Liên hợp quốc xác nhận kỷ lục nhiệt độ nóng nhất ở Nam Cực là 18,3 °C

NDO -

Ngày 1/7, Liên hợp quốc đã công nhận nhiệt độ cao kỷ lục mới ở lục địa Nam Cực, đó là mức nhiệt 18,3 °C xảy ra vào năm ngoái.

Xuất hiện "bể bơi" trong mùa hè ở Nam Cực vào ngày 19/1/2020. (Nguồn: USGS)
Xuất hiện "bể bơi" trong mùa hè ở Nam Cực vào ngày 19/1/2020. (Nguồn: USGS)

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết, mức nhiệt kỷ lục đạt được ghi nhận trạm nghiên cứu Esperanza của Argentina trên Bán đảo Nam Cực vào ngày 6/2/2020.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho rằng: “Việc xác minh kỷ lục nhiệt độ cao nhất này rất quan trọng vì nó giúp chúng tôi xây dựng bức tranh về thời tiết và khí hậu ở một trong những nơi "biên giới" cuối cùng của Trái đất”.

"Bán đảo Nam Cực là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất hành tinh, tăng gần 3 °C trong 50 năm qua. Kỷ lục nhiệt độ mới này do đó phù hợp với sự biến đổi khí hậu mà chúng tôi đang quan sát", ông nói

WMO đã bác bỏ kết quả nhiệt độ thậm chí còn cao hơn 20,75 °C, được báo cáo vào ngày 9/2/2020 tại một trạm giám sát băng vĩnh cửu tự động của Brazil trên đảo Seymour gần đó.

Trước đó, kỷ lục đã được xác lập cho lục địa Nam Cực là 17,5 °C được ghi lại tại Esperanza vào ngày 24/3/2015.

Nhiệt độ thấp nhất từng được ghi nhận trên Trái đất là âm 89,2 °C được ghi lại tại trạm Vostok ở Nam Cực vào ngày 21/7/1983.

Nhiệt độ trung bình hằng năm của Nam Cực dao động từ khoảng âm 10 °C trên bờ biển đến âm 60 °C ở những phần cao nhất trong lục địa.

"Cả Bắc Cực, Nam Cực vẫn chưa được đề cập trong quan sát và dự báo liên tục và bền vững điều kiện thời tiết và khí hậu, mặc dù cả hai nơi này có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng mô hình khí hậu và đại dương trong nước biển dâng", ông Taalas nói.

Nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất đã tăng 1 °C kể từ thế kỷ 19, đủ để làm tăng cường độ của hạn hán, sóng nhiệt và xoáy thuận nhiệt đới. Hơn cả mức này, nhiệt độ ở Nam Cực đã ấm hơn gấp đôi.

Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sự nóng lên 2 °C có thể đẩy sự tan chảy của các tảng băng trên đỉnh Greenland và Tây Nam Cực với lượng nước đóng băng đủ để nâng các đại dương lên 13 mét, vượt qua ngưỡng phục hồi.

Phó chủ tịch thứ nhất của WMO, bà Celeste Saulo, người đứng đầu cơ quan thời tiết quốc gia Argentina, cho biết: “Kỷ lục mới này một lần nữa cho thấy biến đổi khí hậu đòi hỏi các biện pháp khẩn cấp”.

“Điều cần thiết là phải tiếp tục tăng cường các hệ thống quan sát, dự báo và cảnh báo sớm để ứng phó với các hiện tượng cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên do hiện tượng ấm lên toàn cầu", bà nói.