Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2022: Đôi điều nhìn lại

Trong suốt một tuần diễn ra sôi nổi, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã mang đến cho công chúng một "bữa tiệc" nghệ thuật đầy mầu sắc. Liên hoan còn là dịp để thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá về diện mạo sân khấu, nhất là sân khấu Hà Nội hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở "Trung trinh liệt nữ" (Nhà hát Chèo Hà Nội), Huy chương vàng vở diễn tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2022. (Ảnh ÐÀO ANH)
Cảnh trong vở "Trung trinh liệt nữ" (Nhà hát Chèo Hà Nội), Huy chương vàng vở diễn tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2022. (Ảnh ÐÀO ANH)

Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2022 là cuộc tranh tài của hơn 200 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 13 đơn vị nghệ thuật thuộc hai miền nam-bắc, mang đến 13 tác phẩm sân khấu thuộc nhiều loại hình: Kịch nói, cải lương, chèo, xiếc. Hội đồng giám khảo đã thống nhất đề xuất số lượng giải thưởng dành cho vở diễn vượt quy định của quy chế chấm thi, bởi Liên hoan đã ghi nhận sự xuất hiện của nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về cả tư tưởng, nội dung và nghệ thuật.

Tiêu biểu phải nói tới ba vở diễn đã xuất sắc giành Huy chương vàng Liên hoan là: "Mưa đỏ" (Nhà hát Kịch nói Quân đội); "Vương quyền-Vụ án Tống Thị Quyên" (Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long, Hội Sân khấu Hà Nội); "Trung trinh liệt nữ" (Nhà hát Chèo Hà Nội). Nếu "Mưa đỏ" (kịch bản văn học: Nhà văn Chu Lai, đạo diễn: NSND Lê Hùng) là bản hùng ca bi tráng và giàu tính nhân văn tái hiện trang sử về cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tô đậm thêm những cống hiến, hy sinh oanh liệt của một thế hệ ra trận bảo vệ Tổ quốc; thì "Trung trinh liệt nữ" (kịch bản: Trần Hồng Vân, chuyển thể chèo: Mai Văn Sinh, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai) là sự khắc họa đầy xúc động về chân dung nàng An Tư - công chúa thời nhà Trần đã hy sinh quên mình cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Vở "Vương quyền-Vụ án Tống Thị Quyên" (kịch bản: Bích Ngân, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Ðạt) cũng đã chinh phục khán giả khi đưa ra những lý giải thấu đáo liên quan vụ án Tống Thị Quyên cùng một số nhân vật nắm giữ vận mệnh triều Nguyễn thời vua Minh Mạng. Ðiều đặc biệt là cả ba vở diễn đều thể hiện sự dụng công trong dàn dựng, mang đến nhiều lớp diễn ấn tượng khiến người xem xúc động.

Theo Hội đồng giám khảo, những tác phẩm này đã đạt tới sự hoàn hảo tương đối ở tất cả các thành phần sáng tạo: Tác giả, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng; thật sự làm thăng hoa về nhận thức thẩm mỹ đối với khán giả, khiến người xem phải trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm, ngẫm ngợi để tự điều chỉnh mình làm sao sống tốt hơn, có ích hơn. Thật đáng mừng khi trong bối cảnh sân khấu thiếu vắng kịch bản hay, vẫn tìm thấy ở Liên hoan những kịch bản hấp dẫn của các tác giả đã thành danh. Cùng với đó, sự xuất hiện của những gương mặt đạo diễn trẻ tiếp tục khẳng định sự trưởng thành vững vàng trong nghề nghiệp, sẵn sàng tiếp bước thế hệ đạo diễn lão làng. Trong Liên hoan, sự góp mặt của năm đơn vị sân khấu ngoài công lập (Sân khấu Lệ Ngọc-vở "Huyền tích Chùa Một Cột"; Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh-vở "Án tình"; Sân khấu Sen Việt-vở "Câu hát tìm nhau"; Sân khấu Cải lương mới Ðại Việt-vở "Ðêm trước ngày hoàng đạo"; Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội-vở "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên") với những vở diễn chất lượng cũng là tín hiệu vui cho thấy sự năng động của những người làm sân khấu xã hội hóa trong guồng quay cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, Liên hoan vẫn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Chia sẻ về điều này, Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Ðăng Chương, Chủ tịch Hội đồng giám khảo thẳng thắn nhận định: Có đơn vị thiếu đầu tư về kinh phí, thời gian cho nên mang tới Liên hoan vở diễn còn sơ sài, đơn giản; có kịch bản bộc lộ sự yếu kém trong xác định vấn đề, cấu trúc, tổ chức mâu thuẫn xung đột, dùng nhân vật lịch sử làm cái cớ và dựa vào đó để hư cấu... Trong nghệ thuật đạo diễn, xuất hiện khuynh hướng vận dụng phương pháp sáng tạo của sân khấu lễ hội vào vở diễn, làm phá vỡ không gian của sân khấu hộp, làm mờ đi những đặc trưng cơ bản của kịch hát dân tộc. Có đạo diễn quá lạm dụng hát để khoe giọng diễn viên trong nhiều lớp hồi tưởng khiến vở diễn trì trệ, dàn trải. Một số mảng miếng được sử dụng nhiều lần trong một vở khiến dấu ấn trong sáng tạo trở nên nhàm chán. Mặt bằng trong sáng tác âm nhạc của các tác phẩm tham dự Liên hoan chưa tạo được dấu ấn, nói cách khác là chưa tạo được sự rung động trong cảm nhận của người xem. "Có những nhân vật nhiều đất diễn nhưng nghệ sĩ không đủ khả năng khai thác, biểu đạt tâm lý, tình cảm và tính cách nhân vật. Một số nghệ sĩ hát hay, đúng kỹ thuật nhưng không diễn được trong hát. Ðây là hạn chế đáng tiếc của diễn viên kịch hát. Có nghệ sĩ còn thiếu kinh nghiệm trong tương tác với bạn diễn, tạo ra khoảng trống về tiết tấu và hành động tâm lý của diễn viên diễn cùng", Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết.

Một điểm nhấn dễ nhận diện của Liên hoan năm nay là sự lên ngôi của đề tài lịch sử. Trong tổng số 13 vở diễn, có tới 7 vở khai thác đề tài lịch sử, dã sử, huyền sử. Ðiều này một mặt khẳng định lịch sử vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của nghệ sĩ, vẫn luôn mang đến những bài học vô giá cho người đương thời; nhưng mặt khác cũng bộc lộ khoảng trống đáng suy ngẫm của sân khấu hôm nay về đề tài đương đại. Thêm nữa, một Liên hoan Sân khấu Thủ đô nhưng lại thiếu vắng những kịch bản phản ánh chân thực, sinh động về Hà Nội. Những điều này thêm lần nữa cho thấy thực trạng khủng hoảng thiếu kịch bản viết về con người, cuộc sống hôm nay, nhất là về Hà Nội. Từ đây, càng thấy sự cần thiết, tầm quan trọng của việc tổ chức những trại sáng tác sân khấu đúng định hướng để phát triển đội ngũ sáng tác, tìm kiếm những kịch bản chất lượng đáp ứng được mong mỏi, nhu cầu của công chúng hiện đại ■