Lễ bỏ mả của người Ra Glai

Lễ bỏ mả là lễ thức rất quan trọng của đồng bào Ra Glai, được tổ chức khoảng tháng ba và tháng tư hằng năm. Lễ bỏ mả của đồng bào Ra Glai xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014.

Người Ra Glai ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) chuẩn bị cho lễ bỏ mả.
Người Ra Glai ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) chuẩn bị cho lễ bỏ mả.

Theo quan niệm của đồng bào Ra Glai, có hai thế giới cùng tồn tại: thế giới của người sống và thế giới của người chết. Người chết, tuy đã được chôn cất, vẫn có mối quan hệ với người đang sống. Cho nên, phải làm lễ bỏ mả để chính thức chấm dứt mối quan hệ này, để người chết được về với thế giới thần linh.

Lễ bỏ mả được tiến hành trong ba ngày, với nhiều nghi lễ khác nhau.

Ngày thứ nhất là lễ bầu chủ nhang, chọn ra ba người điều hành toàn bộ các nghi thức trong lễ bỏ mả. Chủ nhang cầm “vật thiêng dẫn hồn” đưa người nhà ra mộ, làm lễ “dặn hồn mả”, chính thức thông báo với người chết về hoạt động lễ bỏ mả. Buổi chiều, tổ chức cúng Kagor, xin ông bà cho linh hồn người chết được về với ông bà. Kagor là một con thuyền gỗ có nhiều vật trang trí, đặt trên nóc nhà mồ trong lễ bỏ mả, tượng trưng cho nơi trú ngụ của ông bà ở thế giới bên kia.

Ngày thứ hai là ngày lễ chính. Mở đầu là lễ đập heo, đập gà, diễn ra tại sân nhà có người chết. Chủ nhang ngồi vào nhà mồ để bày lễ vật ra cúng “mời hồn mả về nhà ăn cơm”, mời người chết cùng gia đình, xóm giềng, bạn bè ăn bữa cơm theo lễ “dứt đứt”.

Ngày thứ ba sau nghi lễ “cúng cơm sáng” là “lễ dứt đứt”, với các nghi lễ “chia của”, “tiễn Kagor” và “dứt đứt”. Của cải được chia theo cách tượng trưng. Kagor được rước từ nhà người chết đến nhà mồ. “Lễ dứt đứt” được tiến hành tại nhà mồ. Kagor được gắn lên đỉnh nhà mồ và chủ lễ cúng rước linh hồn người chết về phù hộ cho gia đình. Kết thúc nghi lễ, “vật thiêng giữ hồn người chết” được đưa vào nhà mồ, chấm dứt mối quan hệ giữa người chết và người sống.

Những ngày diễn ra lễ bỏ mả cũng là khoảng thời gian người thân của người chết sum họp cùng nhau. Kết thúc Lễ bỏ mả, mọi người trở về nhà cùng nhau ăn uống, ca hát, nhảy múa…

Bên cạnh đó, tại lễ bỏ mả đã diễn ra nhiều hình thức nghệ thuật dân gian như chạm khắc Kagor, trụ nhà mồ; trình diễn âm nhạc..., góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa đồng bào dân tộc Ra Glai.