Nhắc tới cây mận hậu ở Sơn La, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới sản phẩm mận hậu được trồng ở cao nguyên Mộc Châu, nơi được đánh giá là một trong những vùng đất có khí hậu phù hợp với cây mận hậu. Bởi từ lâu, cây mận hậu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, giúp người dân làm giàu, xóa nghèo.
Thời tiết thất thường
Cây mận hậu được trồng ở huyện Mộc Châu từ hơn 30 năm trước. Cũng bởi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên hằng năm, người dân tại các xã không chỉ của huyện Mộc Châu mà nhiều huyện, thành phố trong tỉnh Sơn La cũng đã mở rộng diện tích trồng mận.
Mận hậu được trồng tập trung chủ yếu tại 8 xã và thị trấn của huyện Mộc Châu, trong đó nhiều nhất là xã Mường Sang, Phiêng Luông, Tân Lập, Chiềng Sơn, thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mộc Châu, thông tin: 5 năm trở lại đây, do thời tiết thay đổi và xuất hiện nhiều mưa đá với những trận mưa có kích cỡ to bằng quả mận hậu. Thậm chí, nhiều trận mưa đá có lượng đá rất dày và thời gian mưa đá kéo dài.
Thời điểm mưa đá thường xảy ra vào lúc mận đang ra quả bằng viên bi ve hoặc trước thời điểm mận chuẩn bị thu hoạch 1 tháng. Qua thực tế sau những trận mưa đá, các vườn mận của người dân bị thiệt hại rất nặng. Do vậy, huyện đã và đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân đầu tư hệ thống lưới phủ để chống mưa đá, sương muối cho cây trồng, nhất là đối với diện tích trồng mận.
Tại huyện Mộc Châu, có nhiều vườn mận đang vào thời điểm ra quả hoặc chuẩn bị thu hoạch khi gặp phải mưa đá thì coi như thất thu. Bởi có những hộ trồng mận mỗi năm thu từ 500-600 triệu đồng/ha nhưng do mưa đá, toàn bộ diện tích trồng mận bị thiệt hại tới 90% khi số quả bị rụng bởi mưa đá còn sót lại trên cây khoảng 10-20%. Tuy nhiên, những quả còn lại trên cây, quả thì bị xước xát, quả bị thối, quả thì bị sẹo. Thậm chí, sau trận mưa đá trước đó cây chưa kịp hồi sinh thì lại gánh chịu tiếp các trận mưa đá tiếp theo.
Ông Nguyến Tiến Dũng, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu, hộ đầu tiên đã tiên phong mắc lưới cho cây mận, cho biết: “Ở Mộc Châu đã có hàng trăm hộ phất lên thành triệu phú, tỷ phú nhờ trồng mận. Nhưng mấy năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu, mật độ xuất hiện mưa đá dày hơn khiến người nông dân trở tay không kịp”.
Nhớ lại trận mưa đá gây thiệt hại nặng nhất cho gia đình vào năm 2018, ông Nguyễn Tiến Dũng, chia sẻ thêm: “Thời điểm đó, 4 ha mận hậu của gia đình tôi được mùa, quả sai trĩu cành. Lúc đó, đinh ninh sau thu hoạch sẽ có tiền tỷ, nào ngờ sau một trận mưa đá, quả rụng đầy gốc. Năm đấy, mận nhà thất thu, phải bù lỗ chi phí vật tư... Sau lần đó đã xuống Hà Nội tìm tòi, tham khảo các mô hình và đã nghĩ ra cách mắc lưới cho mận và đến nay đã có nhiều hộ làm theo”.
Tại huyện Mộc Châu, các diện tích trồng mận sau mỗi trận mưa đá với kích cỡ viên đá to như ngón chân cái và bình quân như viên bi ve với lượng đá khá dày nên nơi nào bị mưa đá là mận rụng gần hết, cây cành thì xác xơ. Do vậy, những diện tích mận đã rụng coi như là năm đó thất thu. Vì mận rụng do mưa đá đều bị dập, vỡ cũng không thể bán được hay tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi.
Sự sáng tạo của người nông dân
Trao đổi thêm với ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mộc Châu, được biết: Cũng do chi phí đầu tư hệ thống lưới chống mưa đá cho mỗi ha mận khá cao, khoảng 40 triệu đồng/ha nên toàn huyện có 4.000 ha trồng mận thì mới có vài trăm ha đã được người trồng mận đầu tư hệ thống lưới chống mưa đá cho cây mận.
Qua thực tế cho thấy, mưa đá chủ yếu xuất hiện từ khu vực thị trấn Mộc Châu cho đến thị trấn Nông Trường Mộc Châu, các xã Mường Sang, Đông Sang và Tân Lập. Do vậy, đa phần diện tích lưới được mắc để chống mưa đá cho cây mận nằm ở địa bàn các thị trấn và xã nói trên.
Ông Lường Văn Quỳnh, bản Nà Bó 1, xã Mường Sang, cho biết: “Cũng bởi thiệt hại về kinh tế do mưa đá gây ra cho diện tích mận quá lớn nên các hộ trồng mận chúng tôi đã tự chủ động lên mạng hay tham quan các mô hình dưới xuôi nên mới tự nghĩ ra được cách phòng mưa đá cho cây mận bằng cách phủ lưới lên phía trên cây mận”.
“Như gia đình tôi có 8 ha mận nhưng mới chỉ đầu tư hệ thống lưới phòng, chống mưa đá từ năm 2019 và đến nay đã phủ lưới được cho 5 ha. Còn lại 3 ha chưa đầu tư được hệ thống lưới bởi còn phụ thuộc vào kinh phí và phải đầu tư dần. Như 5 ha có hệ thống lưới đã đầu tư hơn 300 triệu đồng”, ông Lường Văn Quỳnh chia sẻ.
Đưa phóng viên ra thăm đồi mận đã được mắc lưới từ năm 2019, ông Lường Văn Quỳnh, thông tin thêm: “Bản Nà Bó 1 có 312 ha mận hậu nhưng mới chỉ có khoảng 50% diện tích được mắc lưới chống mưa đá. Như gia đình tôi là 1 trong 3 hộ đầu tiên của bản đầu tư hệ thống lưới chống mưa đá cho mận. 8 ha mận của gia đình như năm ngoái cho thu hoạch 30 tấn quả/ha. Có cây mận còn cho thu 180 kg quả”.
Được biết, hệ thống lưới dùng để phòng chống mưa đá có thể sử dụng được từ 6 năm trở lên. Mỗi một gốc mận sẽ có một chiếc cọc sắt to bằng cổ tay dài từ 5-6m để chống giữ hệ thống lưới được phủ phía trên các cây mận. Cũng do chưa có điều kiện nên đa phần những nhà nào chưa đầu tư phủ lưới hết cho diện tích trồng mận của gia đình thì ưu tiên trước cho những diện tích mận đã cho thu hoạch quả đều đặn với thu nhập ổn định.
Chia sẻ thêm về hiệu quả của việc mắc lưới chống mưa đá, ông Lường Văn Cường, bản Nà Bó1, nói: “Sau khi mắc lưới chống mưa đá cho cây mận thấy rất hiệu quả. Bởi đã giảm được 80% thiệt hại thay vì như trước đây thiệt hại từ 70-100% mỗi ha mận sau mỗi trận mưa đá. Như năm ngoái, nhờ đầu tư hệ thống lưới chống mưa đá nên mận có mẫu mã đẹp, quả to và gia đình đã thu lãi 7.000 đồng/kg mận. Như hôm 27/3 vừa rồi có xảy ra mưa đá, nhưng nhờ có lưới nên mận đang cho thu hoạch không bị ảnh hưởng nhiều”.
Thực tế mấy năm qua cho thấy, việc người dân trồng mận ở huyện Mộc Châu chủ động, sáng tạo ra cách chống mưa đá bằng cách mắc lưới cho cây mận đã và đang mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, cũng do chi phí đầu tư cho mỗi ha cao nên việc phủ lưới chống mưa đá cho cây mận vẫn chưa thực hiện được hết các diện tích mận trên địa bàn. Trước mắt, để phòng chống mưa đá, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế thì việc phủ lưới chống mưa đá vẫn đang là cách làm hiệu quả nhất.