Liban chìm sâu vào khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội ở Liban trở nên tồi tệ hơn khi các ngân hàng tại nước này mới đây phải tuyên bố đóng cửa vài ngày sau khi những người gửi tiền xông vào một số chi nhánh bắt giữ nhân viên làm con tin và yêu cầu được rút tiền tiết kiệm của họ. Hàng nghìn người Liban xuống đường biểu tình phản đối tình trạng mất điện và quyết định bãi bỏ vĩnh viễn chính sách trợ cấp nhiên liệu.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng an ninh được triển khai bên ngoài các ngân hàng ở Liban. (Ảnh The times of Israel)
Lực lượng an ninh được triển khai bên ngoài các ngân hàng ở Liban. (Ảnh The times of Israel)

Làn sóng tấn công ngân hàng tại Liban bắt đầu khi một người đàn ông với khẩu súng giả đột nhập vào chi nhánh của Ngân hàng Byblos ở thành phố Ghazieh, miền nam Liban và từ chối thả con tin cho đến khi người này rút được khoản tiền tiết kiệm 20.000 USD của mình đang bị mắc kẹt trong ngân hàng. Vài giờ sau, một người đàn ông khác, với sự hỗ trợ của một nhóm người, cũng xông vào một ngân hàng ở Beirut với những hành động và yêu cầu tương tự. Những vụ việc như vậy được thực hiện bởi những người gửi tiền trên khắp đất nước Liban. Họ liều mình hành động với nỗ lực tuyệt vọng nhằm lấy lại số tiền tiết kiệm bị mắc kẹt tại các ngân hàng thương mại, trong bối cảnh các ngân hàng ở nước này đã áp đặt hạn mức rút tiền.

Hiệp hội Ngân hàng Liban (ABL), tổ chức đại diện cho phần lớn các ngân hàng ở Liban đã lên án các vụ tấn công ngân hàng, đồng thời kêu gọi chính phủ thông qua luật để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay càng sớm càng tốt. Một đại diện của ABL cho biết, tổ chức này cùng với các ngân hàng đang đàm phán với Bộ Nội vụ Liban nhằm thuyết phục chính phủ thực hiện các biện pháp bảo vệ nhân viên ngân hàng.

Trong khi đó, những người biểu tình đã chặn các con đường ở thủ đô Beirut và thành phố Tripoli để phản đối tình trạng mất điện và quyết định của Ngân hàng trung ương Liban (LCB) bãi bỏ vĩnh viễn chính sách trợ cấp nhiên liệu. Các cuộc biểu tình diễn ra khi nhiều người cho biết họ đang trải qua cuộc sống tồi tệ vì không có điện, nước sinh hoạt và thuốc men, trong khi họ cũng không có đủ tiền để chi trả cho các dịch vụ y tế.

LCB đã quyết định bãi bỏ mức trợ giá 20% đối với nhiên liệu và ngừng cung cấp đồng USD cho hoạt động nhập khẩu xăng dầu do khan hiếm ngoại tệ, khiến các nhà nhập khẩu phải mua đồng USD trên thị trường chợ đen để nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài và xăng sẽ được bán theo tỷ giá đồng USD trên thị trường chợ đen. Tỷ giá đồng USD trên thị trường chợ đen được giao dịch ở mức 1 USD đổi 36.000 bảng Liban, trong khi tỷ giá chính thức của LCB chỉ ở mức 7.000 bảng đổi 1 USD.

Liban đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và chưa thể thành lập được chính phủ mới sau cuộc bầu cử quốc hội. Nước này ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức ba con số trong tháng thứ 25 liên tiếp. Lạm phát tại Liban trong tháng 7/2022 ở mức 168% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 7,4% so tháng 6/2022. Trong khi đó, Chính phủ lâm thời ở Liban tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy nhanh các nỗ lực nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria, vốn làm tăng thêm gánh nặng cho quốc gia này. Chính phủ Liban cho rằng, việc phớt lờ vấn đề người tị nạn Syria có thể làm gia tăng sự giận dữ trong dân chúng, dẫn đến bất ổn xã hội tại Liban.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Liban Michel Aoun (M.A-un) kết thúc ngày 1/10 và thời hạn theo Hiến pháp để bầu người thay thế ông Aoun bắt đầu ngày 1/9. Tuy nhiên, khi người kế nhiệm vẫn chưa được xác định, những lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng ghế tổng thống của Liban có thể bị bỏ trống. Các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ bị đình chỉ do những căng thẳng giữa các phe phái. Thành lập chính phủ là một nhu cầu cấp thiết để xử lý tất cả các vấn đề ở Liban hiện nay. Tuy nhiên, việc các chính trị gia tại Liban không đạt được đồng thuận về việc thành lập chính phủ mới sẽ khiến cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn và có thể làm trì hoãn chương trình cứu trợ trị giá 3 tỷ USD mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho quốc gia Trung Đông.