Luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương

NDO -

Bài 1- Ðưa cán bộ xuống cơ sở để đào tạo, thử thách: 

Thời gian qua, công tác luân chuyển cán bộ và bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố.

Bí thư Huyện ủy Hải Hà Trần Văn Lâm (người đội mũ) kiểm tra tiến độ dự án đường ra Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà.
Bí thư Huyện ủy Hải Hà Trần Văn Lâm (người đội mũ) kiểm tra tiến độ dự án đường ra Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà.

Ðội ngũ cán bộ sau khi được luân chuyển, bố trí vào một số chức danh chủ chốt đều trưởng thành nhanh hơn, có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở. Ðể tiếp tục triển khai chủ trương này theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, các cấp ủy đảng, các ban, bộ, ngành liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Ðảng ta luôn luôn chú trọng, quan tâm đến công tác luân chuyển cán bộ thông qua việc ban hành nhiều nghị quyết quan trọng. Các cấp ủy đảng đã tích cực triển khai việc luân chuyển nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ qua thực tiễn, bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận. Hầu hết số cán bộ sau khi được luân chuyển đều thể hiện tốt khả năng, chuyên môn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn.

Luân chuyển đến nơi khó khăn

Sinh năm 1977, đồng chí Nguyễn Phương Lan, Bí thư Ðảng ủy phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng), là một trong số ít cán bộ trẻ được luân chuyển. Phường Lạc Viên vốn là điểm nóng, phức tạp trong giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm của thành phố. Với quyết tâm của tuổi trẻ, vốn trước đó là Bí thư Quận đoàn Ngô Quyền, khi được luân chuyển về làm Bí thư Ðảng ủy phường Lạc Viên, đồng chí Nguyễn Phương Lan không ngại khó khăn. Ðồng chí chia sẻ: "Tôi được luân chuyển về phường từ ngày 15-3-2012. Qua tìm hiểu, tôi thấy đội ngũ cán bộ của phường còn hạn chế về chuyên môn, bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả chưa cao, công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ. Vì vậy, việc đầu tiên đối với tôi là cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề về quản lý đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà đối với người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hội nghị... Nhằm giải quyết khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tôi và các đồng chí trong Ban Thường vụ Ðảng ủy phường dành nhiều thời gian tiếp xúc, đối thoại với dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân". Với thái độ cầu thị, hết lòng phục vụ nhân dân, đồng chí Bí thư Ðảng ủy phường Lạc Viên đã dần tạo được niềm tin đối với nhân dân. Công tác quản lý đất đai dần đi vào nền nếp. Chế độ, chính sách liên quan giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm trên địa bàn được thực hiện công khai, bảo đảm quyền lợi của người dân.

Ðối với đồng chí Nguyễn Ngọc Khoắn, Bí thư Ðảng ủy xã Quảng Minh, huyện Hải Hà (Quảng Ninh), địa bàn được luân chuyển là nơi xảy ra tình trạng tranh chấp đất vùng triều nuôi nghêu từ năm 2010. Ngày 25-5-2010, Huyện ủy Hải Hà luân chuyển đồng chí Nguyễn Ngọc Khoắn (khi đó là Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy) về làm Bí thư Ðảng ủy xã Quảng Minh, với mục đích tập trung lãnh đạo, giải quyết tình trạng khiếu kiện đông người liên quan đến tranh chấp đất vùng triều. Nhớ lại những ngày đầu khi luân chuyển về xã Quảng Minh, đồng chí Nguyễn Ngọc Khoắn chia sẻ: Sau khi tìm hiểu tình hình thực tế, tôi thấy nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do mâu thuẫn về quyền lợi giữa những người quản lý bãi nghêu với các hộ dân nuôi trồng, khai thác nghêu. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ xã trước đây thiếu kinh nghiệm, giải quyết chưa thật công tâm, khách quan, chưa kiên quyết, cho nên tình trạng tranh chấp đất vùng triều ở địa phương ngày càng phức tạp. Với quyết tâm phải giải quyết triệt để tình trạng trên, nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự, bảo đảm quyền lợi giữa người quản lý với người khai thác, nuôi nghêu tại địa phương, tôi tập trung lãnh đạo Ðảng ủy, UBND xã thực hiện các giải pháp như: Xử lý kiên quyết các hộ dân cố tình lấn chiếm đất vùng triều theo đúng quy định của pháp luật; quy hoạch, rà soát diện tích đất vùng triều giao các hộ dân nuôi trồng, khai thác nghêu; thường xuyên kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời các vi phạm... Nhờ vậy, đến năm 2012, tình hình khiếu kiện đông người do tranh chấp đất vùng triều ở Quảng Minh đã được giải quyết; việc quản lý, nuôi trồng, khai thác nghêu đi vào nền nếp, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Là người trong cuộc, đã luân chuyển được gần ba năm, đồng chí Trần Văn Lâm, Bí thư Huyện ủy Hải Hà (Quảng Ninh) cho rằng: "Bốn cái được lớn nhất đối với người được luân chuyển là có môi trường làm việc thuận lợi để thể hiện khả năng lãnh đạo, chỉ đạo; xác định được mục tiêu luân chuyển để phấn đấu, trưởng thành; có được mối quan hệ tổng hòa hơn; có kinh nghiệm trong xử lý công việc từ thực tiễn". Ðối với đồng chí Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðồng Xuân (Phú Yên), việc luân chuyển cán bộ không chỉ giúp người được luân chuyển trưởng thành, có kinh nghiệm thực tiễn, mà còn giúp Ðảng bộ, chính quyền nơi đến luân chuyển khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước củng cố đội ngũ cán bộ theo hướng chuẩn hóa; lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác; góp phần quan trọng vào việc xây dựng Ðảng bộ, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh. Ðồng chí Nguyễn Hữu Từ thấm thía: "Nếu không được luân chuyển đến nơi khó khăn như Xuân Lãnh, chắc chắn tôi sẽ không có bước trưởng thành như ngày hôm nay. Những kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở đã giúp tôi xử lý hiệu quả nhiều vấn đề liên quan các lĩnh vực phụ trách". Sau hơn hai năm luân chuyển về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên T.Ư Ðảng khẳng định: "Tôi đã thu hoạch được rất nhiều kinh nghiệm từ cơ sở, giúp bản thân trưởng thành nhanh hơn, nhất là trong vai trò người đứng đầu cấp ủy. Thực hiện nhiệm vụ luân chuyển, phải chịu thiệt thòi về tình cảm do xa nhà, xa gia đình, nhưng tôi luôn xác định quyết tâm vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ðảng đã tin tưởng, giao phó". Với đồng chí Nguyễn Ðình Phách, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, việc làm đầu tiên đối với người được luân chuyển là tăng cường đi cơ sở để nắm cán bộ, nắm địa bàn; từ đó, có cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo công việc của địa phương đạt hiệu quả...

Ðó là những thí dụ sinh động minh chứng cho hiệu quả của việc thực hiện chủ trương của Ðảng về luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển cán bộ  đến những nơi khó khăn, gian khổ. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, chúng tôi thấy: Việc luân chuyển cán bộ về cơ sở không chỉ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những yếu kém, khó khăn, điểm nóng ở cơ sở mà còn giúp địa phương được luân chuyển kiện toàn, củng cố, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tại chỗ; phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác; đồng thời giúp đội ngũ cán bộ được luân chuyển trưởng thành nhanh hơn và bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận có chất lượng, có kinh nghiệm từ thực tiễn.

Ðưa nghị quyết vào cuộc sống

Từ khi thành lập đến nay, Ðảng ta đã rất chú trọng, quan tâm công tác luân chuyển cán bộ, nhất là từ khi có Nghị quyết T.Ư 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước và Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 25-1-2002, của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các cấp ủy đảng đã tích cực triển khai việc luân chuyển cán bộ (từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống xã và ngược lại) và đến nay đạt kết quả quan trọng. Các tỉnh ủy, thành ủy sớm cụ thể hóa chủ trương này với nhiều cách làm sinh động, sáng tạo: Thành ủy Hải Phòng thực hiện việc bố trí, sắp xếp những cán bộ đã giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hơn tám năm liên tục và cán bộ giữ các chức danh bầu cử đã

đủ hai nhiệm kỳ ở một cơ quan, địa phương. Tỉnh ủy Bắc Cạn tăng cường chỉ đạo việc phối hợp chặt chẽ giữa nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến theo tinh thần giải quyết tốt mối quan hệ giữa công tác luân chuyển cán bộ với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu, coi trọng mục đích của luân chuyển là để đào tạo, rèn luyện cán bộ. Tỉnh ủy Thái Nguyên quan tâm và ban hành một số cơ chế, chính sách về nơi ở, điều kiện sinh hoạt và công tác, các chế độ về tiền lương để cán bộ luân chuyển yên tâm công tác. Tỉnh ủy Quảng Ninh thí điểm luân chuyển 16 cán bộ là trưởng, phó phòng thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh xuống giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã miền núi, hải đảo. Tỉnh ủy Quảng Ngãi ưu tiên luân chuyển cán bộ được quy hoạch dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, có triển vọng, trình độ, nhiệt tình công tác, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng những địa phương khó khăn, những nơi thiếu cán bộ. Tỉnh ủy Phú Yên xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với đề án quy hoạch cán bộ cấp mình quản lý theo từng nhiệm kỳ...

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, công tác luân chuyển cán bộ tại các tỉnh, thành phố góp phần đào tạo, thử thách đội ngũ cán bộ qua thực tiễn, tăng cường cán bộ cho những nơi có khó khăn và khắc phục một bước xu hướng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, xóa bỏ nếp nghĩ "một người làm quan cả họ được nhờ". Từ năm 2002 đến tháng 7-2013, Tỉnh ủy Bắc Cạn luân chuyển hơn 100 cán bộ, Thái Nguyên (gần 200 đồng chí), Quảng Ninh (hơn 1.120 đồng chí), Quảng Ngãi (hơn 400 đồng chí), Phú Yên (hơn 180 đồng chí)... về giữ một số chức danh chủ chốt ở cơ sở. Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành nhanh, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành đã có nhận thức, thống nhất cao hơn, chủ động, tích cực hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác luân chuyển cán bộ; kết hợp công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển với bố trí, sử dụng và bảo đảm chính sách cán bộ; làm tốt công tác tư tưởng và tổ chức, vừa bảo đảm sự ổn định vừa coi trọng yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ.

Theo đánh giá của Bộ Chính trị tại Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012, về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, hơn 10 năm qua, công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã được thực hiện theo quy hoạch. Kết quả luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương trong hai nhiệm kỳ Ðại hội IX và X của Ðảng

đã góp phần đào tạo được nhiều cán bộ; nhiều đồng chí đã được bầu vào BCH Trung ương khóa X, khoá XI, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh ủy hoặc giữ chức vụ chủ chốt ở các bộ, ngành T.Ư và cơ quan của Quốc hội. Trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành phố hiện nay, hơn 95% cán bộ lãnh đạo chủ chốt HÐND, UBND tỉnh, thành phố và hơn 98% Ủy viên Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy đã qua luân chuyển giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở cấp quận, huyện...

Qua khảo sát tại các địa phương, chúng tôi thấy, công tác luân chuyển cán bộ hiện còn một số hạn chế, bất cập. Một số nơi thực hiện luân chuyển cán bộ chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch. Việc luân chuyển cán bộ trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý nhà nước nhìn chung còn ít, còn khép kín, chưa phát huy được sức mạnh của cả đội ngũ cán bộ, còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ... Vì vậy, để đẩy mạnh việc luân chuyển cán bộ trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ban, bộ, ngành T.Ư cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

(Còn nữa)