Mảnh đất cho Tô-ni

Mới đi công tác về, nhận được điện báo mời lĩnh bưu phẩm, tôi ra ngay bưu điện. Chị nhân viên bưu điện mắt không nhìn lên, hỏi sẵng:

Minh họa: HẢI KIÊN
Minh họa: HẢI KIÊN

- Sao báo đến lần thứ ba mới tới?

Cô bé Cú đưa thư trong phim hoạt hình của Ba Lan phát huy tính cách đây - tôi nghĩ.

- Tôi đi công tác chị ạ.

- Chị biết ai gửi không?

- Nếu từ Huế ra có thể của ba mẹ tôi do em gái đứng tên là...

- Ký vào đây!

Quên nỗi bực dọc phía trong ô cửa, cầm cây bút ký nhận hàng, tôi tự hỏi: Không hiểu cô bé gửi gì cho mình đây? Chưa bao giờ nó gửi quà cho tôi qua đường bưu điện!

Mở gói bưu phẩm, tôi vô cùng ngạc nhiên: đó là một bức tranh - áp phích về hòa bình. Suốt ngày lo công việc ở khách sạn, rồi phấn son, rồi tập văn nghệ, làm sao con bé lại nảy ra cái trò vẽ vời thế này nhỉ? Còn đây là bức thư gửi kèm:

“Anh chàng Tô-ni nhờ em gửi bức tranh anh ta vừa vẽ ra tặng chị, cũng là để nhờ anh “thợ vẽ” nhà chị “phán” hộ. Hiện Tô-ni đang là họa sĩ được dư luận trong này chú ý. Chỉ thế thôi”.

Chỉ thế thôi ư? Đâu phải chỉ có thế thôi. Bất giác tôi nhớ lại cậu bé Tô-ni ngày nào.

*

Trước cửa nhà tôi, đối diện chợ Vĩ Dạ có một gian hàng tạp hóa. Gọi là gian hàng thì sang quá vì đó chỉ là một góc hè được quây bằng cót ép. Chủ của nó là một bà già, chúng tôi gọi là mụ (*) Bê. Mụ bán những thứ hàng dân dã: diêm, tăm, thuốc lá Cẩm Lệ, dầu hỏa, giấy vệ sinh, rượu, chổi, ống nhổ... Trước Mậu Thân mụ ở cho nhà ông bà nội tôi. Sau giải phóng khi gia đình tôi trở về thì mụ đã ngồi bán ở đó với thằng cháu lai Mỹ ra ra vào vào, rách rưới.

Dân xóm chợ kể lại rằng, trước kia, dì Mai con mụ Bê khá đẹp. Khi mụ Bê đến ở cho ông bà tôi thì dì đi bán hoa quả lê la khắp các chợ. Hai mẹ con còng lưng nuôi người cha nghiện ngập và một đứa em trai còn nhỏ. Lúc ba tôi trốn nhà đi hoạt động cách mạng thì ông ta chết trong một cơn say rượu. Lính Mỹ tràn vào miền nam, nghe mấy người bạn rủ rê, dì Mai xin vào làm ở khách sạn dành cho người Mỹ. Được một thời gian, dì Mai trở nên xinh đẹp và đài các có tiếng. Nhưng đối với dân xóm chợ thì đó vẫn là cô bé lam lũ ngày nào. Bởi vậy khi dì vác bụng trở về với khuôn mặt hốc hác và đôi mắt luôn cụp xuống, người ta không nghĩ đến việc chửi bới “con me Mỹ” nữa. Thằng Tô-ni ra đời được một năm thì mẹ nó bị bệnh mất. Ông cậu đi quân dịch thì chết mất xác ngoài Quảng Trị. Tô-ni ra đời và lớn lên trong sự đói nghèo của bà ngoại. Khi đã đủ sức (sức khỏe của một đứa trẻ nghèo), nó kiếm việc làm thuê cho hầu hết các nhà trong thành phố.

Ở phố tôi cứ đến mùa hè là thiếu nước. Những nhà có máy bơm nước thì hút mãi mới được vài thùng. Sông Hương về mùa này nước lợ, vì thế hầu hết các nhà phải mua nước ngọt dưới bến, do những con đò chở nước ngọt từ thượng nguồn về. Cậu bé Tô-ni với sức vóc trời cho là một trong những người chuyên gánh nước thuê, bổ củi thuê, phụ cắt tóc... Có những khi nó lang thang làm thuê trên phố chợ hay mạn ngược, vài tháng mới về, lại ngửa tay xin tiền. Mụ Bê cằn nhằn:

- Mồ cha mi, sao mi không tìm mồ cha mà đào lấy tiền.

Có lúc mụ lại gọi nó tới dúi cho nắm tiền:

- Đi may bộ đồ đi con, rách hết cả rồi.

Tôi vẫn để ý đến cậu bé lai Mỹ ấy, nhưng không bao giờ bắt chuyện. Hình như đối với cậu ta, tôi thuộc một thế giới khác, tuy hai chị em vẫn qua lại giáp mặt nhau hằng ngày.

Nhưng một sự việc xảy ra khiến tôi phải can thiệp đến cuộc sống của Tô-ni.

Lớp tôi chủ nhiệm (một lớp học có hai phần ba con mồ côi cha đi lính cộng hòa và mù tịt về những bài toán thập phân), có một cậu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Lên sáu tuổi em phải chứng kiến một cảnh thảm khốc: một tên lính Mỹ làm nhục người mẹ ngay trong nhà, trong một trận càn ở một vùng đất thuộc tỉnh Tây Ninh. Làm xong trò thú vật, hắn chĩa súng xả vào người đàn bà ngay trước mặt đứa con nhỏ. Người cha đi lính cộng hòa, quá đau đớn khi nghe tin vợ, đã quay súng bắn chết tên đại tá Mỹ và nhận một tràng đạn vào mình, để lại đứa con côi cút. Sau đó bé Huân được ông bà nội đón về Huế. Trong trái tim em bây giờ chỉ còn nỗi ghê sợ những bộ mặt ác quỷ dưới lớp da trắng, tóc vàng. Nhà Huân gần nhà Tô-ni. Càng lớn Tô-ni càng “Mỹ”, nên thằng Huân càng ghê tởm nó. Nghe đâu có lần Tô-ni rủ Huân sang “Cồn” xem mặt lính Mỹ, Huân chống nạnh buông thõng một câu:

- Mi về soi gương xem. Mắc chi đi mô cho mệt?

Tô-ni chạy về nhà nằm khóc. Nó tức tưởi đập vỡ chiếc gương soi hoen vàng. Từ đó hai đứa tránh mặt nhau. Thằng Huân đi học ngang qua, mặt vênh lên như chực khóc.

Một tối, đi họp chi đoàn giáo viên về, tôi bỗng vấp phải một thân người nằm ở cạnh cổng. Giật mình lùi lại, dưới ánh điện tôi nhận ra thằng bé lai.

- Trời ơi, sao vậy?

Tấm thân quằn quại, rên rỉ.

- Tô-ni! Tô-ni! Sao vậy? - Tôi nâng đầu nó lên.

- Chị... Bạn đó...

Nhưng tay tôi có dính vết máu. Tôi xốc vội nó lên đưa vào nhà. Mọi người trong nhà vội vàng lau rửa vết thương, thay quần áo của em trai tôi cho nó. Tôi chạy ra phố mua cho Tô-ni tô bún bò.

Sự việc là thế này:

Mụ Bê ốm nặng được mẹ tôi đưa vào bệnh viện. Ở nhà không hiểu Tô-ni cất hàng thế nào, bị kẻ giam cuỗm sạch. Quá lo sợ, Tô-ni đang lang thang kiếm việc nhưng cũng chỉ đủ ăn qua bữa, làm sao sắm lại được số hàng đã mất. Trong khi đó nhà ông bà thằng Huân có những ba chuồng chim câu, năm con heo bự và một đàn vịt mập ú. Tô-ni bèn ôm luôn nắm chim câu. Mới mang ra đầu chợ thì chú thằng Huân đuổi được. Hai chú cháu ra sức nện cho thằng con lai một trận nhừ tử. Họ nhốt nó vào bếp, đến đêm thì thả. Hàng xóm chẳng ai để ý, họ còn phải lo kiếm manh áo bát gạo.

Tôi tự trách mình lâu nay đã quá vô tâm tới bà cháu mụ Bê, người đã gắn bó với gia đình tôi những năm Huế tràn ngập lính Mỹ. Số tiền lương đi dạy dành dụm được, tôi ra chợ mua ít hàng cho họ. Sau đó tôi đã có một buổi nói chuyện nghiêm túc với Huân. Cũng chẳng thể trách được thằng bé Huân. Nhưng may sao, Huân cũng đã hiểu ra nhiều điều. Nó nghe lời tôi, đến làm lành và động viên Tô-ni theo học lớp bổ túc ban đêm.

Thế mà được vài buổi, Tô-ni ỉu xìu:

- Đầu em học không vô. Với lại... - Nó di di bàn chân trắng xanh dưới nên gạch.

- Sao?

- Em... em... không có tiền nộp học...

- Trời ơi, ai bắt em nộp tiền. Chỉ cần một tờ đơn thôi, để chị viết cho.

- Nhưng... cứ đi học hoài, ai thuê làm.

- Mi học cả ngày được thì quá tốt - Tôi cáu - Ban ngày mi đi làm thuê, ban đêm chịu khó vác cái đầu đến lớp, được chưa?

Tôi nhỏ giọng:

- Rồi thì cũng phải kiếm một cái nghề gì chứ, Tô-ni?

Thằng Huân thật tội, ngày ngày nó đến tìm Tô-ni, khi thì sửa lại vài nét chữ, khi thì gánh giúp đôi nước. Tôi cảm thấy rất hài lòng về lũ trẻ.

*

Tôi lấy chồng và chuyển đi xa.

Kỷ niệm về xóm chợ Vĩ Dạ dần mờ đi trong ký ức bởi những ngày tất tả ngược xuôi. Đôi lần về thăm nhà, tôi có nghe loáng thoáng về Tô-ni, rằng cậu ta đã được đi học ở trường Công nhân kỹ thuật, rằng cậu ta giờ đẹp trai lắm với vóc dáng Hô-li-út pha chút sương mù xứ Huế. Tôi cũng nghe nói có một số trẻ con lai được bảo lãnh sang Mỹ. Ngay cả những người đã trưởng thành, vợ con công ăn việc làm ổn định, cũng bỏ cả để đi. Vậy thì Tô-ni chắc chắn sẽ đi thôi, nghe đâu có người từ bên đó sang tìm mẹ nó, mà mụ Bê thì đã mồ yên mả đẹp rồi. Chút tình cảm của gia đình tôi, của bà con lối xóm đâu có hấp dẫn bằng những đường phố hào nhoáng ở California hay New York.

Vì thế tôi quên hẳn Tô-ni.

*

Món quà đến với tôi thật bất ngờ.

Tôi tò mò xét đoán xem bức tranh chuyển từ miền đất nào đến. Nhưng rõ ràng nét chữ của nó: Huế, ngày 20 tháng 4... Vả lại, trong thư, đứa em gái tôi đã nói về Tô-ni, về một họa sĩ đang được dư luận miền trung chú ý...

Bức tranh tuyệt đẹp vẽ một người cha đang nâng đứa con trên đôi tay. Trên bờ vai lực lưỡng của người đàn ông, một chú chim câu trắng đậu hiền từ.

Xứ này người ta thường dùng hình ảnh người mẹ bế đứa con làm biểu tượng cho khát vọng hòa bình. Tô-ni đã vẽ một người cha. Những đứa trẻ sinh ra từ cuộc chiến tranh, những con người mang trong mình hai dòng máu hòa trộn với nhau bằng nước mắt, bằng thù hằn và những cuộc chém giết kéo lê trong khát vọng tự do của loài người... những con người đó đang kiếm tìm cha đẻ của mình.

Nhưng quan trọng hơn là Tô-ni vẫn còn đó. Tô-ni đã chọn đất mẹ làm quê hương.

Tô-ni ơi, xin lỗi nhé, vì chị đã vội quên em!

Vĩ thanh:

Ngày 20 tháng 11 năm 2019, 30 năm sau.

Câu chuyện về Tô-ni, một nhân vật có thật đã từng sống ở góc gian nhà trước của căn nhà ba mẹ tôi đối diện chợ Vĩ Dạ, được viết vào năm 1989.

Vài năm sau, bằng cách nào đó mà tôi không biết rõ, Tô-ni được đón sang Mỹ định cư.

Tôi không nghĩ Tô-ni may mắn. Cũng không cho là Tô-ni đã bỏ đất mẹ Việt Nam mà đi. Mỗi con người khi sinh ra đều có con đường định mệnh, trên con đường riêng khác đó, ý chí con người cũng góp phần quyết định số phận của mình.

Bạn có cảm thấy vô vàn sự liên kết với trái đất và những người đã đi qua, đang đi qua, hay ở chung quanh bạn không? Bạn có cảm thấy mình không chỉ thuộc về thế giới này, mà còn thuộc về khoảng không gian đa chiều bao la vô tận?

Chọn góc nhìn toàn diện về cuộc sống sẽ giúp bạn cầm trịch mọi thứ.

1989 - 2019
____________

(*) mụ: Cách gọi thân mật người phụ nữ lớn tuổi ở Huế.

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Câu chuyện giản dị như một buổi tối ngồi cà-phê vỉa hè nghe một người bạn kể cho tôi nghe. Nhưng khi nghe xong rồi thì lòng tôi lại dâng lên những lớp sóng cảm xúc lạ lùng. Tô-ni mang một phần dòng máu của kẻ thù cũ, kẻ đã gây tội ác với những người mà giờ đây lại dành bao tình thương yêu và lo lắng cho cuộc đời của chàng trai này. Và chính tình thương yêu lớn lao ấy đã cho Tô-ni nhận ra rằng: Mảnh đấy này dù không phải quê cha đất tổ của anh nhưng cuối cùng anh đã nhận đó chính là quê hương mình.

Tình yêu thương lớn lao đã giúp con người đi qua mọi mất mát và hận thù. Đấy là thông điệp của nhà văn. Và tôi thêm một lần nữa nhận ra rằng: Mọi điều kỳ diệu luôn chứa đựng trong mọi ngóc ngách của đời sống chỉ chờ nhà văn bước tới thắp sáng lên. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã bước đến một vùng không gian còn mờ tối và thắp lên một ngọn đèn của tình nhân ái vô bờ.