị hàng đầu của những cuốn tự truyện, hay hồi ký, bao giờ cũng là những tiết lộ thầm kín nhất, can đảm nhất, nói lên sự trung thực của người viết. Thí dụ Tony Adams thú thật là hay... đái dầm mỗi khi say rượu, Paul Gascoigne nhận mình hay "đánh vợ một cách hèn hạ", hoặc Pele đồng ý rằng ông có muốn học thì chữ cũng chẳng chịu chui vào đầu. Người đọc có tin vào những chi tiết sinh động trong tự truyện (hoặc hồi ký) hay không cũng là nhờ những sự thú nhận can đảm ấy. Thế còn Maradona? Anh ta bảo rằng ca doping dương tính tại World Cup 1994 là "một âm mưu đê tiện", rằng anh "đã bị FIFA chặt chân". Trong số báo tới, chúng ta sẽ thấy Maradona đã tự dối mình (trước khi dối độc giả) như thế nào.