1. Thầy Lê Thanh Hải (hiệu là Ứng Hòa dã phu) lại chuẩn bị bài dạy Hán-Nôm cho lớp học trực tuyến mang tên Ấu học ngũ ngôn thi (Thơ ngũ ngôn dành cho trẻ nhỏ). Buổi lên lớp hôm nay chỉ gồm một bài thơ 20 chữ, bắt đầu bằng câu: "Thiếu tiểu tu cần học" (Thuở nhỏ nên chăm học). Đây là bài thơ khuyên người nhỏ tuổi nên chăm học, văn chương có thể lập thân, những vị quan cao tước trọng đều do đọc sách mà nên. Thơ ngắn, nhưng giảng lại dài. Bởi mỗi chữ đều mang nhiều lớp nghĩa, hay gắn với những câu chuyện xưa, đồng thời, cũng phải lý giải những quan niệm không còn phù hợp với ngày nay. Dịch Covid-19 khiến nhiều lớp học phải tạm dừng, nhưng do tổ chức trực tuyến nên lớp Ấu học ngũ ngôn thi vẫn hoạt động bình thường. Thầy Lê Thanh Hải chia sẻ: "Trẻ nhỏ thời xưa phải học cuốn Ấu học ngũ ngôn thi. Nguồn gốc cuốn sách này từ Trung Quốc. Khi sang đến Việt Nam, các tác giả Việt Nam đã bổ sung thêm khoảng 40 bài thơ. Cuốn sách này cho thấy quá trình tiếp biến văn hóa của người Việt khi du nhập văn hóa nước ngoài. Tôi chọn Ấu học ngũ ngôn thi để dạy chính bởi điều này. Với 95 bài thơ, mỗi bài 20 chữ, chỉ học xong cuốn này thì cũng có vốn liếng kha khá về tiếng Hán. Không chỉ thế, mỗi bài thơ, lại có "nhiều chuyện" khác về văn hóa, lịch sử, về đạo làm người. Điều này giúp học viên không chỉ có vốn liếng về chữ viết". Thầy Lê Thanh Hải còn lập fanpage mang tên Ấu học ngũ ngôn thi để tương tác với cộng đồng. Hiện có hơn 60 thành viên tham gia lớp học, chia làm bốn nhóm, với các trình độ khác nhau. Tất cả đều miễn phí.
Lớp học trực tuyến mới ra đời ba năm nay. Còn con đường "tải chữ" của thầy Hải đã qua hơn 20 năm. Ngày ấy, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có lớp dạy Hán Nôm ở chùa Tảo Sách (quận Tây Hồ, Hà Nội). Thầy Thượng đi nước ngoài, cần người đứng lớp. Thầy Hải xin làm giảng sư tại chùa. Rồi dạy miết khắp các địa chỉ từ bấy đến giờ. Ngoài dạy trực tuyến, thầy Lê Thanh Hải còn dạy trực tiếp tại hai lớp Hán-Nôm khác trên địa bàn Hà Nội. Không thể nói là không mất thời gian. Nhưng thầy Hải luôn bảo mình thấy "nhàn". Cái "nhàn" xuất phát từ niềm vui mỗi khi được chia sẻ những chuyện hay trong tích cũ, mỗi khi học trò ngộ ra trong chữ có "đạo". Fanpage Ấu học ngũ ngôn thi luôn rộng cửa đón những ai yêu thích Hán-Nôm. Đó cũng là cách để thầy Hải tìm... học trò. Bởi bên cạnh yếu tố "đại chúng", thầy mong muốn chắt lọc những "tinh hoa", để có thêm những học trò cùng thầy đi một hành trình dài, tiếp tục truyền tải những giá trị của Hán-Nôm đến cộng đồng.
2. Từ cột kinh đá chùa Nhất Trụ (thời Tiền Lê, tại huyện Hoa Lư, Ninh Bình), cho đến những văn bản, giấy tờ của triều đại phong kiến cuối cùng-triều Nguyễn; từ những văn bản của triều đình, hay trong những cuốn sách của các ông đồ làng, suốt nghìn năm, chữ Hán, sau này là chữ Nôm, đóng vai trò chữ viết chính thức của quốc gia, trước khi được thay thế bởi chữ quốc ngữ. Dù xã hội có đổi thay, Hán Nôm vẫn là phương tiện để tìm về quá khứ.
Đã có một thời gian dài, những người tâm huyết với Hán Nôm vất vả tìm trò. Thầy Lê Trung Kiên sáng lập Nhân Mỹ học đường (trung tâm dạy Hán Nôm ở chùa Nhân Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ năm 2005. Ngày ấy, chẳng mấy ai quan tâm đến Hán Nôm. Thầy Kiên thì trẻ tuổi, ai cũng nghĩ mở lớp là "ngược đời". Có những hôm lớp học chỉ một thầy-một trò, thầy vẫn đứng lớp. Thầy bảo, dù thế nào cũng phải giữ cho lớp học "ngay ngắn" để làm gương. Ngược lại, cũng có thời gian, người muốn học Hán Nôm phải chật vật tìm thầy. Đó là câu chuyện hơn 20 năm trước của ông Nguyễn Tiến Hùng. Nhà ở phường Kim Liên (quận Đống Đa), nhưng ông Hùng phải đi hơn 20 cây số sang làng Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) để học chữ. Ông Hùng vốn công tác bên ngành cơ yếu, trước khi chuyển sang làm Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Không ít người bảo ông dở hơi. Khi chớm tuổi tứ thập, người ta lo công danh sự nghiệp, ông lại mày mò mực tàu, giấy dó. Nhưng cái chữ, giúp ông ngộ ra đường đến kho báu văn hóa dân tộc. Còn nhiều thứ ẩn giấu quá, trong những con chữ, những tục lệ, những chuyện xưa... Sau hơn 5 năm theo học, ông được các cụ đồ làng Ninh Hiệp giao nhiệm vụ làm thầy. Bây giờ, già trẻ đều gọi ông công chức ngành giao thông ấy một cách kính trọng: Thầy Hùng. "Lúc ấy, tôi ngại lắm. Mình mới thọ giáo các thầy mấy năm. Nhưng thầy tôi ở làng Ninh Hiệp, cụ Hoàng Đình Đá bảo: "Làm thầy cũng là đi học đấy anh ạ". Tôi ngộ ra. Đi dạy, mình có trách nhiệm với bản thân trong nâng cao kiến thức như đi học. Không đào sâu kiến thức, lấy gì nói với học viên?", thầy Nguyễn Tiến Hùng nhớ lại.
Hơn mười năm nay, cứ cuối giờ chiều, khi kết thúc giờ làm việc cơ quan, thầy Hùng lại sửa soạn giấy bút cho buổi lên lớp. Một mình thầy đứng sáu lớp. Lịch kín cả tuần. Ngoài lớp học ở Ninh Hiệp, còn có lớp học ở chùa Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh) và các lớp ở xã Xuân Canh, xã Cổ Loa, xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh) và một lớp học trên địa bàn quận Long Biên. Ngày nghỉ, lịch dạy còn "căng" hơn. "Có những cụ 80, 90 tuổi vẫn vác sách đến lớp. Cụ Chỉ ở phố Hàng Bông theo học tôi khi gần 80 tuổi. Lúc đầu cụ đi xe máy sang Ninh Hiệp, rồi bắt xe buýt. Những năm sau, cụ được cháu đưa ô-tô đi học. Cụ mất năm 95 tuổi, nhưng phải đến năm 93 tuổi mới dừng đến lớp. Có những học viên như thế, tôi thấy việc đứng lớp của mình chưa bao giờ là đủ. Nghe lời thầy, là đừng để ai khó khăn về tiền nong mà lỡ mất việc học, tôi dạy sáu lớp, nhưng cũng không thu một đồng học phí nào cả", thầy Hùng chia sẻ.
Sau hơn chín tháng nghỉ dịch, các lớp Hán-Nôm thầy Hùng bắt đầu rục rịch hoạt động trở lại. Một trong những nội dung thầy Hùng tâm đắc nhất, là thầy sẽ cùng các học viên ở làng Ninh Hiệp tiếp tục giải mã Truyện Kiều. Dự kiến, quá trình này sẽ tiến hành trong 5 năm, từ giờ đến tận năm 2027. Bởi chỉ có 3.254 câu, nhưng Truyện Kiều là một kho điển tích, một kho báu về văn hóa. Hiểu sâu về Truyện Kiều, người ta sẽ có một khối kiến thức mênh mang về cổ học.
3. Thầy Lê Thanh Hải bảo, có những học viên đã theo lớp liên tục 20 năm liền. Giờ họ đã thành thầy, nhưng cứ đến lịch lại mang sách bút lên lớp. Với thầy Hùng, lớp K6 Hán-Nôm ở Ninh Hiệp đã kéo dài liên tục 16 năm. 26 học viên hiện tại hầu hết đồng hành với thầy suốt quãng thời gian ấy. Có người đã thành ông đồ, bà đồ, mở lớp Hán Nôm ở nhiều nơi, mà vẫn đi học đều! Đấy cũng là câu chuyện ở Nhân Mỹ học đường. Thầy Lê Trung Kiên mở lớp từ độ tráng niên. Giờ đã sang tứ tuần. 17 năm ròng rã. Nhưng nhờ thế, Nhân Mỹ học đường quy tụ được nhiều anh tài Hán Nôm và giờ nhân rộng thành mấy cơ sở và không thiếu những học viên theo thầy cả chục năm trời. Những buổi học của Nhân Mỹ học đường có cả cụ già, thanh niên và đôi khi cả trẻ nhỏ! Đã qua rồi cái thời thầy tìm trò, trò tìm thầy. Việc học Hán-Nôm bây giờ cũng khác xưa, khi có nhiều lớp, nhiều diễn đàn trực tuyến để học tập, giao lưu, tìm hiểu.
Lớp học Hán-Nôm ở xã Xuân Canh (Đông Anh) có một học viên đặc biệt. Năm nay cũng gần 70 tuổi, mà ông Hoàng Văn Trượng cùng lúc học tới... hai lớp Hán-Nôm. Một lớp theo học thầy Nguyễn Tiến Hùng. Một lớp học khác ở ngay xã Mai Lâm bên cạnh. Dù bận chăm mẹ già 95 tuổi yếu đau, ngày ngày, ông vẫn đọc sách, viết chữ. Ông Trượng bảo: "Chữ Hán, chữ Nôm khi học phải phân tích cấu trúc từng chữ. Mỗi chữ thường gồm các bộ khác nhau tạo thành. Khi phân tích, sẽ hiểu ra ý nghĩa sâu xa của từng chữ. Học chữ dạy cho con người ta nhiều điều. Trong đó, người già luôn phải làm gương cho con cháu. Tôi nhớ lời thầy tôi bảo: Các bác tuổi cao học nếu nhớ được thì tốt, mà chưa nhớ nhiều cũng không sao. Nhưng khi ngồi học, ngồi viết thì con cháu sẽ thấy. Thế nào cũng có lúc chúng nghĩ vì sao ông bà già thế rồi vẫn ngày ngày học hỏi. Mình học để hiểu về văn hóa nước mình. Để đi các di tích mình biết rằng ngày xưa các cụ gửi gắm điều gì qua những hoành phi, câu đối. Học để cho con cháu hiểu rằng, học hành là việc của cả đời người". Khi có những người thầy đức, trò tâm như thế, mạch chảy Hán-Nôm sẽ là một mạch chảy vững bền.