Lo ngại thảm hoạ hạt nhân do giao tranh dữ dội gần nhà máy điện hạt nhân Kursk

Trong khi Rosatom cho biết cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk gây ra "mối đe dọa trực tiếp" đối với nhà máy điện hạt nhân của khu vực này thì IAEA cũng kêu gọi "cần phải kiềm chế tối đa" để ngăn chặn thảm họa hạt nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Một số hình ảnh về nhà máy điện hạt nhân Kursk, một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Liên bang Nga. (Ảnh cắt từ clip của Reuters)
Một số hình ảnh về nhà máy điện hạt nhân Kursk, một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Liên bang Nga. (Ảnh cắt từ clip của Reuters)

Ngày 10/8, Cơ quan hạt nhân Liên bang Nga Rosatom cho biết cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk gây ra "mối đe dọa trực tiếp" đối với nhà máy điện hạt nhân của khu vực này

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA trích lời Giám đốc Rosatom Alexei Likhachev nhấn mạnh: "Hành động của quân đội Ukraine không chỉ gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với nhà máy điện hạt nhân Kursk mà còn đối với toàn bộ ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân".

Theo Đài Tiếng nói Đức, ông Likhachev đưa ra bình luận nêu trên trong cuộc gọi với Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IARA) Rafael Grossi còn trong một tuyên bố riêng, ông Likhachev nói rằng: "Hiện tại, có nguy cơ thực sự về các cuộc tấn công và khiêu khích của quân đội Ukraine".

Về phần mình, vào hôm 8/8, IAEA, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, đã kêu gọi Ukraine và Nga kiềm chế khi giao tranh leo thang ở khu vực Kursk của Liên bang Nga, nơi có một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của nước này..

Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, cho biết "cần phải kiềm chế tối đa" để ngăn chặn thảm họa hạt nhân trong bối cảnh xung đột đang diễn ra gần nhà máy điện hạt nhân Kursk.

Cụ thể, trong một tuyên bố do IAEA công bố, ông Rafael Grossi muốn kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế tối đa để tránh một vụ tai nạn hạt nhân có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt phóng xạ".

Cá nhân ông đang liên lạc với các cơ quan chức năng có liên quan của cả Liên bang Nga và Ukraine và sẽ tiếp tục nắm bắt vấn đề này.

Theo truyền thông Nga, phái đoàn ngoại giao của Moskva tại Vienna đã thông báo với IAEA rằng các mảnh vỡ, có thể là từ tên lửa bị bắn hạ, đã được tìm thấy tại nhà máy, mặc dù không có bằng chứng nào về một cuộc tấn công trực tiếp.

Trong khi đó vào hôm 9/8, Rosatom cho biết nhà máy điện hạt nhân Kursk vẫn hoạt động bình thường.

Ngày 6/8, quân đội Nga cho hay lực lượng ủng hộ Ukraine đã tràn vào khu vực Kursk, triển khai khoảng 1.000 quân, hơn 20 xe bọc thép và xe tăng. Sau đó, Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga đã tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp ở Kursk.

Hôm 7/8, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tướng Valery Gerasimov báo cáo rằng cuộc tấn công của Ukraine đã bị quân đội Nga ngăn chặn và chiến dịch đánh đuổi lực lượng xâm nhập đang được tiến hành.

Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, quân đội Ukraine đã tiến xa tới 35 km vào tỉnh Kursk, mặc dù họ được cho là không kiểm soát hoàn toàn khu vực này.

Trong khi đó, Đài tiếng nói Đức cho hay đã có những báo cáo về giao tranh dữ dội, tử vong và thương vong ở vùng lãnh thổ Kursk của Nga.

Sau cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào vùng Kursk của Nga trong tuần qua, hãng thông tấn TASS ngày 10/8 dẫn lời chính quyền địa phương cho biết hơn 76.000 người đã được sơ tán khỏi các vùng biên giới với Ukraine.

Ngoài ra, TASS cho hay các lực lượng Liên bang Nga đang chiến đấu quyết liệt chống lại hàng nghìn binh sĩ Ukraine thâm nhập vào sâu 20 km bên trong vùng Kursh.

Đây là cuộc tấn công lớn nhất của Ukraine vào vùng lãnh thổ có chủ quyền của Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine mở màn năm 2022.