Liên khu 5 chia lửa với Điện Biên

Nếu ở Tây Bắc, địch muốn hút quân ta vào lòng chảo Ðiện Biên Phủ để "nghiền nát" thì ở Khu 5 chúng lại "giăng bẫy" ở đồng bằng ven biển để dễ bề tiêu diệt quân ta.

Sáng ngày 20-1-1954, quân địch ào ạt đổ bộ lên thị xã Tuy Hòa. Chúng mong được "chạm trán" với quân chủ lực Liên khu 5 ở địa bàn do chúng chọn sẵn. Ðổ bộ lên thị xã Tuy Hòa mới mấy ngày đầu, địch đã phải trả giá rất đắt. Hàng trăm quân tinh nhuệ của chúng bị du kích và bộ đội địa phương loại khỏi vòng chiến đấu. Nhiều vũ khí đạn dược chiến tranh bị đốt phá. Qua một tuần hành quân từ biển đánh lên, từ Khánh Hòa đánh ra mà chiến trường Phú Yên vẫn vắng bóng quân chủ lực ta. Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra ở tổng hành dinh chiến dịch Át-lăng do tướng Ðơ Bô-pho chỉ huy: "Các trung đoàn 96, 108, 803 ở đâu? Tại sao tướng Nguyễn Chánh (Tư lệnh Liên khu 5) không tung ra để đối phó với mặt trận Tuy Hòa?".

Sự im ắng của quân chủ lực ta ở hướng Phú Yên đối với bộ chỉ huy chiến dịch Át-lăng không khác nào bầu không khí lặng lẽ oi bức trước một cơn bão. Và cơn bão đã đến.

Ðêm 27 tháng Giêng, cùng một lúc, nhiều vị trí kiên cố của địch ở cụm phòng thủ bắc Kon Tum bị đồng loạt tiến công. Các cứ điểm Măng Ðen, Măng Bút, Kon Rẫy... lần lượt bị san bằng. Ðồn bốt địch ở Kon-Tum sụp đổ từng mảng lớn như sung rụng. Trong vòng mười ngày, toàn bộ tỉnh Kon-Tum đã được hoàn toàn giải phóng. Cả quân khu bừng bừng khí thế chiến thắng. Ngày 2-2-1954, Ðại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện khen: "Thắng lợi Kon Tum là thắng lợi lớn đầu tiên của ta trên mặt trận miền nam. Nó là một thắng lợi quan trọng của ta trong mùa xuân năm nay trên chiến trường toàn quốc. Nó là một đòn rất nặng đánh vào âm mưu của địch ở miền nam, nhất là trong lúc địch đang sa lầy ở Tuy Hòa...".

Giữa tháng ba, chúng tôi được biết quân ta đã bắt đầu mở chiến dịch tiến công quân địch ở tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Hồi ấy chúng tôi chưa thể hình dung được tầm quan trọng và quy mô to lớn của chiến dịch này. Mặc dù đài, báo của địch tuyên truyền huênh hoang về "chiến thắng" của chúng ở Ðiện Biên Phủ, chúng tôi vẫn nghĩ rằng đó là trò bịp và rồi "gậy ông sẽ đập lưng ông". Quả vậy, đêm 13 và 14-3, quân ta tiêu diệt vị trí Him Lam và đồi Ðộc Lập, tiêu diệt hai phần ba phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ làm nức lòng quân dân trên chiến trường cả nước. Ðúng vào lúc ấy, ngày 21-3-1954, tại Phú Yên, địch điều tiểu đoàn 2 ngự lâm quân - tiểu đoàn tinh nhuệ của ngụy bảo vệ quốc trưởng bù nhìn Bảo Ðại ở Ðà Lạt ra chiến trường Phú Yên. Chúng hành quân lên Suối Cối, miền tây bắc tỉnh Phú Yên, bị tiểu đoàn chủ lực 365 của ta chặn đánh tan tác, giết chết và bắt sống gần 300 tên. Tiểu đoàn 2 bị đánh gãy xương sống ở Suối Cối, tiểu đoàn 3 bị ăn đòn nhừ tử ở Bình Thuận, khiến trung đoàn ngự lâm quân gần như bị xóa hẳn phiên hiệu.

Nếu những ngày đầu tháng 1-1954, Bộ chỉ huy chiến dịch Át-lăng mong được chạm súng với quân chủ lực ta ở Tuy Hòa thì cuộc đọ sức ở Suối Cối khiến chúng không giấu nổi sự kinh hoàng.

Từ cuối tháng ba đến ngày 7-5, đi đôi với những thắng lợi dồn dập ở Ðiện Biên Phủ, thông báo chiến sự ở Liên khu 5 đầy ắp tin chiến thắng đến nỗi những nơi tiêu diệt từng trung đội, đại đội địch không sao nhớ nổi nữa. Ngoài các thành phố, thị xã, thị trấn quen thuộc như Ðà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Tuy Hòa, An Khê, Buôn Ma Thuột, Plây Cu... những tên làng, tên xóm, tên núi, tên sông ở miền trung xưa nay ít người biết như Bồ Bồ, Ngũ Giáp, Măng Bút, Măng Ðen, Ka Tung, Ðắc Ðoa, Thượng An, Núi Sầm, Tuy Bình, Bàn Thạch... bỗng trở nên quen thuộc với nhân dân cả nước, gắn liền với đồi A1, Hồng Cúm, Him Lam và cả thung lũng Ðiện Biên vốn cũng là một cái tên thầm lặng, sau ngày 7-5-1954 trở nên chấn động địa cầu.

Một trong những sự kiện gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong quân dân Liên khu 5 tiếp sau chiến thắng lẫy lừng Ðiện Biên Phủ là trận tiêu diệt binh đoàn cơ đội Âu Phi số 100 trên đường 19. Gần 700 tên giặc bị giết chết và 1.200 tên bị bắt sống có cả tên đại tá chỉ huy. Quân ta thu 229 xe cơ giới các loại, nhiều đại bác và đồ dùng quân sự. Ðây là trận đánh giao thông lớn nhất trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, kể cả về số lính tinh nhuệ của địch bị tiêu diệt và số xe ta thu được trên chiến trường Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, trên đường tập kết ra bắc, qua các phố Quy Nhơn - địa điểm tập kết của Liên khu 5, chúng tôi nhìn không chớp mắt từng đoàn xe GMC, xe gíp, xe Ðốt, xe tăng, thiết giáp, xe chữ thập đỏ sơn cờ đỏ sao vàng và gắn biển số LK5 001, LK5 002, v.v. chạy ra bến cảng. Chúng tôi xúc động đến lặng người. Và từ cửa biển Quy Nhơn, chiến lợi phẩm trên đường 19 xuống tàu ra bắc. Tại bến đón tiếp Quý Cao, tỉnh Hải Dương, khi những chiếc tàu há mồm LCT đặt cái lưỡi khổng lồ của chúng lên chiếc cầu cho xe chiến lợi phẩm chạy lên mặt đất, hàng nghìn đồng bào miền bắc, tay cầm cờ hoa đứng đón chật cả hai bên đường từ Quý Cao đến thị xã Ninh Giang. Tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô xen lẫn với tiếng xe chạy và bài hát "Chiến thắng Ðiện Biên" vang dội trên các loa phóng thanh đặt ở các ngả đường Quý Cao - Ninh Giang... hòa thành một bản nhạc hùng tráng giục giã.

Chiến thắng rực rỡ của Liên khu 5 chia lửa với Ðiện Biên Phủ đã khiến cho tướng Ðơ Bô-pho, chỉ huy quân Pháp ở Liên khu 5 lúc đó vô cùng kinh ngạc, khiếp sợ và thán phục tài cầm quân của vị Tư lệnh Liên khu 5 Nguyễn Chánh. Cho nên, sau khi chiến tranh chấm dứt, Ðơ Bô-pho yêu cầu Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cho ông được gặp Tư lệnh Nguyễn Chánh ở Hà Nội.

Tại cuộc gặp, có đồng chí Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng dự. Ðơ Bô-pho cứ ngắm nhìn đồng chí Nguyễn Chánh từ đầu đến chân rồi nói: "Ông cho phép tôi nhìn kỹ người đã làm cho tôi mất ăn mất ngủ ở cái xứ cao nguyên ấy. Tôi sẽ về viết lại cuộc gặp gỡ này vào cuốn sách tôi đang viết. Quả thật tôi khâm phục quân đội của các ông, lính của các ông giỏi hơn lính của chúng tôi, các ông thắng là phải".

Khi kể lại cuộc gặp này, đồng chí Nguyễn Chánh nói: "Tôi nghĩ anh này (Ðơ Bô-pho) vẫn đổ tội thất bại cho lính của họ, hàm ý rằng tướng Pháp cũng tài giỏi không kém ai. Tôi đã trả lời ông ta: "Không phải lính Pháp kém cỏi đâu, họ đã từng chiến thắng phát-xít Ðức từ châu Âu đến châu Phi. Các ông thua vì các ông không có chính nghĩa mà thôi. Bộ đội chúng tôi biết họ chiến đấu vì mục đích gì, còn quân đội các ông đi đánh không có lý tưởng nào cả. Các ông thua là phải"(1).

Ðặng Minh Phương

----------------

(1) Sách "Nguyễn Chánh, con người và sự nghiệp", trang 553-554.