Khoảng giữa tháng 11/2021, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hải Phòng) đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Hải Hà (SN 1981, trú tại huyện An Dương) vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin từ Cơ quan điều tra, Hà tự xưng là đại tá, công tác tại Bộ Công an, sắp được điều động làm lãnh đạo Công an TP Hải Phòng. Ngày 9/11, khi Hà đang có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của một người dân trú tại quận Lê Chân thì bị công an bắt quả tang. Tang vật thu giữ gồm: 250 triệu đồng, ô-tô có gắn hình quốc huy trên kính lái, cùng một số tang vật liên quan. Hà khai tự xưng công an, có nhiều mối quan hệ để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xin việc làm, chạy án... tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Có 9 bị hại trình báo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hà. Trước đó, tháng 10/2021, Công an quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Mai Thị Lan (sinh năm 1977, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình) để điều tra làm rõ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lan là người lên mạng xã hội thể hiện mình làm việc trong ngành công an để gây dựng lòng tin với nhiều người nhằm lừa đảo. Từ khoảng năm 2018 đến nay, đã có hàng chục người dân bị Lan lừa tiền qua hình thức xin việc vào các cơ quan nhà nước hoặc cho đối tượng này vay tiền, với tổng số tiền các bị hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Có thể thấy, thời gian qua, tình trạng giả danh công an để vi phạm pháp luật diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công an các địa phương cũng đã liên tục đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cảnh giác với loại tội phạm này. Qua các vụ việc có thể thấy, thủ đoạn của các đối tượng thường là mặc trang phục ngành công an, tự xưng, thậm chí làm giả giấy tờ để chứng minh mình là sĩ quan có chức vụ cao trong ngành. Nhiều người vì có nhu cầu muốn xin việc hoặc đang có các tranh chấp dân sự, muốn có sự "tác động" để giải quyết và rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Sau khi lấy được tiền, các đối tượng thường tìm cớ thoái thác, viện ra những lý do khách quan để trốn tránh trách nhiệm. Nhiều kẻ thậm chí còn bỏ trốn sang các địa phương khác rồi tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, gây khó khăn cho cơ quan điều tra khi nhận được tin tố giác tội phạm từ quần chúng.
Theo Bộ Công an, người dân có nhiều cách để nhận diện các đối tượng giả danh cán bộ, chiến sĩ trong ngành như: Quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế tác phong bởi đối tượng giả danh luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ, cố tình để người khác thấy giấy tờ, thẻ ngành. Khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình càng nhiều càng tốt vì càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở. Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực công an, những người đang công tác trong ngành công an phân tích, đánh giá…
Theo quy định của pháp luật, nếu giả mạo công an thì tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt mà người thực hiện hành vi có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Quân phục, cảnh phục của lực lượng Quân đội nhân dân hay Công an nhân dân (CAND) là những mặt hàng đặc thù, chỉ được sản xuất, cung cấp bởi các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hay được Nhà nước sản xuất riêng và trang bị, cấp cho các đơn vị, cá nhân trong lực lượng vũ trang để thực thi nhiệm vụ. Điều 19 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội... quy định: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng CAND. Theo Nghị định số 29/2016/NĐ-CP ngày 21/4/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2007/NĐ-CP quy định cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng CAND: Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đối với các đối tượng giả danh công an để lừa đảo có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Kể cả khi không có mục đích chiếm đoạt tài sản thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm trong từng trường hợp, người thực hiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác" theo Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt là cải tạo không giam giữ lên đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tại Điều 191 Bộ luật này quy định người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng... thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật sư TRƯƠNG THANH TUẤN (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)