LHQ: Thế giới không đạt được mục tiêu bảo tồn thiên nhiên trong thập kỷ qua

NDO -

Báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, nhân loại đang ở “ngã ba đường” sau một thập kỷ, tất cả các Mục tiêu Đa dạng sinh học Aichi năm 2010 để bảo tồn thiên nhiên và cứu đa dạng sinh học quan trọng của Trái đất đều bị bỏ lỡ.

Ở rạn san hô Great Barrier, san hô đã bị tẩy trắng trên diện rộng nhất được ghi nhận. Ảnh: Đại học James Cook / Getty Images.
Ở rạn san hô Great Barrier, san hô đã bị tẩy trắng trên diện rộng nhất được ghi nhận. Ảnh: Đại học James Cook / Getty Images.

Con người đang tiêu diệt các sinh vật một cách có hệ thống

Năm 2010, 190 quốc gia thành viên của Công ước về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc đã cam kết tại Aichi, Nhật Bản nhằm thực hiện một kế hoạch để hạn chế thiệt hại gây ra cho thế giới tự nhiên vào năm 2020.

Trong đó, 20 mục tiêu đã được đặt ra, từ loại bỏ dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và hạn chế mất môi trường sống. đến bảo vệ nguồn cá.

Nhưng trong báo cáo Triển vọng Đa dạng Sinh học toàn cầu (GBO) mới nhất, được công bố hôm 15-9, LHQ cho biết không có mục tiêu nào trong đó được thực hiện.

Tiến sĩ, nhà sinh thái học người Pháp Anne Larigauderie, thư ký điều hành IPBES, nói với AFP: “Chúng ta hiện đang tiêu diệt tất cả những sinh vật một cách có hệ thống”.

Báo cáo được xuất bản trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về vấn đề đa dạng sinh học vào cuối tháng này cho thấy, mặc dù tiến bộ trong một số lĩnh vực, môi trường sống tự nhiên vẫn tiếp tục biến mất, một số lượng lớn các loài vẫn bị đe dọa tuyệt chủng từ hoạt động của con người, và các khoản trợ cấp của chính phủ một số nước trị giá 500 tỷ USD hỗ trợ các hoạt động gây hại cho môi trường vẫn chưa bị loại bỏ.

20 mục tiêu đa dạng sinh học ở Aichi được chia thành 60 yếu tố riêng biệt để theo dõi tiến độ tổng thể. Trong số đó, bảy yếu tố đạt được, 38 yếu tố có tiến bộ và 13 yếu tố không tiến bộ. Tiến độ của hai yếu tố vẫn chưa được biết.

Mục tiêu hàng đầu để giảm một nửa sự mất mát môi trường sống tự nhiên, trong đó có rừng, vẫn chưa đạt được. Trong khi tỷ lệ mất rừng toàn cầu đã giảm khoảng 1/3 trong 5 năm qua so với trước năm 2010, sự suy thoái và phân mảnh của các hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học ở vùng nhiệt đới vẫn ở mức cao. Các khu vực hoang dã và đất ngập nước tiếp tục biến mất và các hệ sinh thái nước ngọt vẫn bị đe dọa nghiêm trọng.

Mặc dù có nhiều tiến bộ ở một số vùng, tỷ lệ các nguồn khai thác biển bị đánh bắt quá mức đã tăng lên 1/3 trong thập kỷ qua, và nhiều loài đang bị đe dọa do mức độ đánh bắt không bền vững. Do đó, mục tiêu quản lý và khai thác bền vững tất cả các đàn cá và động vật không xương sống đã không đạt được.

Theo báo cáo, cam kết ngăn chặn chất thải nhựa và chất dinh dưỡng dư thừa không làm tổn hại đến chức năng hệ sinh thái và đa dạng sinh học trên khắp thế giới đã không thực hiện được. Khoảng 260.000 tấn hạt nhựa đã tích tụ trong các đại dương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, những tác động của nó chưa lường trước được. Ô nhiễm điện tử cũng được nhấn mạnh là một vấn đề ngày càng được quan tâm, thúc đẩy bởi tỷ lệ tiêu thụ cao.

Hơn 60% rạn san hô trên thế giới đang bị đe dọa, đặc biệt là do các hoạt động đánh bắt quá mức và phá hoại, mục tiêu giảm thiểu các mối đe dọa năm 2015 đã bị bỏ qua. Một lần nữa mục tiêu này tiếp tục bị bỏ lỡ vào năm 2020, với cuộc khủng hoảng khí hậu, axit hóa đại dương… được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạn kiệt của chúng.

Loài người nguy hiểm nhất

LHQ: Thế giới không đạt được mục tiêu bảo tồn thiên nhiên trong thập kỷ qua -0
Một con thú ăn kiến chết nằm trên đường gần rừng rậm Amazon, bang Rondonia, Brazil, tháng 8-2020. Ảnh: Reuters. 

Đại dịch Covid-19 đã làm tiêu tan kế hoạch tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học lớn trong năm nay, với các cuộc đàm phán COP15 và Đại hội toàn cầu của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế. Hai sự kiện này đều nhằm mục đích thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên quốc tế đều bị hoãn tới năm 2021.

Nữ Tiến sĩ Larigauderie cho rằng cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu là một lời cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo thế giới.

Bà nói: "Cuộc khủng hoảng này có liên quan đến những vấn đề chúng tôi muốn thảo luận tại COP15" ở Trung Quốc.

Bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành của Công ước về Đa dạng sinh học nói với AFP rằng, xã hội đang thức tỉnh về tầm quan trọng của thiên nhiên.

Bà nói: “Tình hình Covid-19 đã chứng minh rất rõ ràng rằng nạn phá rừng, sự xâm lấn của con người vào tự nhiên… có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta”.

"Công chúng đã nhận ra loài nguy hiểm nhất chính là chúng ta, con người, và bản thân họ cần phải đóng một vai trò và tạo áp lực để thay đổi", bà nhấn mạnh.

Đánh giá của LHQ đã đưa ra lộ trình để đảo ngược tình trạng mất tự nhiên trong suốt thập kỷ đến năm 2030, bao gồm những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống canh tác, giảm lãng phí thực phẩm và tiêu thụ quá mức.

Một yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn là các quần thể bản địa kiểm soát khoảng 80% đa dạng sinh học trên toàn thế giới.

Ông Andy White, điều phối viên của Sáng kiến ​​Quyền và Tài nguyên, một liên minh toàn cầu gồm hơn 150 nhóm thúc đẩy trao quyền cho người bản địa, nói với AFP rằng cần phải tập trung vào các cộng đồng này.

Ông White cho biết, cộng đồng người bản địa nên được đặt ở trung tâm của các sáng kiến ​​bảo tồn bằng cách thúc đẩy quyền đất đai bản địa. "Đây là giải pháp đã được chứng minh để bảo vệ các hệ sinh thái là quan trọng đối với sức khỏe của hành tinh và các dân tộc".

Hành tinh đang báo động khẩn cấp

Báo cáo Triển vọng Đa dạng Sinh học toàn cầu (GBO) nêu ra một số tiến bộ đã đạt được trong việc bảo vệ thiên nhiên trong thập kỷ qua. Thí dụ, tỷ lệ phá rừng đã giảm khoảng 1/3 so với thập kỷ trước.

Khoảng thời gian 20 năm, kể từ năm 2000 đã chứng kiến ​​các khu bảo tồn tăng từ 10% lên 15% trên đất liền, và từ 3% lên ít nhất 7% dưới đại dương.

Nhưng trong số những mối nguy hiểm đối với thiên nhiên được nêu chi tiết trong báo cáo là chính phủ nhiều nước tiếp tục trợ giá cho hoạt động khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, mà các tác giả ước tính chiếm khoảng 500 tỷ USD hàng năm.

Tiến sĩ David Cooper, tác giả chính của báo cáo GBO cho biết: "Trợ giá có hại cho đa dạng sinh học và nhìn tổng thể, nó có hại cả mặt kinh tế và xã hội”.

Phản ứng trước đánh giá của LHQ, nhà nghiên cứu Andy Purvis từ Khoa Khoa học Đời sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Anh cho biết, thật "sốc" khi thế giới đã bỏ lỡ tất cả 20 mục tiêu bảo vệ thiên nhiên của mình.

Ông nói: “Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp của hành tinh. Không chỉ các loài sinh vật sẽ chết đi, mà cả hệ sinh thái cũng sẽ bị hủy hoại quá mức để đáp ứng nhu cầu của xã hội".