“Lối đi nào” dành cho người khuyết tật

NDO -

NDĐT- Khi xây dựng chung cư và các công trình công cộng dường như chúng ta “đã quên” dành một lối đi cho người khuyết tật - Đó là một thực tế! Mặc dù Luật Xây dựng và Luật Người khuyết tật (NKT) đã quy định các công trình nhà chung cư, công trình công cộng khi thiết kế, thi công phải bảo đảm cho NKT có thể tiếp cận được, nhưng đa số các chủ đầu tư vẫn chưa mấy quan tâm đến vấn đề này.

NKT không thể “tự đi” bằng chính lối đi dành riêng cho họ! (Lối lên hội trường trụ sở Hội NKT huyện Thanh Trì, Hà Nội).
NKT không thể “tự đi” bằng chính lối đi dành riêng cho họ! (Lối lên hội trường trụ sở Hội NKT huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Làm – chỉ là hình thức

Tại Hội thảo Thúc đẩy thực hiện quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật (NKT) tiếp cận sử dụng do Hội Người khuyết tật và Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức ngày 25-6, ông Trần Hữu Hà, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: Toàn bộ các thiết kế điển hình do Bộ Xây dựng ban hành sau năm 2002 như trường học, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, bệnh viện, chung cư… đều đảm bảo NKT có thể tiếp cận được.

Tuy nhiên, điều tra tại các địa phương trên cả nước về việc áp dụng các quy chuẩn xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận lại cho thấy, số lượng các công trình và địa phương triển khai áp dụng vẫn còn hạn chế, chỉ tập trung ở một số đô thị lớn và mới chỉ dừng lại ở mức độ tiếp cận tối thiểu.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Trần Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội NKT quận Hoàng Mai (Hà Nội) nêu: “Chúng tôi đã đi khảo sát nhiều công trình và thấy từ chung cư đến khách sạn, vấn đề xây dựng để tạo thuận tiện cho NKT vẫn chưa được quan tâm”.

“Một số công trình có đường dốc đấy, nhưng độ dốc cao, đường cua khó khăn, NKT không tự lên được. Cửa toa lét thì chật, xe lăn không vào được” – ông Hiếu bày tỏ.

Ông Hiếu cũng đưa ra số liệu khảo sát tại quận Hoàng Mai: Có tới 80% công trình chưa đạt yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho NKT. Ngay như trụ sở UBND quận Hoàng Mai, đường dốc cũng chỉ để ô-tô lên sảnh. Từ sảnh vào phòng vẫn còn bậc, NKT không vào được. Còn nữa, 100% trụ sở các phường thuộc quận NTK đều không tiếp cận được.

“Đa số các công trình không làm, còn công trình có làm thì cũng chỉ là hình thức, NKT không sử dụng được” - ông Hiếu khẳng định.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 6,7 triệu NKT, trong đó riêng Hà Nội có 90 nghìn người. Hiện các công trình xây dựng mà NKT có thể tiếp cận được chủ yếu thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, triển lãm, nhà trưng bày. Còn các lĩnh vực chưa được chú ý cho NKT tiếp cận là chợ, siêu thị, nhà thi đấu, bưu điện, nhà ga, cửa khẩu, chung cư, công trình có tỷ lệ tiếp cận ít nhất là ngân hàng…

Chị Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm Sống độc lập của Hội NKT Hà Nội cho biết: Những sai xót thường mắc phải trong các công trình xây dựng khiến NKT khó tiếp cận thường là: thiếu đường dốc lên xuống, độ dốc cao hơn so với quy định, góc cua gấp, độ rộng của đường dốc không đủ theo tiêu chuẩn, cửa ra vào nhà vệ sinh không đủ rộng để xe lăn của NKT vào.

Nhiều công trình không có chỗ để xe cho NKT, hoặc có hầm để xe nhưng độ dốc lên xuống hầm quá lớn. Ngoài ra, nhiều tòa nhà có thang máy nhưng không có âm thanh báo hiệu cho người mù, hoặc có thang máy nhưng lại ở trên tầng hai, trong khi NKT chỉ có thể tiếp cận được vài tầng một.

Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư

Điều đáng nói, ngay cả những dự án mà NKT có thể tiếp cận được thì cũng chỉ dừng ở một số dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Còn với các dự án do tư nhân đầu tư, đa phần không thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn để NKT tiếp cận, nhất là với những công trình cải tạo, xây mới chung cư cao tầng, công trình công cộng.

Đến từ Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Quang Huy cho biết: “Các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, các dự án xây dựng chung cư thương mại, khu đô thị, công trình công cộng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước lại do các chủ đầu tư tự tổ chức từ khâu thiết kế, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt. Do đó, các chủ đầu tư thường không mấy quan tâm đến việc thực hiện những quy chuẩn, tiêu chuẩn cho NKT tiếp cận. Hoặc còn nguyên nhân nữa là do các chủ đầu tư không có đủ năng lực thực hiện nên khi thực hiện đã bỏ sót quy định này”.

Từ góc nhìn của một NKT, chị Nguyễn Hồng Hà cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là do các chủ đầu tư, hoặc những người không khuyết tật hầu như chưa làm việc với NKT nên không hiểu nhu cầu của họ.

“Nếu chỉ nhìn thôi thì chưa đủ, cần phải làm việc với NKT, để NKT tham gia vào các khâu, từ thiết kế đến giám sát thi công, bàn giao công trình… Điều đó sẽ tránh được tình trạng nhiều công trình có làm cho NKT đấy, nhưng chỉ là hình thức chứ NKT không sử dụng được. Nếu được hỗ trợ ở những công trình như thế, NKT hoàn toàn có thể đi làm như những người bình thường khác” - chị Hà chia sẻ!

Quy định thì đã có. Nhưng để làm được điều đó, nhiều NKT cho rằng, còn một yếu tố quan trọng nữa là cần nâng cao ý thức cho các chủ đầu tư về vấn đề này. Chỉ khi họ thực sự có ý thức và trách nhiệm thì họ sẽ xây dựng được những công trình mà NKT có thể tiếp cận được.