Lobby không phải là "đút phong bì"
"Không nên hiểu lobby là cái gì đó lén lút. Lobby là vận động, tạo sức ép, lợi ích để đạt được mục đích nào đó. Lobby là luật chơi, công cụ phải sử dụng, nhưng cũng không phải là phép màu nhiệm hoàn toàn" - bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - nói. Theo bà, Mỹ là nơi điển hình nhất cho lobby bởi đặc thù đời sống chính trị kinh tế. Người Mỹ đi lobby có hai "vũ khí": Vai trò của cử tri và người đóng thuế.
Theo ông W.Carnahan - Luật sư tư vấn các vấn đề thương mại, đầu tư quốc tế ở Washington, các DN Việt Nam cần nhớ vài nguyên tắc sơ đẳng cần thiết không nên làm khi lobby: "Hối lộ là một hành động phạm pháp nghiêm trọng ở Hoa Kỳ. Đừng bao giờ cho tiền, quà, đóng góp tiền vào các quỹ của các chính trị gia. Đừng cả tin nghe ai đó nói cứ đưa tiền cho họ, họ sẽ lobby giúp. Đừng lobby theo cách "nước đến chân mới nhảy". Lúc đó, lợi nhuận của DN sẽ qua túi người khác.
Muốn thuê người lobby phải tìm người có đăng ký ở Mỹ, người đăng ký thường cho biết họ làm cho ai, làm cái gì, giá bao nhiêu, những điều này có thể xem trên mạng (phải trả phí); thuê ai phân tích thông tin thì không phải là lobby. Nếu DN cần thông tin và phân tích thông tin thì chỉ cần thuê công ty, luật sư là được. Qua hoạt động lobby cũng có thể biết được thị trường Mỹ sẽ sắp mở, thị hiếu, chính sách sẽ có...".
Bấm phải đúng huyệt!
"Kiến thức là vấn đề quan trọng để lobby. Lobby đúng cũng như bấm huyệt đúng khi chữa bệnh. Bệnh nào bấm huyệt đấy" - ông Trần Sĩ Chương - Giám đốc tư vấn chiến lược phát triển DN, Công ty L&A - ví von. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm chuyên viên cố vấn kinh tế, ngân hàng, trợ lý pháp lý ngoại giao và ngoại thương Quốc hội Hoa Kỳ, ông Chương đưa ra một số lời khuyên: Cơ quan quyền lực cao nhất ở Hoa Kỳ là Quốc hội. Hạ viện là nơi lobby hiệu quả nhất.
Người quan trọng ở Văn phòng Quốc hội là các nhân viên. Các hoạt động lobby có thể bắt đầu từ họ. Tiếp đó là các cựu nghị sĩ. DN Việt Nam nên thành lập tổ chức có thể tạm gọi là thu thập thông tin tại Washington, ngân sách hoạt động cho những người này khoảng 500.000USD/năm. Khi có việc, họ sẵn sàng cung cấp thông tin". Theo bà Ninh: "DN Việt Nam cần biết về Thượng viện và Hạ viện HK. Muốn nói cái gì lâu dài thì nói với thượng nghị sĩ. Tuy nhiên TNS không thể can thiệp việc cụ thể. Cung cấp thông tin cho báo chí và các giới chuyên môn là điều cần thiết.
Hiện, tại TPHCM, trong số các công ty tư vấn cho DN có thể kể tới DNL, Le & Associate. L&A đã lập những hồ sơ những người có thể lobby để tư vấn cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, bà Ninh cho rằng, không nên giao phó hoàn toàn Công ty tư vấn, dù công ty đó có danh tiếng cỡ nào. "Quan trọng nhất là DN phải tự biết mình muốn gì khi lobby! Và Nhà nước cần chủ động hỗ trợ DN trong việc lobby, đặc biệt là vai trò của các hiệp hội" - ông Chương nói.