Lúa mì dẫn đầu đà tăng nhóm nông sản
Chuỗi giảm mạnh của các mặt hàng nông sản hầu hết đều kết thúc vào giữa tháng 10, khi thị trường đang có những bước hồi phục đáng chú ý. Trước đó, giới phân tích cho rằng giá nông sản tuy vẫn ở mức cao hơn so năm ngoái, nhưng sẽ giảm xuống đáng kể do lo ngại về nguồn cung thắt chặt sẽ phần nào được giải quyết nhờ vào kỳ vọng về sản lượng của niên vụ mới. Bên cạnh đó, triển vọng nhu cầu tiêu thụ trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi dự báo cũng sẽ bị chậm lại trong giai đoạn cuối năm nay do nhiều yếu tố.
Trong khi đó, thực tế lại hoàn toàn nằm ngoài dự đoán khi lúa mì đang tăng rất mạnh trong nửa đầu tháng 11, và hướng đến tháng tăng giá thứ 6 liên tiếp. Hiện tại, giá lúa mì Mỹ đã chạm mức cao nhất đạt được kể từ tháng 12/2012.
Đóng cửa ngày 18/11/2021, giá lúa mì Chicago kỳ hạn tháng 12 giảm nhẹ 0,27% xuống còn 820 cents/giạ, tương đương 301,3 USD/tấn. Trong 7 tháng qua, giá lúa mì đã tăng tổng cộng 36%.
Nguồn cung thắt chặt là yếu tố chính hỗ trợ cho giá
Đà tăng đẩy giá lúa mì lên mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ xuất phát từ lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt do hạn hán gây ra thiệt hại về sản lượng ở các nước sản xuất chính. Điều này được thể hiện một cách rõ ràng qua mức thuế xuất khẩu liên tục tăng lên ở Nga nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước. Nga, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, đang thực hiện các biện pháp tích cực để bảo đảm giữ được nhiều nguồn cung lúa mì hơn trong nước. Thuế xuất khẩu của Nga hiện là 77,1 USD/tấn, mức cao nhất kể từ khi chính sách thuế thả nổi có hiệu lực và dự báo có thể đạt 100 USD/tấn vào đầu năm 2022. Bộ trưởng Nông nghiệp Nga cũng cho biết, nước này sẽ tiếp tục duy trì chính sách thuế cao này trong giai đoạn tới.
Vừa mới trong hôm qua, Hiệp hội Ngũ cốc Quốc tế (IGC) đã hạ dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2021/22 do triển vọng mùa vụ ở Iran giảm sút. Cụ thể, cơ quan này đã giảm sản lượng lúa mì trong niên vụ 2021/22 của thế giới đi 4 triệu tấn xuống còn 777 triệu tấn. Cũng trong lần điều chỉnh này, sản lượng lúa mì của Iran đã bị cắt giảm còn 11,5 triệu tấn, thấp hơn mức 14 triệu tấn trong ước tính trước đó. Trong năm nay, Iran đã phải hứng chịu đợt hạn hạn lớn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Điều này đã khiến cho sản lượng lúa mì của quốc gia này bị suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh Iran, sản lượng lúa mì của Algeria cũng bị cắt giảm xuống còn 3,0 triệu tấn từ 3,5 triệu trong ước tính trước đó, thấp hơn nhiều so mức 3,8 triệu trong niên vụ trước.
Nỗi lo tăng giá khiến nhiều quốc gia đẩy mạnh thu mua nông sản
Bất chấp vùng giá cao hiện tại, thị trường lúa mì thế giới vẫn đang rất sôi động với các cuộc đấu thầu mua khối lượng lớn. Lo ngại về việc thuế xuất khẩu của Nga tăng, cùng với lạm phát ở Mỹ, khiến cho giá lúa mì sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai khiến cho các nước đang liên tục tìm kiếm các nguồn cung mua hàng.
Mức giá cao sẽ khó có thể hạn chế được nhu cầu từ các quốc gia Trung Đông do lúa mì ở đây được sử dụng phần lớn làm lương thực cho con người. Mới đây, Cơ quan thu mua của Chính phủ Saudi Arabia (SAGO) đã mua khoảng 1,3 triệu tấn lúa mì xay xát với giá trung bình là 377,54 USDA/tấn. Ngay sau đó, GASC của Ai Cập cũng mua thêm 180.000 tấn với mức giá trung bình 364,26 tấn/CFR, cao nhất kể từ đầu vụ trong khi nước này vừa mới mua hàng trong tháng 10. Các nước nhập khẩu lớn chấp nhận mua với mức giá cao cũng ảnh hưởng tới quyết định mua hàng sắp tới của các nước khác và lại là yếu tố đẩy giá lúa mì tăng lên.
Lúa mì tăng giá làm gia tăng gánh nặng cho ngành chăn nuôi Việt Nam
Lúa mì là loại nông sản quan trọng được nhập khẩu phần lớn làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Tuy nhiên, mức giá cao đồng nghĩa với chi phí đầu vào tăng lên nhưng giá lợn lại giảm mạnh so hồi đầu năm đang tạo sức ép về cả 2 phía lên ngành chăn nuôi ở nước ta.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu lúa mì của cả nước trong 10 tháng năm 2021 đạt 4,1 triệu tấn, tăng mạnh 62,9% so cùng kỳ năm 2020. Riêng tháng 10/2021, khối lượng đã giảm 17% do giá tăng 21,7% so tháng 10/2020.
Australia là thị trường chủ đạo cung cấp lúa mì cho Việt Nam, chiếm 70% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu lúa mì từ Mỹ và Brazil.
Chính phủ vừa ban hành nghị định giảm mức thuế nhập khẩu MFN đối với lúa mì từ 3% về 0% và ngô giảm từ 5% xuống 2% để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi.
Với yếu tố nguồn cung eo hẹp cùng với triển vọng nhu cầu từ thế giới vẫn được duy trì, giá lúa mì CBOT vẫn sẽ tiếp tục đà tăng và thiết lập các vùng đỉnh mới và duy trì ở mức cao ít nhất là cho tới đầu năm sau, khi nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm bớt và kỳ vọng nguồn cung trong niên vụ mới sẽ khả quan hơn.