Luật Dân sự - Bộ luật điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội

Sự cần thiết ban hành Bộ luật Dân sự 2005

Ngày 28-1-1995 Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 8 thông qua Bộ luật dân sự (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/1996). Đây là một văn bản pháp luật quan trọng điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội là các giao lưu dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác. Qua gần 10 năm thi hành, Bộ luật Dân sự (BLDS) đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo lập hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích Nhà nước và lợi ích công cộng.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, BLDS cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như sau: BLDS là luật chung trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa các chủ thể có địa vị pháp lý bình đẳng theo nguyên tắc tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm, nhưng thực tiễn xây dựng và áp dụng pháp luật của nước ta cho thấy nhiều văn bản pháp luật đều khoanh vùng áp dụng của các văn bản đó nên hiệu lực áp dụng của BLDS đã bị hạn chế rất nhiều; một số quy định trong BLDS không còn phù hợp với thực tế, có những quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ, quy định quá chung; trong BLDS còn có những quy định thuộc quan hệ hành chính v.v.; nhiều luật mới có nội dung liên quan đến BLDS được ban hành nhưng BLDS chưa được điều chỉnh cho phù hợp dẫn đến sự mâu thuẫn, bất cập trong hệ thống pháp luật; trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, BLDS còn có những quy định chưa tương thích với các Điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế.

Vì vậy việc xây dựng Bộ luật Dân sự mới là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay và trong tương lai.

Các quan điểm chỉ đạo xây dựng BLDS năm 2005

Việc xây dựng BLDS mới đã quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau đây:

1. Quán triệt và kịp thời thể chế hoá các Nghị quyết của Đảng; đồng thời cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992 (đã được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 tháng 12/2001 sửa đổi, bổ sung một số điều).

2. Xây dựng BLDS theo hướng BLDS là luật chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm giữa các chủ thể.

3. Hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào các quan hệ dân sự; tôn trọng và phát huy sự tự thoả thuận, tự quyết định của các chủ thể.

4. Kế thừa và phát triển các quy định đã đi vào cuộc sống, đồng thời tiếp tục pháp điển hoá pháp luật dân sự để không phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành BLDS.

5. Nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, các Điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước ta.

Phạm vi điều chỉnh, bố cục và nội dung chủ yếu của Bộ luật Dân sự 2005

A. Về phạm vi điều chỉnh của BLDS năm 2005

Bộ luật Dân sự năm 2005 (được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006) quy định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).

B. Bố cục của BLDS năm 2005

Bộ luật Dân sự 2005 gồm 7 phần, 36 chương, 777 điều.

C. Nội dung chủ yếu của BLDS năm 2005

Phần thứ nhất: Những quy định chung

Phần thứ nhất "Những quy định chung" của BLDS năm 2005 gồm 9 chương, 162 điều, quy định về nhiệm vụ và hiệu lực của BLDS, những nguyên tắc cơ bản, địa vị pháp lý của các chủ thể là cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và tổ hợp tác, các vấn đề về giao dịch dân sự, đại diện, thời hạn và thời hiệu.

So với quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, Phần thứ nhất "Những quy định chung" trong Bộ luật Dân sự 2005 có một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây:

1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Các quy định tại Điều 1 của BLDS năm 2005 đã thể hiện được BLDS là luật chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm giữa các chủ thể. Quan hệ dân sự, theo quy định của BLDS năm 2005, được hiểu rộng, bao gồm cả các quan hệ hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Như vậy, BLDS quy định những vấn đề chung nhất, còn các luật chuyên ngành khác về hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động chỉ quy định những vấn đề đặc thù trong lĩnh vực đó. Trong trường hợp các luật trong các lĩnh vực đó không có các điều luật cụ thể để áp dụng thì áp dụng các quy định của BLDS phù hợp để giải quyết.

Đây là sự bổ sung cần thiết trong việc hoàn thiện pháp luật của nước ta, vì quy định này bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

2. Những nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2005: Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận (Điều 4). Nếu trong BLDS 1995 (Điều 7) quy định là "Quyền tự do cam kết, thoả thuận phù hợp với quy định của pháp luật trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm" thì Điều 4 BLDS 2005 quy định "Quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội". Đây là sửa đổi rất quan trọng, vì quy định này cho phép các chủ thể trong quan hệ dân sự "được làm những gì mà pháp luật không cấm" thay vì " được làm những gì phù hợp với quy định của pháp luật".

Những nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2005 đã được sắp xếp lại cho phù hợp hơn so với BLDS 1995.

3. Về quyền nhân thân

BLDS năm 2005 đã bổ sung thêm một số quyền nhân thân, đó là các quyền hiến bộ phận cơ thể, hiến xác, quyền xác định lại giới tính dưới góc độ là các quyền dân sự của cá nhân. Đây là những vấn đề mới mà trong thực tiễn đặt ra và yêu cầu giải quyết về mặt pháp lý. Tuy nhiên những vấn đề này được quy định trong BLDS chỉ mang tính nguyên tắc, dưới giác độ là các quyền dân sự; còn các quy định cụ thể sẽ do các văn bản riêng điều chỉnh.

Đăng ký hộ tịch là quan hệ giữa cơ quan nhà nước và công dân. Đây là quan hệ hành chính, do đó các quy định về đăng ký hộ tịch đã được đưa ra khỏi BLDS. Các vấn đề cụ thể về đăng ký hộ tịch do các văn bản pháp luật về hộ tịch điều chỉnh. BLDS chỉ quy định một số quyền về hộ tịch dưới góc độ là quyền nhân thân của cá nhân, và đưa vào quy định tại Mục 2 về quyền nhân thân của cá nhân (Điều 29, Điều 30).

4. Nơi cư trú (Điều 52)

Điều 48 BLDS 1995 quy định: "Nơi cư trú của một cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống và có hộ khẩu thường trú". Khái niệm về nơi cư trú trong BLDS 1995 mang nặng ý nghĩa quản lý về mặt hành chính, không phù hợp dưới góc độ dân sự. Bởi vậy, BLDS năm 2005 đã quy định nơi cư trú phù hợp với quan hệ dân sự, lấy tiêu chí quan trọng nhất để xác định nơi cư trú của cá nhân, đó là nơi cá nhân thường xuyên sinh sống.

5. Về giao dịch dân sự

Về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Khoản 2 Điều 122 quy định:

"Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định". Đây là sửa đổi quan trọng so với quy định tại khoản 4 Điều 131 của BLDS 1995 vì: quy định tại khoản 2 Điều 122 BLDS-2005 khẳng định là chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định thì hình thức giao dịch mới là điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Quy định này sẽ hạn chế khả năng giao dịch dân sự bị tuyên là vô hiệu chỉ vì có vi phạm về hình thức giao dịch trong mọi trường hợp.

Hình thức giao dịch dân sự (Điều 124): bổ sung quy định là "giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản" cho phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.

Phần thứ hai: Tài sản và quyền sở hữu

Trong BLDS năm 2005, Phần thứ hai "Tài sản và quyền sở hữu" gồm 7 chương (từ Chương X đến Chương XVI) với 117 điều (từ Điều 163 đến Điều 279). Phần này có những quy định về nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu, các loại tài sản, nội dung quyền sở hữu, các hình thức sở hữu, xác lập và chấm dứt quyền sở hữu, bảo vệ quyền sở hữu, những quy định khác về quyền sở hữu.

So với quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, Phần thứ hai về tài sản và quyền sở hữu trong Bộ luật dân sự 2005 có một số điểm mới cơ bản sau đây:

1. Về khái niệm tài sản (Điều 163)

Điều 163 đã quy định: Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Như vậy "vật có thực" theo quy định của BLDS 1995 đã được sửa thành "vật". Việc bỏ cụm từ "có thực" làm cho khái niệm "vật" được hiểu theo nghĩa rộng hơn: bao gồm cả vật đang có và được hình thành trong tương lai. Trên thực tế có nhiều vật đang được hình thành nhưng đã là đối tượng của giao dịch. Ví dụ: công trình đang được xây dựng, tàu thuyền đang đóng. Đây là điểm sửa quan trọng vì quy định như vậy làm cho đối tượng của các giao dịch sẽ phong phú hơn, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu về giao dịch trong nền kinh tế thị trường.

2. Về hình thức sở hữu (Điều 172 và các Điều tại Chương XIII)

Điều 172 quy định: Trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, các hình thức sở hữu bao gồm sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Như vậy, các hình thức sở hữu theo quy định của BLDS 2005 là sáu hình thức sở hữu. Hình thức sở hữu toàn dân trong BLDS 1995 đã được sửa thành hình thức sở hữu nhà nước. Quy định như vậy nhằm làm rõ chủ thể của quyền sở hữu. Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước; có các quyền năng cũng như có các nghĩa vụ của chủ sở hữu. Bổ sung thêm sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp vì hiện nay đã xuất hiện loại tổ chức này. Hình thức sở hữu hỗn hợp trong BLDS 1995 đã được đưa vào sở hữu chung và được quy định tại Điều 218 về sở hữu chung hỗn hợp.

3. Cơ chế thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu

3.1 Về đăng ký quyền sở hữu tài sản (Điều 167)

Điều 167 quy định: "Quyền sở hữu đối với bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký bất động sản. Quyền sở hữu đối với động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

Điều 167 BLDS năm 2005 đã sửa Điều 174 BLDS 1995 vì Điều này quy định quá khái quát gây khó khăn trong việc áp dụng, chưa quy định rõ những loại tài sản nào được đăng ký.

Cơ chế đăng ký quyền sở hữu tài sản là một cơ chế nhằm công khai hoá quyền sở hữu của chủ thể. Khi quyền sở hữu đã thuộc về một chủ thể thì về nguyên tắc tất cả các chủ thể khác phải tôn trọng quyền sở hữu của chủ thể đó. Để mọi người biết về quyền sở hữu của mình thì phải có cơ chế công khai quyền này. Ở nhiều nước trên thế giới áp dụng hai cơ chế riêng về cách biểu thị công khai đối với động sản và bất động sản. Đối với động sản: chiếm hữu là cách biểu thị công khai quyền sở hữu. Đối với bất động sản: đăng ký là biện pháp công khai hoá các quyền về bất động sản.

Ở nước ta, quy định tại Điều 167 của BLDS 2005 là phù hợp với thông lệ quốc tế: đối với bất động sản thì đăng ký là biện pháp công khai hoá quyền sở hữu; đây là một cơ chế pháp lý nhằm làm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch, bảo đảm sự an toàn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch về bất động sản. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng trong việc thực hiện quyền sở hữu và một số quyền khác đối với bất động sản. Còn đối với động sản thì chiếm hữu là cách biểu thị công khai quyền sở hữu, chỉ trừ những trường hợp mà pháp luật có quy định rõ là đối với loại tài sản đó áp dụng chế độ đặng ký. BLDS quy định khái quát như vậy, còn những vấn đề cụ thể như trình tự, thủ tục đăng ký, cơ quan đăng ký... sẽ do Luật đăng ký bất động sản quy định. Hiện nay Luật đăng ký bất động sản đang được soạn thảo và sẽ được ban hành trong thời gian tới.

3.2 Về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản (Điều 168) Điều 168 của BLDS 2005 là một điều mới. Điều này quy định:

"1. Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

Như vậy, Điều 168 BLDS 2005 là sự kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành về nguyên tắc đăng ký đăng ký là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của sự chuyển quyền sở hữu.

3.3. Về các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản (Điều 173)

Điều này đã giữ lại nội dung theo quy định của BLDS 1995: "Người không phải là chủ sở hữu chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình theo thoả thuận với chủ sở hữu tài sản đó hoặc theo quy định của pháp luật" (khoản I). Ngoài ra, điều này được bổ sung thêm khoản mới để làm rõ các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề; các quyền khác theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

3.4. Về bảo vệ quyền, lợi ích của chủ sở hữu và của người chiếm hữu ngay tình.

Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ, không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật (Điều l69). Đây là nguyên tắc chung, rất cơ bản trong việc bảo vệ quyền của chủ sở hữu. Tuy nhiên, ở đây cũng có một số ngoại lệ. Trong một số trường hợp, tài sản đang thuộc sự chiếm hữu của người chiếm hữu ngay tình thì lợi ích của chủ sở hữu và người chiếm hữu ngay tình được giải quyết như thế nào. BLDS năm 2005 đã giải quyết vấn đề này thông qua các quy định về quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình (Điều 257) và quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình (Điều 258).

Đây là hai điều mới được bổ sung nhằm bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu, đồng thời bảo vệ được lợi ích của người chiếm hữu ngay tình.

Phần thứ ba: Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự

Phần thứ ba BLDS năm 2005 gồm có 5 chương (từ chương XVII - XXI), 33 mục, 351 điều, từ Điều 280 đến Điều 630 quy định về nghĩa vụ dân sự, trách nhiệm dân sự, hợp đồng dân sự; thực hiện công việc không có uỷ quyền, nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Những điểm mới chủ yếu của BLDS năm 2005 so với Bộ luật Dân sự 1995 được thể hiện như sau:

1. Về khái niệm nghĩa vụ dân sự (Điều 280)

BLDS mới quy định cụ thể hơn khái niệm nghĩa vụ dân sự so với BLDS 1995, theo đó nghĩa vụ dân sự không chỉ là việc phải làm một công việc hoặc không được làm một công việc vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác mà còn bao gồm cả việc phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá khác.

2. Về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (từ Điều 318 đến Điều 373)

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thể hiện các quan điểm sau đây:

2.1. Xác định đúng bản chất của các biện pháp bảo đảm, từ đó BLDS năm 2005 không quy định phạt vi phạm là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, mà các bên có thể thỏa thuận về phạt vi phạm là một trong các nội dung của hợp đồng (khoản 7 Điều 402); phân biệt cầm cố và thế chấp tài sản căn cứ vào một tiêu chí cơ bản, đó là trong trường hợp cầm cố, bên cầm cố phải chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố giữ; trong trường hợp thế chấp, bên thế chấp được giữ tài sản thế chấp. Sự thay đổi này nhằm tránh các khó khăn khi phân biệt động sản, bất động sản và đơn giản hoá các quy định về cầm cố, thế chấp. Nhằm giảm sự khác biệt so với pháp luật của các nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

2.2 Nhiều quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hơn nữa quyền tự chủ, quyền tự do cam kết, thoả thuận của các bên, kết hợp với việc đề cao nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của các bên về cam kết, thỏa thuận của mình.

Quan điểm nêu trên được cụ thể hoá rõ nét trong các quy định về giao kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp và bảo lãnh, tạo ra khả năng cho phép các bên linh hoạt hơn khi xử lý các tình huống phát sinh trong thực tế, cụ thể như sau:

Các bên được thỏa thuận về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, có thể bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hiện tại và nghĩa vụ trong tương lai và mở rộng khả năng dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ.

BLDS cho phép các bên được cầm cố, thế chấp một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu giá trị tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng cầm cố, thế chấp lớn hơn tổng giá trị các khoản nợ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Ngoài ra, về nguyên tắc mọi tài sản đều có thể dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Từ đó, tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có vào thời điểm giao kết hoặc sẽ có trong tương lai, tài sản là vật, giấy tờ có giá và các quyền tài sản, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tế.

2.3. Nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của các quan hệ về giao dịch bảo đảm, BLDS quy định các giao địch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 325). Bộ luật pháp điển hóa các quy định đã được thực tế kiểm nghiệm và có hiệu quả tích cực đối với quá trình đẩy mạnh đầu tư vốn trong và ngoài nước. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm mục tiêu công khai hoá giao dịch và cung cấp thông tin cho mọi người có nhu cầu tìm hiểu trước khi quyết định tiến hành các giao dịch có liên quan đến tài sản, đồng thời, qua đó xác lập thứ tự ưu tiên thanh toán khi tài sản bảo đảm được xử lý để thực hiện thanh toán nghĩa vụ.

3. Về hợp đồng dân sự (từ Điều 388 đến Điều 593)

3.1. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng dân sự thể hiện quan điểm xây dựng chế định hợp đồng trong BLDS thành nền tảng cho pháp luật về hợp đồng nói chung, điều chỉnh các quan hệ hợp đồng được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm. Trong trường hợp pháp luật chuyên ngành về hợp đồng cụ thể có quy định riêng, thì ưu tiên áp dụng các quy định riêng đó. Vì vậy phạm vi áp dụng của các quy định về hợp đồng dân sự trong BLDS được mở rộng, áp dụng chung cho các loại hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, thương mại một cách tuyệt đối như hiện nay. Cũng chính vì thế, kể từ ngày BLDS có hiệu lực (ngày 1-1-2006), Pháp lệnh hợp đồng kinh tế hết hiệu lực và trong Luật Thương mại năm 2005 cũng không có quy định chung về hợp đồng.

3.2. Các quy định về giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự được sửa đổi để phù hợp với các quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tăng cường quyền tự do hợp đồng thông qua việc các bên được quyết định về đối tác tham gia ký kết hợp đồng, hình thức, nội dung của hợp đồng và trách nhiệm khi có vi phạm.

BLDS xác định thời điểm giao kết hợp đồng trên cơ sở công nhận hiệu lực của cam kết, thỏa thuận giữa các bên, không phụ thuộc vào yếu tố hình thức, thủ tục của hợp đồng. Xuất phát từ đó, BLDS quy định nguyên tắc chung đó là hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết. Thời điểm giao kết hợp đồng miệng là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản (Điều 404).

Về nguyên tắc, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được tính từ thời điểm giao kết nêu trên (Điều 405). Tuy nhiên cần lưu ý đó là các bên có thể thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, ví dụ: Luật Đất đai quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thế chấp là thời điểm đăng ký.

b) Thực hiện hợp đồng (từ Điều 412 đến Điều 422)

Đây là một trong những giai đoạn quan trọng của hợp đồng, vì mục đích của các bên có đạt được hay không phụ thuộc vào vấn đề hợp đồng được thực hiện tốt hay không. Do đó, khi thực hiện hợp đồng, các bên phải tuân theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 412 BLDS. Ngoài ra, BLDS bổ sung quyền cầm giữ tài sản trong hợp đồng dân sự (Điều 416), thực hiện hợp đồng có thỏa thuận về phạt vi phạm (Điều 422).

c) Về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự

Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu được áp dụng theo Điều 136 BLDS, vì hợp đồng là một loại của giao dịch dân sự. Ngoài ra, BLDS bổ sung thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm (Điều 427).

3.3. Về vấn đề họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) được quy định tại Điều 479. Đây là một vấn đề mới được bổ sung vào trong Bộ luật Dân sự nhằm điều chỉnh các quan hệ thực tế đang diễn ra trong đời sống dân sự mà lâu nay Toà án chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, BLDS chỉ quy định mang tính nguyên tắc trên cơ sở họ là quan hệ tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong nhân dân, Nhà nước nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi. Những vấn đề cụ thể sẽ do các cơ quan hữu quan hướng dẫn thực hiện.

4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (từ Điều 604 đến Điều 630)

Việc sửa đổi, bổ sung phần này so với BLDS năm 1995 nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng, bảo vệ mạnh mẽ hơn người bị thiệt hại và tăng cường trách nhiệm của người gây thiệt hại, từ đó đẩy mạnh việc phòng ngừa thiệt hại xảy ra. Trong phần này có một số sửa đổi, bổ sung chủ yếu sau đây:

4.1. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm (Điều 607). Quy định này là cần thiết nhằm khắc phục tình trạng tranh chấp kéo dài và khó khăn trong việc thu thập, xác minh chứng cứ phục vụ việc xét xử.

4.2. Về trách nhiệm bù đắp tổn thất về tinh thần, BLDS năm 2005 quy định các bên thỏa thuận về mức bù đắp tổn thất về tinh thần trong các trường hợp gây thiệt hại do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; nếu không thỏa thuận được, thì áp dụng mức tối đa là 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với trường hợp xâm phạm về sức khỏe (khoản 2 Điều 609); 60 tháng lương tối thiểu đối với trường hợp xâm phạm về tính mạng (khoản 2 Điều 610), 10 tháng lương tối thiểu đối với trường hợp xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín (khoản 2 Điều 611). Quy định này nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

4.3. BLDS năm 2005 có bổ sung so với BLDS năm 1995 quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể (Điều 628) và mồ mả (Điều 629). Đây là những vấn đề thực tiễn đang có vướng mắc.

Phần thứ tư: Thừa kế (từ Điều 631 đến Điều 687)

Phần thừa kế của BLDS 2005 gồm 4 chương, 57 điều. Trong phần này có những quy định chung về thừa kế; thừa kế theo di chúc; thừa kế theo pháp luật; thanh toán và phân chia di sản.

Những quy định mới về thừa kế so với BLDS năm 1995 được thể hiện như sau:

1. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm (Điều 641)

Về nguyên tắc thì những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm thì không được quyền thừa kế của nhau. BLDS 2005 đã mở ra trường hợp ngoại lệ đối với thừa kế thế vị (Điều 677), nhằm mục đích bảo đảm quyền thừa kế của gia đình dòng họ và chuyển di sản của họ cho người thừa kế gần nhất của mình. Như vậy, trong trường hợp ông và bố chết cùng thời điểm thì cháu vẫn được thừa kế di sản của ông mình. Trường hợp này cũng áp dụng đối với chắt.

2. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế (Điều 645)

BLDS năm 2005 đã quy định rõ hơn về hai loại thời hiệu:

1/ Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế, bác bỏ quyền thừa kế là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

2/ Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

3/ Hạn chế phân chia di sản (Điều 686)

Để phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, BLDS 2005 đã bổ sung quy định so với BLDS năm 1995 "Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc bên chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong thời hạn  nhất định nhưng không quá 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu hết thời hạn do Toà án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án cho chia di sản thừa kế"...

3. Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế (Điều 687)

Đây là điều mới được đưa vào BLDS lần này nhằm giải quyết sự bất cập trong thực tiễn là khi di sản đã được chia mới xuất hiện người thừa kế mới hoặc người thừa kế đã nhận di sản bị bác bỏ quyền thừa kế thì giải quyết thế nào cho hợp lý. Quy định mới này đã giải quyết bằng cách không chia lại bằng hiện vật, mà thanh toán bằng tiền tại thời điểm chia thừa kế cho những trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế. Quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người thừa kế mà còn bảo đảm tính ổn định trong giao dịch dân sự.

Phần thứ năm: Những quy định về chuyển quyền sử dụng

Phần này gồm 8 chương, 48 điều (từ Điều 688 đến Điều 735). Phần này quy định về các hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại, thế chấp, tặng, cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và thừa kế quyền sử dụng đất.

Những vấn đề cơ bản được sửa, bổ sung của BLDS năm 2005 so với BLDS năm 1995 như sau:

1. Mở rộng chủ thể tham gia chuyển quyền sử dụng đất (Điều 688)

BLDS năm 1995 chỉ quy định về chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. BLDS năm 2005 bổ sung thêm chủ thể được chuyển quyền sử dụng đất là pháp nhân, chủ thể khác.

2. Mở rộng quyền của người sử dụng đất

BLDS năm 1995 chỉ quy định người sử dụng đất có 5 quyền: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp giá trị quyền sử dụng đất. BLDS năm 2005 bổ sung thêm quyền cho thuê lại quyền sử dụng, quyền tặng cho quyền sử dụng đất và quyền góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.

3. Tôn trọng sự thoả thuận về giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Điều 690)

Điều 694 của BLDS năm 1995 quy định: "Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên cơ sở bảng giá do uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo khung giá của Chính phủ quy định". Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 của Luật đất đai năm 1993 và Điều 56 của Luật đất đai năm 2003 thì giá đất do uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo khung giá của Chính phủ quy định không áp dụng trong việc chuyển quyền sử dụng đất giữa những chủ thể sử dụng đất. Thực tế cho thấy, trong quan hệ chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các tổ chức với nhau, giữa các hộ gia đình, cá nhân với nhau là quan hệ dân sự, do vậy, về nguyên tắc cần tôn trọng sự thoả thuận giữa các bên. Để phù hợp với Điều 56 của Luật Đất đai năm 2003, Điều 690 của BLDS 2005 đã quy định:" Giá chuyển quyền sử dụng đất do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định".

4. Tạo cơ chế thông thoáng cho người sử dụng đất

Về nghĩa vụ của bên chuyển đổi quyền sử dụng đất (Điều 695)

Tại khoản 5 Điều 703 của BLDS 1995 quy định: "Trong trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất thì bên được thanh toán số tiền chênh lệch do giá trị quyền sử dụng đất chuyển đổi cao hơn phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất đối với phần chênh lệch đó". BLDS năm 2005 đã bỏ quy định về việc nộp thuế chuyển đổi quyền sử dụng đất nếu "bên được thanh toán số tiền chênh lệch do giá trị quyền sử dụng đất chuyển đổi cao hơn phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất đối với phần chênh lệch đó". Bổ sung "nghĩa vụ của các bên chuyển đổi phải nộp lệ phí chuyển đổi".

Về nghĩa vụ của bên chuyển nhượng sử dụng đất (Điều 699)

Khoản 1 Điều 709 của BLDS 1995 quy định: "bên chuyển quyền sử dụng đất có nghĩa vụ xin phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền". Thực tế cho thấy, quy định này không hợp lý vì Luật đất đai đã cho phép người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất trong đó có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó, BLDS năm 2005 đã bỏ quy định này.

Về nghĩa vụ của bên thuê quyền sử dụng đất (Điều 707)

Tại khoản 6 Điều 720 của BLDS 1995 quy định: "bên thuê quyền sử dụng đất không được cho người khác thuê lại quyền sử dụng đất". BLDS năm 2005 đã bỏ quy định này để phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai vì Luật đất đai cho phép người sử dụng đất được cho thuê lại đất.

Về hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất (từ Điều 715 đến Điều 721)

- Mở rộng phạm vi được thế chấp quyền sử dụng đất (Điều 716)

Theo quy định của BLDS 1995 thì đất nông nghiệp chỉ được thế chấp tại Ngân hàng Việt Nam, tại các tổ chức tín dụng Việt Nam do Nhà nước cho phép thành lập, đối với đất ở được thế chấp với các tổ chức kinh tế, cá nhân Việt Nam ở trong nước. BLDS năm 2005 bỏ các quy định này và tạo thuận lợi cho bên thế chấp được quyết định bên nhận thế chấp.

- Mở rộng quyền của bên thế chấp quyền sử dụng đất (Điều 718)

Để tạo điều kiện cho bên thế chấp giá trị quyền sử dụng đất thanh toán được nợ, BLDS 2005 quy định bên thế chấp quyền sử dụng đất có quyền: "Được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất nếu được bên nhận thế chấp đồng ý".

Về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất (từ Điều 727 đến Điều 732)

Đây là một quyền mới được bổ sung vào BLDS năm 2005. Theo quy định của BLDS 2005 ( khoản 2 Điều 730) thì tuy giá trị quyền sử dụng đã được góp vốn, nhưng bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vẫn "được quyền chuyển nhượng, để thừa kế phần góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật quy định khác''.

Về thừa kế quyền sử dụng đất (từ Điều 733 đến Điều 735)

Theo quy định của BLDS 1995 đối với đất nông nghiệp, người được thừa kế phải có điều kiện: Có nhu cầu sử dụng đất, có điều kiện trực tiếp sản xuất nông nghiệp; chưa có đất hoặc đang sử dụng đất dưới hạn mức theo quy định của pháp luật về đất đai. BLDS 2005 không quy định điều kiện thừa kế quyền sử dụng đất và quy định những người thuộc hàng thừa kế đều được thừa kế quyền sử dụng đất, cụ thể là: "Cá nhân được Nhà nước giao đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất, được thuê đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của Phần thứ tư của Bộ luật này và pháp luật về đất đai".

Phần thứ sáu: Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ

Phần thứ sáu BLDS 2005 về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ gồm 3 chương, 22 điều (từ Điều 736 đến Điều 749) . Phần này quy định về quyền tác giả (như đối tượng, nội dung, thời điểm phát sinh quyền tác gia ...) và quyền liên quan đến quyền tác giả (đối tượng hên quan đến quyền tác giả, chủ sở hữu và nội dung quyền đối với cuộc biểu diễn, cuộc phát sóng..); quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng mới; chuyển giao công nghệ.

So với quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, Phần thứ sáu về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong Bộ luật Dân sự năm 2005 có một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây:

1. BLDS năm 2005 chỉ quy định những vấn đề cơ bản có tính chất nguyên tắc về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

BLDS năm 2005 chỉ quy định những vấn đề có tính chất dân sự chung nhất, những nguyên tắc cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Những vấn đề cụ thể khác không thuộc quan hệ dân sự (như trình tự, thủ tục xác lập quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, thủ tục chuyển giao công nghệ) sẽ được quy định trong các luật chuyên ngành (Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ) vì:

Thứ nhất, BLDS là luật chung trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể bình đẳng trên cơ sở tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm. Do vậy, BLDS chỉ quy định những nguyên tắc chung, cơ bản nhất;

Thứ hai, BLDS cần phải đảm bảo tính ổn định, do vậy để đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của thực tế xã hội, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thì các vấn đề cụ thể về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cần được quy định tại các Luật chuyên ngành.

2. Về quyền tác giả

- Nội dung quyền tác giả: BLDS 2005 đã phân định rõ ràng hơn các quyền nhân thân và các quyền tài sản của tác giả so với BLDS 1995.

- Các quy định về thời điểm phát sinh quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, phân chia quyền của đồng tác giả, chuyển giao quyền tác giả, hợp đồng chuyển giao quyền tài sản (tại các điều 739, 740, 741, 742, 743) đã được thể hiện, khái quát hơn so với các quy định trước đây.

- Các quy định về nội dung các quyền đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của chủ sở hữu các quyền liên quan đến quyền tác giả (tại các điều 745, 746 và 747) được xác định cụ thể hơn nhằm phù hợp với quy định của Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật, phù hợp với quy định tại Chương II của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

3. Quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng

- Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp: BLDS 2005 đã mở rộng phạm vi đối tượng sở hữu công nghiệp (Điều 750). Cụ thể, đã quy định thêm các đối tượng: bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

- Về thuật ngữ: Thuật ngữ "nhãn hiệu hàng hoá" được sử dụng trong quy định của BLDS 1995 đã được thay bằng thuật ngữ "nhãn hiệu' trong Điều 750 của BLDS 2005, thuật ngữ này cũng dùng để chỉ nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu liên kết. Thuật ngữ "tên gọi xuất xứ hàng hoá" trong BLDS 1995 đã được thay bằng thuật ngữ "chỉ dẫn địa lý" trong BLDS 2005. Xét về bản chất, tên gọi xuất xứ hàng hoá là một dạng chỉ dẫn địa lý đặc biệt.

- Quyền đối với giống cây trồng: tại Điều 750, quyền đối với giống cây trồng được quy định thành một đối tượng độc lập, không nằm trong nhóm các đối tượng sở hữu công nghiệp. Hiện nay, giống cây trồng đã được quy định bảo hộ trong Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, vấn đề bảo hộ giống cây trồng được quy định trong BLDS.

Như vậy, so với yêu cầu của các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, BLDS 2005 đã quy định đầy đủ hơn các đối tượng sở hữu công nghiệp và giống cây trồng.

4. Chuyển giao công nghệ (Điều 745 - Điều 748)

Để tránh chồng chéo, trùng lặp trong quy định giữa BLDS và Luật Chuyển giao công nghệ (hiện đang trong quá trình soạn thảo), các quy định về chuyển giao công nghệ trong BLDS 2005 được khái quát cao, quy định mang tính nguyên tắc về quyền chuyển giao công nghệ, đối tượng chuyển giao công nghệ, các công nghệ không được chuyển giao và hợp đồng chuyển giao công nghệ; các vấn đề cụ thể liên quan đến chuyển giao công nghệ sẽ do Luật Chuyển giao công nghệ quy định.

Phần thứ bảy: Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

Trong BLDS năm 2005, Phần thứ bảy "Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài" gồm 20 điều (từ Điều 758 đến Điều 777).

Trong phần này có một số sửa đổi, bổ sung chủ yếu so với BLDS năm 1995 như sau:

1. Về khái niệm quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (Điều 758)

Điều này vẫn kế thừa Điều 826 trong Bộ luật dân sự 1995 về các căn cứ để xác định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là chủ