Cuốn sách gồm 27 bài viết của 27 tác giả. Với bút pháp chính luận, thông qua sự phê phán các quan điểm sai trái, các tác giả đã làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phản ánh có căn cứ khoa học về sự đúng đắn, sáng tạo trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới.
Cách tiếp cận của các tác giả thể hiện rõ ở những bài viết về sự phân biệt những ý kiến đóng góp trung thực, hết sức xây dựng của các vị lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức chân chính với những người cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật và chống lại đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, phủ nhận những thành quả mà nhân dân ta đã giành được trong công cuộc đổi mới. Chúng ta hoan nghênh những ý kiến đóng góp trung thực, xây dựng; đồng thời phê phán những bài viết bóp méo sự thật lịch sử, sự thật khách quan. Họ phủ nhận chủ nghĩa Mác Lê-nin; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta; phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và vấn đề nhân quyền ở Việt Nam; phủ nhận chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Những thành tựu rất to lớn, quan trọng mà nhân dân ta đã giành được trong công cuộc đổi mới đã chứng minh hùng hồn về đường lối, chính sách đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước, sự thực hiện sáng tạo, có hiệu quả của nhân dân ta qua các thời kỳ cách mạng, trong đó có gần 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ 19, được V.I.Lê-nin vận dụng sáng tạo, trở thành chủ nghĩa Mác Lê-nin vào những năm 20 của thế kỷ 20. Với tư cách là học thuyết cách mạng, chủ nghĩa Mác Lê-nin đối lập lại chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa cơ hội và là kẻ thù không khoan nhượng với mọi biểu hiện của giáo điều, xơ cứng. Các tư tưởng của chủ nghĩa Mác Lê-nin hình thành và phát triển trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản, khi mà các giai cấp thống trị và bóc lột nắm độc quyền các phương tiện giáo dục và khoa học. Trong điều kiện hiện nay, ở các nước xã hội chủ nghĩa, việc tiếp tục phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê-nin là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sức mạnh của chủ nghĩa Mác Lê-nin ở chỗ nó không ngừng phát triển sáng tạo. Luận điểm của chủ nghĩa Mác Lê-nin mang tính phổ biến, nhưng lại không thể áp dụng một cách máy móc; việc vận dụng đó, đòi hỏi phải tính đến đặc điểm lịch sử, dân tộc và các đặc điểm khác, phải phân tích sâu sắc hoàn cảnh cụ thể của dân tộc mình để định ra đường lối đúng đắn, sáng tạo. Chủ nghĩa Mác Lê-nin chỉ rõ sự nhận thức thế giới và các quy luật của thế giới một cách sâu sắc, là tiền đề cho việc nghiên cứu khoa học có hiệu quả, là cội nguồn tràn đầy sức sống cho sự sáng tạo nghệ thuật và các sáng tạo khác. Là thế giới quan khoa học, chủ nghĩa Mác Lê-nin đem lại cho con người phương hướng nhận thức và hành động đúng đắn, xác định được vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mỗi người, đặt niềm tin về mặt tư tưởng và tính nhân văn trong cuộc sống.
Nguyễn Ái Quốc, người Việt Nam đầu tiên tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác Lê-nin và cũng là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác Lê-nin vào Việt Nam. Kết hợp với thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, Người đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê-nin để định ra đường lối đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Đường lối đó đã trở thành những nguyên lý cơ bản của cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân tộc gắn với giai cấp; Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân mà tiến hành và do nhân dân quyết định. Trong nhân dân, công-nông là gốc cách mạng. Cách mạng muốn thắng lợi triệt để phải do giai cấp công nhân và đội tiền phong của giai cấp lãnh đạo; Cách mạng Việt Nam phải có mối liên hệ với cách mạng thế giới, có mối liên hệ quốc tế.
Trải qua những thời kỳ cách mạng sôi nổi, oanh liệt, những vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặt ra đã giành được thắng lợi, trở thành tư tưởng Hồ Chí Minh. "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" được thông qua tại Đại hội VII và Văn kiện Đại hội VII của Đảng (năm 1991) khẳng định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản"(1). Đây là bước phát triển quan trọng về tư duy lý luận của Đảng.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một số bài viết đã phân tích sâu sắc đường lối đổi mới toàn diện được bắt đầu từ Đại hội VI (1986). Nhìn lại toàn bộ đường lối của Đảng từ ngày thành lập đến nay, thấy rằng, rất đúng đắn và sáng tạo. Chính vì đúng đắn và sáng tạo, nên Đảng và nhân dân ta đã giành được thắng lợi rực rỡ trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, dẫn đến sự thống nhất Tổ quốc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ quá độ. Tuy nhiên, bên cạnh sự đúng đắn, sáng tạo, trong khi hoạch định đường lối và chỉ đạo thực tiễn, cũng có lúc Đảng mắc sai lầm. Khi phát hiện sai lầm, Đảng kiên quyết sửa chữa và điều chỉnh đường lối. Thái độ của Đảng trong việc đánh giá tình hình là "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật".
Đường lối đổi mới toàn diện của Đảng được thể hiện trên các mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Từ nền kinh tế tập trung, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã tạo bước ngoặt trong việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế của Đảng. Việc xây dựng Nhà nước chuyên chính vô sản ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thể hiện bằng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đường lối đối ngoại cũng có những sáng tạo lớn, đã phá được thế bao vây, cấm vận, mở cửa thông thoáng ra bên ngoài, quan hệ nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước và vùng lãnh thổ, các trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực theo các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Thực chất đổi mới của Việt Nam trong gần 20 năm qua đã bác bỏ những luận điệu vu cáo, xuyên tạc cùng những âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, phủ nhận hoặc hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình đổi mới, phải luôn luôn kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng và làm tốt công tác xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn Đảng, xác định lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng làm nhiệm vụ then chốt.
Phân tích về khối đại đoàn kết toàn dân, nhiều bài viết coi đó là sức mạnh, động lực chủ yếu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề này đã được lý luận cách mạng Việt Nam soi sáng và đã được thực tiễn qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khẳng định. Rõ ràng, nhờ có đoàn kết gắn bó keo sơn mà 54 dân tộc anh em trong cộng đồng Việt Nam đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách, chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn vào lịch sử Việt Nam từ trước tới nay chưa bao giờ có sự chia rẽ toàn dân tộc, nhất là khi dân tộc đứng trước nạn giặc ngoại xâm. Khi đất nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ quá độ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được nâng lên, phù hợp với tình hình mới. Bài học "không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế", "kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại" đã được thể hiện trong đường lối của Đảng và được chứng minh bằng hành động của nhân dân.
Về vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, một vài người cho rằng, kinh tế thị trường không thể ăn nhập với định hướng xã hội chủ nghĩa, nên phải bỏ mệnh đề "định hướng xã hội chủ nghĩa" trong phát triển kinh tế thị trường. Đây là sự bóp méo đường lối kinh tế sáng tạo của Đảng. Trong hoàn cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề đặt ra là một mặt, phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt khác, phải mở rộng việc hội nhập. Đó là hai mặt của một vấn đề trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xét về mặt lý luận và thực tiễn, kinh tế thị trường không đồng nhất, không phải là của riêng chủ nghĩa tư bản. Mặc dù sự phát triển của kinh tế thị trường gắn bó với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhưng nó không đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản. Kinh tế thị trường ra đời trước chủ nghĩa tư bản. Nó tồn tại và phát triển khi sản xuất và trao đổi hàng hóa phát triển một cách phổ cập trên những nguyên tắc của thị trường, tức là quan hệ hàng hóa - tiền tệ, giá cả hình thành trên thị trường và được quyết định bởi quan hệ cung - cầu. Kinh tế của chủ nghĩa xã hội cũng có các yếu tố đó. Chính vì vậy, kinh tế thị trường tồn tại, phát triển cả trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Nó không chỉ dung thuận với chủ nghĩa tư bản mà cũng dung thuận với chủ nghĩa xã hội, nó được thể hiện như là một phương thức phát triển kinh tế dựa trên những nguyên tắc của thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Nó không quyết định bản chất và định hướng phát triển của một chế độ chính trị - xã hội. Bản chất của một chế độ chính trị - xã hội quyết định bản chất của nền kinh tế thị trường.
Mục tiêu, nội dung, tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là quá trình thực hiện "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Đảng và Nhà nước chủ trương "giảm nghèo" và "tăng giàu" một cách chính đáng, hợp pháp. Người giàu trước tạo điều kiện giúp đỡ những người khác cũng giàu lên. Dân giàu, nước mạnh là kế sách muôn đời trong quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam.
Nhiều bài viết trong cuốn sách đề cập đến vấn đề dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ trong điều kiện một đảng cầm quyền; vấn đề nhân quyền và tự do báo chí ở Việt Nam. Phải khẳng định rằng, bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa là dân chủ. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn liền với cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội. Nó được thiết lập bằng quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn xã hội thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, việc các đảng cộng sản cầm quyền, trong quá trình lãnh đạo, thông qua Nhà nước, thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Một nền dân chủ được xem là đích thực, tiến bộ, phải là nền dân chủ của nhân dân lao động, lực lượng duy nhất sáng tạo ra lịch sử và quyết định lịch sử.
Tại Việt Nam, đã từ lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Nước ta là nước dân chủ" với nội dung:
"Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"(2).
Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã mang lại dân chủ thật sự cho nhân dân. Cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước ngày 6-1-1946 là "ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình"(3). Cách mạng xã hội chủ nghĩa đã mở rộng nền dân chủ ra cả nước. Việc Đảng và Nhà nước ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức thực hiện Quy chế đó là một trong những dấu ấn quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hiện nay, người dân Việt Nam có một niềm tin sâu sắc vào các giá trị dân chủ của nước mình. Tất nhiên, chúng ta còn nhiều việc phải làm để tiếp tục mở rộng nền dân chủ nước nhà trong quá trình đổi mới, bảo đảm cho nhân dân thật sự làm chủ đất nước, làm chủ chính bản thân mình.
Các bài viết về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nêu bật một thực tế là nhân quyền luôn luôn gắn liền với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, gắn với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nước ta đã có những yếu tố đó, cho nên chúng ta khẳng định, Việt Nam là nước đã có đầy đủ những yếu tố nhân quyền. Quyền cá nhân của con người Việt Nam được tôn trọng. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói, giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Điều đó thể hiện một chế độ chính trị dân chủ thật sự ở Việt Nam hiện nay. Những người nước ngoài có lương tri và thiện chí đến Việt Nam đều thừa nhận Nhà nước Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để thực hiện và phát triển quyền con người. Vì vậy, cái gọi là "Bản Phúc trình hằng năm về tình hình nhân quyền" do HRW công bố, cho rằng, "Việt Nam đã có bước thụt lùi về nhân quyền" là một sự vu khống, bịa đặt trắng trợn, cần phải phê phán.
Về vấn đề báo chí ở Việt Nam, một số bài viết với những lý lẽ sắc sảo, đã khẳng định, Việt Nam đã và đang có những tiến bộ vượt bậc về tự do báo chí, đúng như Hiến pháp Việt Nam ghi rõ: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin,...". Nền báo chí Việt Nam đã và đang phát triển rực rỡ chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Gần 12.000 nhà báo, 600 cơ quan báo chí làm việc tại hơn 550 tòa soạn báo, tạp chí, bao gồm báo viết, báo hình, báo nói, hơn 50 báo điện tử với hơn 2.500 trang WEB thông tin đang hoạt động đã nói lên sự phát triển phong phú của báo chí Việt Nam. Điều quan trọng là báo chí Việt Nam không chỉ là cơ quan ngôn luận của các tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội mà còn là diễn đàn của nhân dân. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, qua tìm hiểu thực tế đã có nhận xét: Báo chí Việt Nam thật sự cởi mở, tự do. Những luận điệu rêu rao: "Ở Việt Nam không có tự do báo chí" là hoàn toàn vô căn cứ và xuyên tạc sự thật. Việt Nam dứt khoát không chấp nhận lối "tự do báo chí" vu cáo chính trị, xuyên tạc sự thật, vi phạm pháp luật, an ninh quốc gia, can thiệp một cách thô bạo vào đời tư người khác; kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quan điểm về tự do báo chí đã được một số tác giả nêu trong cuốn sách là rõ ràng: phải dựa trên nền tảng của một chế độ chính trị - xã hội ổn định; phải thật sự dân chủ trong khuôn khổ của pháp luật; phải góp phần vào sự phát triển của xã hội; nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Mọi thứ "tự do" vượt ra ngoài những tiêu chí đó đều là giả dối và phản khoa học.
Về vấn đề tôn giáo, các bài viết đã phê phán những người lợi dụng tôn giáo để phá hoại độc lập, thống nhất của nước ta, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, lợi dụng tôn giáo, biến tôn giáo thành một đảng chính trị; nêu rõ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo. Nhà nước Việt Nam luôn luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mọi hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, không được lợi dụng tôn giáo để hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, đồng thời, cũng bảo đảm quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta có đầy đủ những yếu tố mà Công ước quốc tế yêu cầu. Sức mạnh của một quốc gia là khối đại đoàn kết toàn dân. Mọi người dân, dù sống trong nước hay nước ngoài, dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, đều có nghĩa vụ và quyền lợi xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khép lại cuốn sách, chúng ta cảm nhận được nhiều điều, đó là việc trình bày những vấn đề lý luận đã được gắn với thực tiễn. Mối liên hệ đó không thể tách rời và tác động lẫn nhau, bổ sung cho nhau. Lý luận sẽ trở thành vật chất khi nó thâm nhập quần chúng, như C.Mác nói. Thông qua lý luận để phản ánh thực tiễn. Đó là phương pháp luận trong "Lẽ phải của chúng ta".
PGS, TS ĐỨC VƯỢNG
-------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, NXB Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.21.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.698.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.145.