Long An đã có 19 ổ dịch tả lợn châu Phi

NDO -

NDĐT - Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An cho biết, đến ngày 28-6, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 19 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), với tổng số lợn tiêu hủy là hơn 450 con.

Thu gom lợn bệnh, tiêu hủy và tiêu độc, khử trùng nơi xảy ra DTLCP ở Long An.
Thu gom lợn bệnh, tiêu hủy và tiêu độc, khử trùng nơi xảy ra DTLCP ở Long An.

Riêng ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), ngày 27-6 ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu, gửi xét nghiệm virus DTLCP tại Chi cục Thú y vùng VI, hiện đang chờ kết quả.

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và thủy sản tỉnh Long An cho biết: Tốc độ lây lan bệnh DTLCP rất nhanh, nguyên nhân do người chăn nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi; trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng lợn bị nhiễm bệnh chết vứt xuống sông dẫn đến tình trạng dịch bệnh phát tán nhanh; ý thức tiêu độc khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh của người chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thường xuyên; nhận thức của chính quyền cơ sở và người dân còn lơ là chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh nhất là thực hiện phương châm bố tại chỗ và sự vào cuộc của một số nơi chưa thật sự quyết liệt.

Hiện tại, vùng dịch phát tán nhanh nhất đang tập trung ở huyện Bến Lức (tỉnh Long An) với 11 ổ dịch, tập trung tại bốn xã: Thanh Phú, Lương Bình, Phước Lợi, Long Hiệp. Thị xã Kiến Tường với sáu ổ dịch, tập trung tại phường 1 và 2; Đức Hòa hai ổ dịch tại xã Đức Hòa Thượng, Mỹ Hạnh Nam.

Trước tình hình lây lan nhanh của DTLCP, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác triển khai khống chế dịch bệnh trên lợn. Trong đó tập trung công tác thông tin tuyên truyền cho người dân các biện pháp an toàn sinh học để phòng bệnh; đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến trên lợn như: Tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng... Khi phát hiện lợn biểu hiện bất thường, chết nhanh, chết nhiều… phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương và thực hiện ngay các biện pháp chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành thú y.

Long An đã có 19 ổ dịch tả lợn châu Phi ảnh 1

Các địa phương trong địa bàn tỉnh Long An đang tập trung tiêu độc, khử trùng vùng xảy ra dịch bệnh DTLCP.

Đối với công tác kiểm soát vận chuyển và giết mổ cần tăng cường chốt chặn kiểm dịch trên tất cả các trục giao thông bộ và thủy, vì Long An là tỉnh tiếp nhận số lượng lợn rất lớn từ khắp nơi đưa về các lò giết mổ tập trung, để cung cấp sản phẩm cho thị trường TP Hồ Chí Minh và trong tỉnh với số lượng trung bình 3.500 - 4.000 con lợn sống mỗi ngày. Trong thời gian qua, nhiều phương tiện vận chuyển lợn sống đi qua và nhập vào địa bàn tỉnh cố tình trốn, vượt các chốt kiểm dịch tạm thời trên các tuyến giao thông đã làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn..

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An Dương Minh Phí cho biết: Tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, do đó chủ trương chung của tỉnh không nuôi mới, tái đàn lợn trên địa bàn trong thời điểm hiện nay. Nếu các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi có nhu cầu nhập lợn giống, lợn nuôi thương phẩm cần phải thông báo với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An về kế hoạch nhập vào địa bàn. Phải có khu nuôi nhốt cách ly riêng biệt để theo dõi tình hình dịch bệnh; lợn con giống, lợn nuôi thương phẩm nhập vào tỉnh phải được theo dõi, nuôi nhốt tại khu cách ly ít nhất 15 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP mới được nuôi.