PGS - điểm nhấn trong sản xuất rau an toàn
Chương trình “Xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cùng nông hộ nhỏ tại Việt Nam” giai đoạn 2017-2021 do tổ chức Rikolto tại Việt Nam phối hợp các đối tác triển khai ở 5 địa phương. Đó là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Nam.
Trong đó, Rikolto hướng tới mục tiêu nâng cao kỹ thuật, kỹ năng tổ chức kinh doanh cho các tổ chức nông dân, thúc đẩy liên kết thị trường và mô hình kinh doanh bao trùm, bền vững.
Các hợp phần chính của chương trình tập trung vào ba nội dung.
Thứ nhất, xây dựng bằng chứng về lợi ích của mô hình PGS (Hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng) trong việc thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững và toàn diện đối với rau an toàn.
Thứ hai, thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho chuỗi giá trị rau an toàn; chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng công nhận việc áp dụng PGS như một công cụ bảo đảm chất lượng hiệu quả và đáng tin cậy.
Thứ ba, hỗ trợ Hà Nội và Đà Nẵng trở thành thành phố thực phẩm thông minh - nơi nông hộ nhỏ được tham gia vào chuỗi giá trị rau an toàn và người tiêu dùng có thể tiếp cận dễ dàng với thực phẩm an toàn.
Thông tin từ lễ tổng kết dự án diễn ra ngày 17/12 do Rikolto và Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang) tổ chức cho biết, từ năm 2017 đến nay, chương trình cùng các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Nam và Vĩnh Phúc hỗ trợ 24 hợp tác xã sản xuất rau an toàn.
Tham gia dự án, các hợp tác xã được Rikolto hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất rau an toàn theo mô hình PGS. Nông dân được học cách tổ chức, vận hành PGS trong sản xuất rau an toàn; nắm bắt được các quy định về PGS để ứng dụng vào sản xuất, biết cách sơ chế và đóng gói từng loại rau củ quả nhằm bảo đảm chất lượng của sản phẩm, biết cách ghi chép nhật ký đồng ruộng để bảo đảm truy xuất thông tin sản xuất rau và được tập huấn về bền vững trong sản xuất rau an toàn.
Với các cán bộ của hợp tác xã, họ được tập huấn nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, kinh doanh, tìm kiếm khách hàng và quản lý chất lượng. Các hợp tác xã thường xuyên lấy mẫu rau để kiểm tra yêu cầu về an toàn thực phẩm, xác định vấn đề và sửa lỗi trong quá trình sản xuất. Các hợp tác xã cũng được hỗ trợ quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Rikolto cũng tổ chức các buổi tham quan mô hình quản lý sản xuất rau theo mô hình PGS để các hợp tác xã cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Ngoài ra, tổ chức hỗ trợ một số trang thiết bị, cung cấp giống, phân bón cho các hợp tác xã.
Để xây dựng hệ thống PGS, Rikolto cũng hỗ trợ các địa phương xây dựng và ban hành hướng dẫn thực hiện PGS đối với rau an toàn trên địa bàn.
Thành công ngoài mong đợi
Sau 5 năm triển khai chương trình, diện tích áp dụng mô hình PGS đã vượt ngoài mong đợi, tăng gấp 3 lần (228ha) so với dự kiến ban đầu (70ha). Số nông dân hưởng lợi trực tiếp từ chương trình là hơn 1.200 người.
Khối lượng rau an toàn sản xuất ra đạt 14.000 tấn, tăng hơn 50% so với dự kiến ban đầu là 8.500 tấn. Lượng rau tiêu thụ tập thể đạt 6.000 tấn, lớn hơn 1,5 lần so với dự kiến ban đầu chỉ là 4.000 tấn. Kết quả các mẫu rau, quả kiểm định từ năm 2017 của các hợp tác xã đến nay cho thấy, tất cả hợp tác xã đều đạt chỉ tiêu chất lượng về an toàn thực phẩm.
Nhờ đó, ước tính 200.000 người tiêu dùng đã được hưởng lợi từ chương trình. Các tỉnh, thành phố là Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Đà Nẵng đã ban hành hướng dẫn thực hiện PGS đối với rau an toàn tại địa phương,
Bà Hoàng My Lan, Giám đốc Vùng của Rikolto, cho biết, chương trình đạt được mục tiêu đề ra khả quan. Qua đó, giúp người nông dân tăng thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, năng lực quản lý, giá trị đối với môi trường, xã hội, việc làm. Đồng thời, góp phần để hướng tới hệ thống thực phẩm an toàn, bền vững và bổ dưỡng ở một số địa phương, cụ thể như Hà Nội.
Việc áp dụng PGS tại các vùng sản xuất đã giúp tăng cường kiểm soát chất lượng rau an toàn, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của nông dân trong việc sản xuất an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đặc biệt là hình thành mối liên kết nhóm giữa các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ để tăng khả năng cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm. Một vài nhóm nông dân đã tách ra hình thành hợp tác xã hoặc tự tìm được cho mình một kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, đem lại lợi ích như các nhóm nông dân ở xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm); xã Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) ở Hà Nội.
Lan tỏa thành công của mô hình
Một điển hình trong việc phát triển và mở rộng mô hình là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng hóa nông sản An Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một trong ba hợp tác xã đầu tiên được Rikolto hỗ trợ tại địa bàn.
Từ sản lượng trung bình 4-5 tấn/ngày năm 2018, đến nay, hợp tác xã đã tăng lên 10-20 tấn/ngày. Các thành viên Ban Quản lý của hợp tác xã được trang bị kiến thức tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường. Vì thế, họ quản lý tốt hơn các hoạt động của hợp tác xã, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia, phát triển đa dạng sản phẩm và phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng như các bếp ăn tập thể, công ty chế biến, siêu thị…
Do lượng khách hàng tăng, hợp tác xã đã mở rộng vùng nguyên liệu sang các vùng lân cận và tỉnh Tuyên Quang. Với gần 300 hộ tham gia, diện tích sản xuất an toàn đạt khoảng 100ha/năm, tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Dương, Na Hang, Yên Sơn và Chiêm Hóa…
Tại những địa bàn tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, hợp tác xã đã giúp người dân nâng cao thu nhập và phát triển sinh kế bền vững, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng của địa phương và tạo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ.
Những kết quả tích cực cho thấy những nỗ lực và đóng góp của Rikolto trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cùng nông hộ nhỏ tại Việt Nam. Những thành quả trên có được nhờ sự đồng thuận và tham gia tích cực của các đối tác địa phương, nông dân và các hợp tác xã; sự phối hợp, liên kết và tham vấn chặt chẽ giữa Rikolto và các đối tác. Đặc biệt, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các địa phương đã xây dựng một cơ chế chia sẻ thông tin minh bạch, phát triển các hoạt động dựa trên nhu cầu thực tế của nông dân và các hợp tác xã, phù hợp định hướng phát triển của địa phương.
Tuy nhiên, chương trình vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ. Cụ thể như, năng lực của một số hợp tác xã còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai áp dụng PGS ở một số nơi chưa đồng bộ. Cùng với đó, khả năng kết nối thị trường của các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn, một số nơi chưa gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị bền vững. Chương trình chưa thu hút đông người trẻ tham gia.
Bà Hoàng My Lan chia sẻ, trong 5 năm tới, Rikolto và các đối tác tập trung xây dựng mô hình thành phố thực phẩm thông minh, hướng tới cả nhóm người sản xuất và người tiêu dùng. Cần có sự tham gia của các hợp tác xã/doanh nghiệp để liên kết, kết nối chuỗi bao trùm với các vùng sản xuất, tạo ra những tác động tích cực hơn.
Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, ban, ngành khác nhau, để đưa ra một giải pháp đáp ứng được nhu cầu của tất cả các bên về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cũng như quản lý nhà nước. Qua đó, nhằm bảo đảm các sản phẩm sản xuất ra bảo đảm an toàn, bền vững, nhưng có giá cả phù hợp, giúp nhiều người dân có thể tiếp cận.
Giai đoạn 2022-2026, Rikolto sẽ tiếp tục phối hợp các đối tác thúc đẩy hệ sinh thái thực phẩm HSN (thực phẩm lành mạnh, bền vững và bổ dưỡng) đóng vai trò then chốt, xây dựng dựa trên ba sáng kiến:
(1) Phát triển thị trường thực phẩm -hỗ trợ các đối tác khuyến khích tiêu dùng thực phẩm lành mạnh, bền vững và bổ dưỡng thông qua các hành động chung và kinh doanh bao trùm, toàn diện. Đối tượng tham gia là các hợp tác xã, các tổ hợp tác, các doanh nghiệp.
(2) Thực phẩm học đường lành mạnh - hỗ trợ các trường học tiếp cận với nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn, dinh dưỡng cho học sinh.
(3) Khởi sự doanh nghiệp thực phẩm - đồng hành cùng các doanh nghiệp trẻ có tham vọng thông qua chương trình ươm tạo doanh nghiệp