Lợi nhuận giữ lại - sự xao lãng đáng tiếc

Vậy lợi nhuận giữ lại là gì?

Đó là thu nhập sau thuế (nói chung) còn nằm trong cơ cấu tài chính doanh nghiệp. Khoản tài chính này được công ty tích tụ từ năm này sang năm khác thành một giá trị lớn hoặc rất lớn. Sự tích tụ đó có được là nhờ công ty làm ăn giỏi, phát đạt và cổ tức sẽ được cân đối từ nguồn tài chính này. Thuật ngữ tiếng Anh gọi "lợi nhuận giữ lại" là "retained earnings". Ở ta, nhiều nơi gọi đây là "lợi nhuận chưa phân phối", hoặc "lãi chưa chia", có lẽ chưa đúng lắm. Một khoản được gọi là giữ lại có ý nghĩa khẳng định, trong khi nếu gọi là "chưa chia" thì nó dễ được xem là một khoản được treo lại và sẽ chia...

Tại sao lợi nhuận giữ lại là quan trọng?

Lợi nhuận giữ lại là khoản bổ sung vốn nói chung và bổ sung vào nguồn vốn chủ sở hữu (equity) nói riêng. Trong thuật dụng vốn, điều đã trở thành nguyên tắc là chỉ khi nào không thể tích lũy "retained earnings" hay khi nguồn tài chính này đã cạn kiệt thì người ta mới tính đến việc phát hành thêm cổ phần. Sở dĩ cách làm như vậy trở thành phổ biến và cần thiết vì thêm cổ phần tức là thêm gánh nặng.

Nếu xem công ty như một "con người" thì con người đó có sự sống và sức sống riêng, có nhu cầu tồn tại và lớn mạnh, có tài sản riêng. Tài sản đó chính là cơ cấu vốn (capitalization) của công ty. Để có được cơ cấu vốn (là sức sống) đó, chúng cần cả nội lực lẫn ngoại lực. Ngoại lực trực tiếp dễ thấy là các khoản nợ, còn nội lực là vốn riêng. Vốn riêng (equity) gồm có vốn góp của cổ đông và lợi nhuận giữ lại. Vốn góp của cổ đông là phần khá cứng, trong khi nó đóng vai là cơ sở tài sản chủ lực của công ty thì đồng thời cũng vừa "ràng" vừa "đòi" quyền lợi (cổ tức) mà công ty luôn cần phải "biết điều". Một cách tương đối, bên cạnh các nghĩa vụ về nợ, ta cũng có thể thấy rằng vốn góp của cổ đông cũng là cơ cấu tài chính cần có nghĩa vụ, đôi khi còn nặng nề hơn các nghĩa vụ nợ nữa kia, vì nó liên quan nhiều đến vấn đề "quyền" chứ không chỉ có "lợi"! Những đan xen nhân quả ấy cho phép ta nhận định, đứng ở vị trí công ty, chỉ có lợi nhuận giữ lại mới thật sự là nội lực của công ty.

Cũng cần lưu ý rằng khái niệm lợi nhuận giữ lại chỉ hiện thực trong các công ty dạng cổ phần (ở ta là công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn). Thời kinh tế tập trung trước đây, khái niệm này chưa có hoặc rất mơ hồ trong cơ chế quốc doanh. Tuy vậy, cho đến nay, thuật ngữ tài chính doanh nghiệp rất quan trọng này hầu như cũng chưa có chỗ đứng khẳng định.

Quan điểm và cách nhìn nhận tại các công ty Việt Nam

Do đặc điểm bối cảnh, tài chính doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có một số đặc thù dễ nhận dạng. Lợi nhuận sau thuế mỗi năm sau khi trích lập các quỹ dù thuộc về Nhà nước nhưng vẫn được để tại doanh nghiệp. Nhìn tổng quan, ta thấy khái niệm "Nhà nước" và "doanh nghiệp" gần như chỉ là ta với mình. Tuy nhiên, khái niệm "doanh nghiệp" ở đây trong thực tế lại có hơi nghiêng về "những con người cụ thể" tại đó. Vấn đề quyền lợi luôn là thứ "sát sườn" ảnh hưởng không nhỏ đến sắc thái tài chính doanh nghiệp. Trong đó có việc trích lập các quỹ, nhất là các quỹ liên quan đến quyền lợi người làm việc. Tài chính DNNN do đó hơi có nét "trong nhà", và tình trạng này vẫn tiếp tục tại nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa: nộp thuế thì gọi là nộp ngân sách , "vốn tự có" có khái niệm hơi lưng chừng, người lao động vẫn được "chia" trong phần lãi  (lẽ ra là) của Nhà nước. Lương trả cho người làm việc trong DNNN thường là thấp nhưng các khoản thu nhập hay quyền lợi khác có thể rất cao, trong đó một phần được trích ra từ lợi nhuận. Về cơ bản, có thể nói lợi nhuận giữ lại trong các DNNN vẫn có, nhưng nó ẩn dưới các quỹ mà khả năng định đoạt bị phân tán hoặc được sử dụng theo cách không có sắc thái tài chính như trong công ty cổ phần. 

Đối với công ty cổ phần, các mối quan hệ về quyền lợi có đặc trưng tách bạch hơn. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận thuộc về công ty và theo nguyên tắc là của cổ đông. Tất cả quyền lợi của người lao động đã được tính đủ trước đó và nằm trong chi phí hoạt động của công ty. Các quyền lợi khi được phân lập như vậy (Nhà nước hưởng thuế - xã hội hưởng phí - cổ đông hưởng lợi nhuận) vừa có tính ràng buộc vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp hành xử sòng phẳng hơn, vì ai cũng có phần thỏa đáng cả. Sau khi được phân lập, tài chính doanh nghiệp còn có cách phân bổ rất khoa học và ý tứ cho từng đối tượng liên quan: người lao động có quỹ bảo hiểm, chủ nợ được ưu tiên, con nợ (xấu) có quỹ dự phòng, thuế có hai lần điều chỉnh (thuế giá trị gia tăng và thu nhập), và công ty có lợi nhuận giữ lại. Lẽ đáng là vậy, nhưng như đã nói, do quán tính (và có lẽ thiếu một hành lang chuẩn định) lợi nhuận giữ lại của công ty được chia năm xẻ bảy và ẩn dưới nhiều dạng khác nhau giống như doanh nghiệp được bao cấp: quỹ dự phòng (chung), quỹ phát triển sản xuất, quỹ dự phòng mất việc làm, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi... Trong cơ cấu các quỹ vừa kể, ba loại quỹ sau lại được mặc nhiên thừa nhận là đã thuộc về người lao động, và nhiều công ty (nhất là các công ty được cổ phần hóa) thường trích khoản này khá mạnh tay, gấp nhiều lần hai quỹ còn lại, chẳng cần biết như vậy dễ làm "nóng mặt" các cổ đông, có thể lợi bất cập hại.

Tại sao? Việc này vi phạm đến quyền định đoạt tài sản của cổ đông. Cách làm theo quán tính này có thể là chuyện khó xử cho cả lãnh đạo công ty lẫn cổ đông. Sự không rạch ròi làm cho yếu tố người lao động, là yếu tố nhạy cảm, xuất hiện rõ ở chỗ tế nhị này, làm cho lãnh đạo công ty ngại mất "quan điểm", còn cổ đông ngại làm căng, họ phản ứng thụ động nhưng âm ỉ, bất lợi và kém hứng thú. Như vậy, cả công ty và cổ đông chẳng những sẽ bị thiệt và còn có thể bị thiệt kép. Việc cắt một khoản lớn lợi nhuận sau thuế dành để chi muộn cho người lao động còn là việc làm không có tính logic. Tại sao công ty lại dùng lợi nhuận ròng để trả phí? Đã có nhiều ý kiến nêu lên trong một số cuộc họp cổ đông rằng, tại sao ta không tính đúng tính đủ để tạo động lực khuyến khích cụ thể và trực tiếp ngay trong quá trình sử dụng lao động và trả lương? Và chắc gì việc sử dụng các khối tiền lớn được trích vào các quỹ kia sẽ chính đáng và khuyến khích đúng người, đúng việc? Các quỹ khen thưởng phúc lợi đã vậy, ngay quỹ dự phòng mất việc cũng thuộc phạm vi chi phí mới phải, y như dự phòng nợ khó đòi vậy! Giải thích về hiện tượng này, có ý kiến biện hộ rằng làm như vậy để thấy lợi nhuận nhiều, giá cổ phiếu hấp dẫn... Ý kiến khác nói quốc doanh làm vậy nên công ty cổ phần cũng làm vậy là vì "truyền thống"!

Như vậy, đối với công ty cổ phần ở ta, các khoản được xem là lợi nhuận giữ lại thực sự không đáng kể. Việc đưa khoản này vào một số quỹ có mục đích quá cụ thể cũng làm cho nó mất đi tính linh động trong quá trình sử dụng. Điều này có vẻ như mặc nhiên khuyến khích cách làm "lời năm nào xào cho năm ấy". Chẳng trách nội lực tài chính, là nguồn nuôi dưỡng công ty, phần lớn là đơn điệu. Đã vậy, nhiều công ty cổ phần còn vội đem khoản này quy ra cổ phần để chia (thậm chí chia sạch) cho cổ đông. Cách làm "tự trói" này lại được tải đi bằng thông điệp "tăng vốn điều lệ" công ty. Nghe thì rất oai, nhưng không phải là cách làm phù hợp.