Tại hội nghị giao ban KH và CN các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh Bạch Ngọc Chiến nêu thực trạng liên kết vùng về KH và CN còn yếu. Ông dẫn chứng, trong dịp lễ hội mùa xuân, một số tỉnh đồng bằng sông Hồng đều có lễ hội về nhà Trần, nhưng đều tổ chức cùng thời gian, cùng một mô-típ du lịch. Vấn đề đặt ra là tại sao không cùng nghiên cứu văn hóa, xã hội, xây dựng các nội dung khác biệt để cùng liên kết trong cách thức tổ chức, tạo thành một chuỗi điểm đến, thay vì khách du lịch chỉ tham quan một tỉnh. Thực tế đòi hỏi hợp tác nghiên cứu, đánh giá để tìm giải pháp cho những vấn đề mà nhiều tỉnh cùng quan tâm. Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH và CN địa phương (Bộ KH và CN) nhận định, hiện nay, các địa phương đều đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù của tỉnh, vùng để đề ra chương trình phát triển. Ðồng thời, đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm chủ lực, ưu tiên dành nguồn lực cho nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện quy trình, các tiêu chí về chất lượng sản phẩm chủ lực, góp phần tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và vùng. Nhiều địa phương đã ban hành và triển khai chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, nhất là cho các đặc sản, sản phẩm truyền thống.
Từ năm 2017 đến nay, TP Hải Phòng đã hỗ trợ xác lập 11 nhãn hiệu tập thể cho đặc sản địa phương, triển khai ba dự án hỗ trợ hoạt động quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể cho ba đặc sản, làng nghề. Chỉ trong hai năm (2017 - 2018), tỉnh Quảng Ninh có 631 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được nộp và đã hỗ trợ kinh phí cấp văn bằng cho 54 trường hợp. Tuy nhiên, các nhiệm vụ mới chỉ được thực hiện một cách riêng biệt của từng tỉnh. Việc liên kết giữa các sở KH và CN chưa đề xuất và thực hiện được các nhiệm vụ KH và CN lớn để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng. Chẳng hạn, hoạt động của hệ thống trung tâm ứng dụng, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng của các địa phương trong vùng chưa được kết nối, chia sẻ, cho nên chưa phát huy hiệu quả nguồn lực, nhất là hệ thống trang thiết bị đã đầu tư. Các địa phương đều xây dựng, bảo hộ tài sản trí tuệ cho sản phẩm địa phương, nhưng chưa có các nhiệm vụ xây dựng, bảo hộ tài sản trí tuệ cho sản phẩm có tính liên tỉnh, liên vùng.
Theo các nhà quản lý, để xây dựng các nhiệm vụ liên kết vùng, cần xác định nhu cầu công nghệ của các địa phương. Ở cấp độ từng địa phương, phải nắm bắt được nhu cầu cung - cầu công nghệ. Cán bộ KH và CN tăng cường gặp người dân, doanh nghiệp để khảo sát, tìm hiểu nhu cầu. Thực tế thành công ở một số mô hình đã chứng minh điều này. Thí dụ, khi xác định xây dựng chuỗi đặc sản miến dong Bình Liêu tại Quảng Ninh, sự tham gia của KH và CN từ khâu chọn giống chuẩn, chọn vùng trồng nguyên liệu, nghiên cứu và xử lý sâu bệnh cho vùng trồng, cải tiến máy móc sản xuất, hỗ trợ người dân đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Ở cấp độ vùng, phải có sự chia sẻ dữ liệu chung, kết nối thông tin nhu cầu cung - cầu công nghệ thông qua các sàn giao dịch, điểm kết nối cung, cầu công nghệ. Từ cơ sở dữ liệu chung sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trong vùng tra cứu, hỏi đáp, đề nghị hỗ trợ chuyên gia tư vấn. Doanh nghiệp có thể chia sẻ, quảng bá kết quả nghiên cứu để tránh trùng lặp, lãng phí. Ðại diện Sở KH và CN Hải Phòng cho biết, dự kiến đến năm 2020, Hải Phòng hỗ trợ được khoảng 100 ý tưởng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó, phải có khoảng 20 ý tưởng phát triển được thành doanh nghiệp KH và CN. Khó khăn hiện nay là thiếu chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp, thông tin về các quỹ đầu tư, thông tin về tình hình thực hiện nghiên cứu ở các tỉnh, vùng khác. Do vậy, cần có cơ sở dữ liệu thông tin chung trong vùng về khởi nghiệp, để các tỉnh kết nối, tìm thông tin. Mô hình các điểm kết nối cung, cầu công nghệ tại một số địa phương hình thành thời gian gần đây được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giải quyết bất cập này.
Các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng đang chịu những thách thức chung như ngày càng thiếu hụt nguồn lực lao động, hệ thống sản xuất nhỏ, manh mún... Vì vậy, việc nghiên cứu, thúc đẩy liên kết vùng trở thành yêu cầu cần thiết để phát triển các sản phẩm chủ lực. Ðể nghiên cứu một số sản phẩm quan trọng, cần kinh phí lớn, hay hoạch định mang tính chiến lược đối với vùng, Bộ KH và CN cần hỗ trợ đặt hàng các viện nghiên cứu lớn cho các địa phương.