Lindegaard có lẽ là một cái tên xa lạ với các cổ động viên ngày nay. Nhưng ở thời điểm trước, anh là một thủ môn vô cùng chất lượng và đã cùng David de Gea nhận được kỳ vọng về khả năng thay thế huyền thoại Edwin van der Sar.
Tưởng chừng thủ thành người Đan Mạch sẽ tỏa sáng ở mùa giải kế tiếp, nhưng với sự tiến bộ vượt bậc của David de Gea, anh dần trở nên lạc lõng ở CLB và chỉ có duy nhất một trận thi đấu chính thức ở EPL. Mùa giải 2014/15 còn tệ hơn khi anh không được ra sân bất cứ trận đấu nào, rồi phải dạt sang thi đấu cho West Brom.
Câu chuyện buồn của sự nghiệp Lindegaard cứ tiếp diễn khi bị đem cho Preston North End mượn, một đội bóng chơi ở giải hạng Nhất. Cứ thế, sự nghiệp của Lindegaard tụt dốc không phanh. Năm nay, với việc sắp bước sang tuổi 37 “xế chiều”, chặng đường của anh trên sân cỏ sẽ đi đến hồi kết, sớm thôi.
Phil Jones từng một thời là trung vệ trẻ đáng kỳ vọng dưới thời Alex Ferguson. Thế nhưng kể từ đầu mùa năm nay, anh chưa được ra sân bất kỳ một trận đấu nào ở EPL. Cùng với đó là vào tháng 2, Jones sẽ bước sang tuổi 29. Khả năng anh bị liệt vào danh sách thanh lý của Man Utd cuối mùa là rất cao.
Cầu thủ người Anh không thể phát triển như mong đợi có thể là do chính Sir Alex Ferguson. Một cầu thủ trẻ cần phải được rèn giũa ổn định, nhưng ngài “Máy sấy tóc” lại bắt Jones thi đấu ở quá nhiều vị trí. Từ trung vệ, hậu vệ cánh phải cho đến cả tiền vệ trung tâm, anh đều đã từng được sắp xếp thi đấu.
Hậu quả dẫn đến là tuyển thủ người Anh gặp quá nhiều chấn thương vì phải xoay tua như một cỗ máy đa năng trên sân cỏ, dẫn đến sự mệt mỏi không đáng có của một cầu thủ trẻ. Nếu để ý, phong độ của Jones sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những cơn đau dai dẳng đến từ chấn thương vai, vùng lưng, đầu gối hay thậm chí là mắt cá chân, bộ phận dễ bị tổn thương nhất của các cầu thủ bóng đá.
Vào tháng 6 tới, có lẽ anh sẽ gia nhập những CLB tầm trung ở Anh như West Brom hay Newcastle United để phần nào cứu vãn sự nghiệp lận đận của mình.
Jonny Evans - “Hòn đá tảng” người Bắc Ireland có lẽ là người phát triển thành công duy nhất trong đội hình của Sir Alex. Sau khi chia tay Man Utd vào năm 2015, Evans gia nhập West Brom khi không được HLV Louis Van Gaal trọng dụng.
Từng có thời điểm, báo giới đồn thổi trung vệ 33 tuổi sẽ trở lại mái nhà xưa dưới trướng của Mourinho. Nhưng rồi, anh vẫn ở lại The Hawthorns cho đến hết mùa 2017/18, trước khi gia nhập Leicester City của cố tỷ phú người Thái Vichai Srivaddhanaprabha.
Kể từ sau bản hợp đồng với Jonny Evans, đoàn quân của Brendan Rodgers đã trở thành một trong những đội bóng khó nhằn nhất ở Premier League. Trong hai mùa 2019/20 và 2020/21, họ đều tham dự cuộc cạnh tranh tấm vé tham dự UEFA Champions League.
Với khả năng đọc trận đấu và sự bình tĩnh, Jonny đã giúp hàng phòng ngự của “Bầy cáo” vững chắc kể cả khi không có Caglar Soyuncu và phải thi đấu bên cạnh một Wesley Fofana còn non nớt kinh nghiệm.
Valencia là một cầu thủ mà các cổ động viên Quỷ đỏ luôn yêu quý. Ngoài quãng thời gian ám ảnh khi mặc áo số bảy huyền thoại ở Old Trafford, anh luôn thi đấu vô cùng tốc độ và gây khó chịu với các hậu vệ cánh của đối phương.
Chuyên môn không phải là thứ mà người hâm mộ chú ý đến cầu thủ người Ecuador, mà “DNA Man Utd” luôn chảy trong máu mới là thứ tiên quyết. Không phải siêu sao nào đến MU cũng có được sự kiên định này, như Angel Di Maria hay Alexis Sanchez đã phải nhận lấy thất bại vì phải chịu áp lực tiêu cực từ những người ngồi trên khán đài.
Trong 10 năm cống hiến, Valencia đã để lại cho Man Utd 25 bàn thắng cùng với 62 pha kiến tạo và đem về phòng truyền thống 10 danh hiệu lớn nhỏ khác nhau. Hiện tại, cầu thủ 35 tuổi đang thi đấu cho CLB Queretaro ở Mexico theo dạng “dưỡng già”.
Buttner cũng giống như thủ thành Lindegaard, một người khá xạ lạ với người hâm mộ. Sự nghiệp của Alexander Buttner có phần trầm lắng hơn so với nhiều đồng nghiệp, không thăng hoa nhưng cũng không quá lận đận.
Sau khi chia tay Man Utd năm 2014, cựu tuyển thủ U20 Hà Lan gia nhập CLB Dynamo Moscow và thi đấu ở Nga trong vòng ba năm, xen kẽ là quãng thời gian cho mượn ở Anderlecht vào năm 2016. Quãng thời gian từ 2017 đến nay, anh thi đấu cho ba đội bóng: Vitesse, New England Revolution và hiện tại là Apollon Limassol tại giải VĐQG Cộng hòa Síp.
Thời gian thi đấu ở Man Utd trong hai năm có thể coi là một dấu son đáng nhớ trong một sự nghiệp không quá nổi bật của Alexander Buttner, cho dù anh chỉ thi đấu vỏn vẹn 13 trận.
Anderson từng là một trong những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất thế giới khi mới chỉ 19 tuổi. Man Utd đã chiêu mộ anh với giá trị 31,5 triệu euro, một con số không tưởng cho một cầu thủ trẻ thời đó.
Tưởng chừng như anh sẽ có những bước tiến vượt bậc trong sự nghiệp. Bằng chứng là ngay mùa giải đầu tiên, cầu thủ “chân ướt chân ráo” ra sân tới 38 trận trên mọi đấu trường và còn cùng CLB dành chức vô địch Champions League 2007/08 trong đêm Moscow định mệnh.
Thế nhưng, những chấn thương dai dẳng và những bữa tiệc thâu đêm quen thuộc của những ngôi sao xứ Samba đã khiến cho thể lực Anderson dần không đảm bảo. Đó chính là lý do mà dù được Alex Ferguson yêu quý và luôn tạo điều kiện để anh có thể ra sân, cầu thủ từng giải nghệ ở tuổi 32 vẫn không thể tỏa sáng trong sự nghiệp.
Khỏi phải bàn, Michael Carrick đã là một huyền thoại ở Man Utd. Gia nhập năm 2006, anh đã cùng Paul Scholes tạo ra cặp tiền vệ trung tâm đáng xem nhất của thế giới thời điểm đó. Cả hai đều có khả năng tịnh tiến bóng tốt, đặc biệt là những đường chuyền xuyên tuyến đã trở thành thương hiệu của hai danh thủ.
Michael Carrick cùng đội hình trứ danh gồm những Carlos Tevez, Cristiano Ronaldo hay Wayne Rooney… chinh phụ không biết bao anh hiệu lớn nhỏ, từ FA Cup, Premier League cho đến cả chiếc cúp “tai voi” Champions League. Kể cả sau khi Alex Ferguson giải nghệ, anh vẫn là thành phần không thể thiếu của Man Utd.
Quãng thời gian sa sút của Man Utd dưới trướng những chiến lược gia như David Moyes, Louis Van Gaal hay là cả Jose Mourinho có thể sẽ còn tệ hơn nếu thiếu Michael Carrick, khi trong đội chỉ có mình anh là có tư chất thủ lĩnh và có khả năng điều tiết cảm xúc những người đồng đội tốt nhất. Không ít HLV đau đầu trong việc ổn định các cầu thủ khi mới đến Man Utd làm việc, và đương nhiên, với kinh nghiệm dày dặn, Carrick đã giúp đỡ họ phần nào.
Năm 2018, sau khi tuyên bố rời xa sự nghiệp cầu thủ, anh được bổ nhiệm làm trợ lý cho cựu HLV Jose Mourinho và hiện đang là cánh tay đắc lực là “sát thủ có gương mặt trẻ thơ” Solskjaer.
Chicharito hay “Hạt đậu nhỏ” là biệt danh quen thuộc dành cho chân sút người Mexico. Quãng thời gian thi đấu ở Man Utd là một vinh dự cực kì lớn lao đối với anh. Gia nhập Old Trafford từ CLB quê nhà Guadalajara, Chicharito không nhận được quá nhiều sự kỳ vọng từ các cổ động viên.
Thể hình nhỏ con và mỏng cơm, cùng với đó là chiều cao khiêm tốn 1,75m, “Hạt đậu nhỏ” có thể trạng khiêm tốn hơn rất nhiều so với những trung phong cắm chất lượng ở Premier League. Ngoài ra, kinh nghiệm thi đấu của Chicharito mới chỉ hạn chế ở Mexico, chứ chưa được chứng minh năng lực ở một giải đấu “lục địa già”.
Tuy nhiên, những gì mà số 14 của Man Utd ngày nào thể hiện đã khiến cho giới mộ điệu sửng sốt. Nối tiếp đàn anh Ole Gunnar Solskjaer, Chicharito trở thành một siêu dự bị tiếp theo ở Man Utd khi ghi tới 20 bàn thắng trên mọi đấu trường ngay mùa đầu tiên đặt chân tới thành phố Manchester. Dưới thời Sir Alex Ferguson, anh đều ghi ít nhất 10 bàn thắng ở Premier League mỗi mùa.
Trong năm 2019, Chicharito ra mắt CLB mới là Sevilla với mức giá 12 triệu euro nhưng không thực sự thành công. Hiện tại, Chicharito đang thi đấu cho “gã nhà giàu” ở MLS LA Galaxy theo dạng dưỡng già.
Khi chúng ta biết đến Son Heung Min như một biểu tượng của châu Á hiện tại, thì Kagawa cũng từng được coi như một niềm tự hào của châu lục đông dân nhất thế giới những năm 2010 - 2014, đặc biệt là thời khắc gia nhập Man Utd, đội bóng có nhiều người hâm mộ nhất thế giới với mức giá khoảng 15 triệu euro.
Trước đó, cầu thủ người Nhật Bản có quãng thời gian thi đấu thăng hoa khi cùng Borussia Dortmund giành hai chức vô địch Bundesliga kèm với một chiếc Cúp Quốc Gia Đức mùa giải 2011/12.
Thế nhưng, phong độ của Kagawa khi khoác lên mình chiếc áo đỏ trắng là không thực sự ấn tượng. Sáu bàn sau 20 trận ở mùa 2012/13 là một thành tích không quá tồi đối với một cầu thủ mới đặt chân đến giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới. Tuy vậy, mùa giải kế tiếp thực sự là thời điểm vô cùng tồi tệ của Man Utd cũng như Kagawa.
Đội bóng chỉ xếp thứ bảy trên bảng xếp hạng, còn với Shinji Kagawa, anh thi đấu nhạt nhòa khi không ghi bàn thắng nào trong 18 trận chơi ở EPL và chỉ có bốn kiến tạo, một con số không đủ thuyết phục Ban lãnh đạo Man Utd để khiến anh bị chuyển nhượng lại cho Borussia Dortmund vào năm 2014.
Kagawa đã không thể lấy lại phong độ đỉnh cao, một thời từng giúp anh góp mặt trong đội hình tiêu biểu của hai mùa giải Bundesliga liên tiếp. Mới đây, cầu thủ sinh ra ở Thành phố Kobe đã gia nhập Paok, một trong những đội bóng mạnh nhất ở Hy Lạp.
Đây có lẽ là đội hình gây nhiều tiếc nuối nhất với người hâm mộ Quỷ đỏ. Khi có quá nhiều những ngôi sao được kỳ vọng nhưng rồi không thể chứng tỏ được bản thân như thủ thành Anders Lindegaard hay Anderson, và bây giờ là Tom Cleverley.
Anh trưởng thành từ lò đào tạo Carrington, nơi đã tạo ra những lứa cầu thủ vô cùng xuất sắc, điển hình là “thế hệ 92” huyền thoại gồm những David Beckham, Ryan Giggs hay Paul Scholes và Cleverley được kỳ vọng sẽ tiếp nối những đàn anh làm rạng danh lò đào tạo trứ danh.
Cleverley có những phẩm chất được ví như Paul Scholes, nhưng rồi anh cũng như bao tài năng trẻ khác, được tung hô quá nhiều để rồi nhanh chóng lụi tàn. Việc nhận được quá nhiều áp lực khiến cho tâm lý của anh bị ảnh hưởng và chất lượng của những màn trình diễn trở nên kém hiệu quả hơn.
Để rồi anh phải lang bạt sang những đội bóng kém tên tuổi hơn như Aston Villa, Everton và hiện tại là Watford đội bóng đang thi đấu ở giải hạng Nhất Anh.
Sát thủ một thời của Man Utd, Robin van Persie là một nhân tố vô cùng quan trọng giúp cho CLB đem về chức vô địch EPL cuối cùng dưới triều đại của Alex Ferguson. Năm đó, anh ghi tới 26 bàn thắng và ẵm luôn danh hiệu Chiếc giày vàng cao quý.
Trước khi gia nhập Man Utd, anh đã có một sự nghiệp thành danh trong màu áo của kình địch Arsenal. Trong tám năm gắn bó với nửa đỏ vùng Bắc London, anh trở thành biểu tượng mới tại sân Emirates. Mỗi lúc đội gặp khó khăn, cái tên Van Persie lại được réo lên như một niềm hy vọng duy nhất để Arsenal lật ngược thế cờ.
Và việc tiền đạo trưởng thành trong màu áo Feyenoord gia nhập đối thủ đáng ghét nhất của “The Gunners” - Manchester United là điều không thể chấp nhận được thời điểm đó. Cổ động viên Arsenal đốt áo anh, chửi rủa anh cả trên mạng xã hội lẫn khi ra sân thi đấu gặp lại đội bóng cũ.
Đổi lại, cựu danh thủ người Hà Lan đã có cho mình chiếc cúp Premier League mà có nằm mơ anh cũng khó đạt được khi thi đấu cho Arsenal. Nhưng quyết định giải nghệ của ngài “Máy sấy tóc” đã khiến cho Van Persie có thời gian thăng hoa quá ngắn ngủi. Liên tiếp hai mùa giải sau đó, cho dù là có sự góp mặt của người đồng hương Louis Van Gaal thì anh chưa bao giờ có được số bàn thắng như mùa 2012/13.
Tuy nhiên, sự nghiệp ở CLB đen đủi bao nhiêu thì phong độ trên tuyển quốc gia lại thăng hoa bấy nhiêu. Á quân World Cup 2010, hạng Ba World Cup 2014 là những minh chứng vô cùng rõ ràng. Đặc biệt là kỳ World Cup 2014, Van Persie đã có một cú đánh đầu xứng đáng ghi danh vào top những bàn thắng đẹp nhất lịch sử World Cup.
Van Persie đã để lại trong người hâm mộ không biết bao nhiêu khoảnh khắc đẹp, nhưng thứ mà anh thiếu đó chính là những danh hiệu lớn, khi anh chỉ có duy nhất một chức vô địch Premier League và hai chiếc cúp FA làm bạn, quá ít ỏi so với một thiên tài như “Người Hà Lan bay”.
Quãng thời gian sau đó, anh thi đấu cho những CLB nằm ngoài năm giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu như Fenerbahce hay là đội bóng thuở niên thiếu là Feyenoord, để tìm lại sự yên bình, sau khi đã dành cả một thanh xuân mòn mỏi tham gia vào những cuộc đua tranh danh hiệu tập thể và những giải thưởng cá nhân hào nhoáng.