Lễ cúng trỉa lúa của người Brâu

Brâu là một trong năm dân tộc rất ít người đang sinh sống tại làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Xuất phát từ yếu tố mùa vụ và tín ngưỡng đa thần, cộng đồng người Brâu ở đây đã hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo. Nổi bật như Lễ cúng trỉa lúa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, phản ánh những ước mong, hy vọng mộc mạc của người Brâu về một vụ mùa bội thu đến với dân làng.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy cúng và già làng tiến hành nghi thức cúng.
Thầy cúng và già làng tiến hành nghi thức cúng.

Lễ cúng trỉa lúa là lễ hội đầu tiên trong năm của người Brâu bắt đầu vào tháng 4 (nếu mưa sớm), còn năm nào mưa muộn thì phải chờ đến tháng 5, sau mùa đốt rẫy khoảng 1-2 tháng. Đây là phần lễ khởi đầu cho một vụ mùa, nên việc tổ chức lễ và cúng tế phải thể hiện được sự linh thiêng của nó. Sau phần lễ là phần hội diễn ra trong không khí náo nhiệt với sự tham gia của cộng đồng người Brâu. Đối với đàn ông thì mặc khố, đàn bà mặc Ktu cùng nhau thực hiện các điệu múa truyền thống trong nhịp trống, tiếng chiêng, tiếng Tha, tiếng đàn Đing Put. Tất cả hòa quyện, tạo nên một lễ hội mang tính rất riêng của người Brâu.

Lễ cúng trỉa lúa của người Brâu ảnh 1

Dân làng thưởng thức rượu thiêng để mong thần linh chứng giám, phù hộ gia đình mình.

Lễ hội đã tạo sự gắn kết, biểu dương sức mạnh cộng đồng, thể hiện mối quan hệ giao tiếp, ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng và giữa cộng đồng với thần linh cùng các hiện tượng tự nhiên. Lễ hội cũng là dịp để cả cộng đồng làng đoàn kết, giữa các thế hệ, ai nấy cùng nhau làm những việc để tổ chức lễ hội, cùng nhau hưởng thụ và vui chơi, là dịp biểu dương sức mạnh tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lễ cúng trỉa lúa của người Brâu ảnh 2

Làm thủ tục cúng chiêng Tha. Người Brâu quan niệm chiêng Tha không chỉ là nhạc khí mà còn là thần linh, là tổ tiên của họ.