Bà Maria Laptev hiện là Giáo sư môn lobbying, Học viện quản lý kinh tế UBI, Brussels, Bỉ. Bà đồng thời còn là Phó chủ tịch Tập đoàn quan hệ chiến lược Fleishman-Hillard; là sáng lập viên của Hiệp hội chuyên nghiệp EPACA; nguyên là thành viên của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Liên minh châu Âu (EU).
Hỏi: Thưa bà, lobby (vận động hành lang) vẫn là một khái niệm còn khá xa lạ trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Hiện tại, còn rất nhiều người đánh đồng một cách rất đơn giản là "lobbying" với việc đưa tiền để được nhận một sự ủng hộ hay giúp đỡ nào đó. Trên quan điểm của một nhà tư vấn quản lý chuyên nghiệp cho nhiều công ty đa quốc gia lớn, xin bà vui lòng cho biết thêm một số những nội dung cơ bản của lobbying?
Trả lời: Khái niệm "lobby" có thể được hiểu một cách rất đặc trưng là hoạt động ảnh hưởng đến tiến trình ban hành quyết định hoặc có thể mang một nghĩa rộng hơn thế nữa. Tôi thì định nghĩa lobby là một cuộc đối thoại giữa một ngành hoặc những người có tiền khác với các nhà lập pháp, và tất nhiên mục tiêu của nó luôn là ảnh hưởng đến tiến trình ban hành quyết định. Tuy nhiên lobby nên là con đường hai chiều, tiếp thu và truyền đạt cho người khác hiểu được làm thế nào họ có thể tìm được một chính sách tốt nhất trong việc ban hành pháp luật.
Lobby là công cụ quản lý cần thiết cho tất cả các công ty, kể cả các hoạt động sản xuất nhỏ, riêng lẻ, công ty vừa và nhỏ, các tập đoàn lớn hay công ty đa quốc gia. Nó có thể là việc được thông báo ở giai đoạn sớm nhất về các chính sách có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bạn hoặc hành động bạn thấy cần thiết để làm tăng lợi nhuận, hay đơn giản chỉ là việc xếp hạng doanh nghiệp - sự kiện thể hiện cam kết của công ty bạn với một số nội dung nào đó của chính sách, hay đặc biệt hơn là lobby quá trình lập pháp hay ngăn chặn những quy định cụ thể có thể ra đời thông qua tiến trình làm luật.
Hỏi: Vậy hoạt động lobby ở các nước đang phát triển thì sao?
Trả lời: Lobby còn là một khái niệm không chỉ xa lạ với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay tại một số nước là thành viên mới của Liên minh châu Âu - EU, một số người vẫn còn nghĩ rằng một khi bạn trả tiền, nhất định bạn sẽ được nhận một kết quả cụ thể nào đó, thí dụ nếu bạn chi tiền để gặp một ai đó ở Bộ Giao thông, bạn sẽ buộc họ phải đồng ý dành cho bạn hợp đồng mà Bộ này đang mời đấu thầu.
Tuy nhiên, sự thật không phải như thế. Tiền của bạn không thể mua được quyết định, do đó bất cứ hình thức tài chính nào liên quan đến chính sách hay quá trình ban hành quyết định nên cởi mở và minh bạch hơn cho tất cả mọi người biết điều đó.
Thí dụ, cho đến tận bây giờ, ở rất nhiều quốc gia, đại biểu quốc hội vẫn có thể giữ vị trí lãnh đạo trong công ty và được trả lương cho việc đó. Rõ ràng khi người ta đang làm công việc như một người ban hành quyết định, họ sẽ đặt lên bàn tất cả những lợi ích của công ty mà người ta đang làm việc. Cảm giác chung là ở đâu việc đó diễn ra thì ở đó con người hiểu được lợi ích của bạn và tuyên bố nó một cách minh bạch (nói cách khác chỉ trước cuộc thảo luận liên quan đến công ty bạn), và đây là một hoạt động được chấp nhận.
Hỏi: Quan điểm hiện đại tại các nước phát triển đã thừa nhận lobbying là một nghề, mà đã là nghề thì thường có những quy định hành nghề (Codes of Conduct). Xin bà cho biết đôi nét về những quy định ấy ở các nước phát triển?
Trả lời: Khi nghề lobby đang trở nên phổ biến hơn và hoạt động lobby đang ngày càng được nói đến nhiều hơn, lobby đang được dạy trong các trường chuyên về kinh doanh như một môn học của chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), thì có nghĩa là hoạt động này đang được chuyên nghiệp hoá. Quy định về đăng ký và hoạt động lobby mới chỉ tồn tại ở Mỹ và Canada. Tuy nhiên, hoạt động nghề nghiệp nào ở châu Âu cũng đã được điều chỉnh bằng các quy định hành nghề từ hàng chục năm nay. (Quy định hành nghề này được thông qua bởi Nghị viện châu Âu). Theo tôi thì quy định hành nghề lobby ở đâu thì cũng cần phải dựa trên tính minh bạch cao, và vì thế tất cả mọi người cần phải biết mình đang đại diện cho ai và vì lợi ích của ai.
Hỏi: Bà nghĩ thế nào nếu những người làm lobby (lobbyist) tại Việt Nam cần một số tư vấn của một người làm lobby chuyên nghiệp như bà?
Trả lời: Tôi tin rằng tôi có thể tư vấn được cho lobbyist ở Việt Nam nếu tôi được làm việc với họ. Có thể nói bao trùm công việc lobbying chính là phương pháp tiếp cận, cụ thể hơn đó chính là phương pháp tiếp cận một cách có hệ thống giữa hai hay nhiều bên. Theo đó mục tiêu cuối cùng là quá trình xây dựng chính sách. Tuy nhiên, quá trình đưa ra quyết định ở các nước khác nhau lại dựa trên những yếu tố văn hóa rất khác nhau. Thực ra tôi chưa có nhiều thực tiễn làm lobby tại Việt Nam. Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định rằng khía cạnh văn hoá trong looby là vô cùng quan trọng, quyết định tạo nên một cách tiếp cận hiệu quả hay không.
Hỏi: Lobby và quan hệ công chúng (PR) hay bị lẫn lộn, bà nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Trả lời: Lobbying và PR đều là hai hoạt động giao tiếp nhằm tạo nên ảnh hưởng và thay đổi những nhận thức hay quan niệm hoặc giả chỉ để thay đổi thái độ. Điểm khác biệt ở đây chính là mục tiêu của lobby là để thay đổi chính sách hoặc ảnh hưởng đến việc thay đổi quyết định. Điều này đồng nghĩa với việc người ta có thể sử dụng PR như một công cụ để phục vụ mục tiêu của lobby.
Hỏi: Bà có thể nói rõ hơn về tính minh bạch của lobby?
Trả lời: Tính minh bạch trong lobby là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc xây dựng lòng tin và tạo ra một nhà lobby chân chính. Để có được một quan hệ có giá trị và bền vững, cả hai bên đều rất rõ ràng và cởi mở về mục tiêu và lợi ích của mỗi bên.
Hỏi: Theo quan điểm của bà, Việt Nam có nên có một bộ luật hay những quy định pháp lý về lobby hay không? Và tại sao?
Trả lời: Việc xây dựng một hành lang pháp lý đương nhiên phải dựa trên nhu cầu và phải có sự chuẩn bị và nghiên cứu hết sức nghiêm túc như thế mới đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng có liên quan. Tôi cho rằng thực tiễn của hoạt động lobby tại Việt Nam đã có rồi và theo những cách rất riêng. Với một hoạt động chưa có những quy định hành nghề thì không tránh khỏi những hiểu sai và cách tiếp cận vấn đề sai. Trước tiên cần phải có những quy định hành nghề đã, còn việc tạo ra những văn bản pháp lý hay bộ luật sẽ là công việc phải làm sau khi công nhận nó là một nghề.