Ngày thứ sáu nghe dân nói
Cũng như hàng trăm hộ dân sinh sống dọc tuyến kênh Tô Ma ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, đời sống mọi mặt của gia đình bác Nguyễn Thị Chanh ở ấp 4 từ khi có cây cầu Lương Tâm bắc qua đã đổi thay nhiều. Bác Chanh chia sẻ, gần một năm nay không còn phải đi vòng hơn 2 km mới có cầu qua sông, việc học hành, đi lại, mua bán, vận chuyển hàng hóa nông sản của gia đình thuận lợi, hiệu quả hơn.
Cầu Lương Tâm dài 26 m, rộng 3 m có tổng kinh phí xây dựng gần 500 triệu đồng, trong đó phần lớn từ nguồn xã hội hóa. Cây cầu này là kết quả thực hiện mô hình nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Theo đó, định kỳ hằng quý, Ðảng ủy, UBND xã chủ động họp dân và phân công cán bộ, công chức một số ngành dành ngày thứ sáu để về ấp nghe dân góp ý kiến và phê bình; trực tiếp đối thoại và giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Cùng với mô hình này, việc thực hiện quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân ở xã Lương Tâm thời gian qua đã tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Theo đồng chí Ðoàn Thanh Hải, Bí thư Ðảng ủy xã Lương Tâm, qua tiếp xúc, đối thoại, nhân dân đã có nhiều ý kiến góp ý giúp Ðảng ủy nghiên cứu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, như: giao quyền chủ động cho người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ dân mua máy gặt, sấy nhằm giảm đến mức thấp nhất thất thoát sau thu hoạch; cơ chế đầu tư làm đường giao thông; thu gom, xử lý rác thải, chất thải;…
Gần dân, lắng nghe dân nói và kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị chính đáng của dân cũng là kinh nghiệm giúp xã Xà Phiên, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Long Mỹ. Năm 2017, xã phối hợp Ban Dân vận Huyện ủy và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Long Mỹ xây dựng mô hình Tổ đoàn kết ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer ở ấp 5. Tổ có 24 thành viên đều làm nghề nông. Mục đích chủ yếu của tổ là giúp các thành viên có mô hình hay, hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình.
Theo Tổ trưởng Lưu Hoàng Minh, các thành viên trong tổ thường thăm hỏi, động viên, tìm hiểu phong tục, tập quán của nhau, chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng hiệu quả, hỗ trợ phương tiện máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp hộ nghèo vươn lên; góp vốn xoay vòng. Mỗi lần họp, tổ đều mời lãnh đạo xã và ngành chức năng đến để phổ biến chính sách, chương trình giảm nghèo của địa phương; kịp thời thông tin, dự báo tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông để có giải pháp phòng ngừa; giới thiệu, tạo điều kiện để các thành viên của tổ tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ðến nay, tổ không còn hộ nghèo, cận nghèo; số hộ khá, giàu tăng lên đáng kể, tình cảm giữa các thành viên ngày càng gắn bó. Mô hình tổ đoàn kết của ấp 5 được nhân rộng ra nhiều ấp của huyện.
Ðến những việc có lợi cho dân
Ðồng chí Trần Văn Phúc, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Long Mỹ cho biết, nhằm triển khai các mô hình dân vận khéo đạt hiệu quả, Huyện ủy Long Mỹ yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, các đảng ủy trực thuộc bám sát thực tế để đăng ký thực hiện. Ban Thường vụ Huyện ủy và các cấp ủy trực thuộc tăng cường rà soát các tổ chức đảng có những tiềm ẩn phức tạp để chỉ đạo giải quyết kịp thời. Chú trọng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, nắm bắt tình hình dư luận, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở và những vấn đề người dân quan tâm, như: tiêu thụ nông sản, tình trạng xâm nhập mặn; giải pháp xóa nghèo bền vững; tranh chấp đất đai, cải cách hành chính,… Hoạt động này cũng là dịp để mỗi đơn vị, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Ðiển hình như tại bộ phận một cửa các xã, thị trấn đã tạo hiệu ứng tích cực qua mô hình "bốn đúng, bốn phải, ba sát" (đúng giờ, đúng kế hoạch, đúng chức trách nhiệm vụ, đúng chủ trương, chính sách, pháp luật; phải minh bạch, phải tận tình, phải chính xác, phải đúng hẹn; sát dân, sát việc, sát cơ sở). Hay như điểm sáng về công tác dân vận trong phát triển kinh tế gia đình của Hội Nông dân huyện Long Mỹ. Bằng sự chủ động phối hợp ngành khuyến nông, bảo vệ thực vật và tổ kỹ thuật của các xã, Hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các hội viên tham quan mô hình kinh tế hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với khối dân vận các xã thực hiện phân công, giao trách nhiệm cho cán bộ phụ trách từng ấp, từng nhóm hộ. Ðến nay, Hội có hơn 100 mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế và hàng nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Thực tế ở huyện Long Mỹ thời gian qua cho thấy, công tác dân vận khéo đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân; huy động tốt các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2019, thu nhập bình quân toàn huyện đạt gần 39 triệu đồng/người, tăng hơn 10 triệu đồng so năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Huyện đã có bốn trong tổng số bảy xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ðồng chí Tống Hoàng Khôi, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, sâu sát cơ sở. Tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhân dân, qua đó giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của nhân dân, đồng thời làm tốt nhiệm vụ thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, tập trung làm tốt công tác dân vận chính quyền, nhất là công tác dân vận của các cơ quan hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ.