Lấy khoa học-công nghệ thúc đẩy đổi mới tăng trưởng

Tuy được xem là vùng có nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cao hơn so với nhiều vùng kinh tế khác của cả nước, nhưng vai trò của sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đời sống xã hội của vùng Ðông Nam Bộ còn hạn chế, chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC) tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC) tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Ðây là một trong những nguyên nhân cơ bản tác động đến sự phát triển, cũng như vai trò mang tính lan tỏa, động lực của vùng Ðông Nam Bộ. Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững với tốc độ cao thì cần phải đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ.

Tiên phong trong đổi mới sáng tạo

Ðến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trong vùng Ðông Nam Bộ đều thành lập trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Chỉ tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của vùng Ðông Nam Bộ, hiện có 36 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; 13 không gian làm việc chung; hơn 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo; khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố cũng đã và đang thực hiện đề án "Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025", và là địa phương đi đầu trong cả nước có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tốt. Năm 2020, thành phố đứng thứ 19/100 trong bảng xếp hạng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, tỉnh Bình Dương đẩy mạnh, triển khai đổi mới sáng tạo với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài Singapore, Hà Lan. Từ kết quả hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và triển khai thành phố thông minh, Bình Dương thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu trong khoa học-công nghệ đến đầu tư. Các địa phương Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước cũng có các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sôi động, ngày càng đi vào thực chất. Sự tiên phong về đổi mới sáng tạo của vùng Ðông Nam Bộ đã góp phần quan trọng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam. Theo đó, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, và xếp thứ 3 ở Ðông Nam Á. Cùng với đó, vùng Ðông Nam Bộ cũng triển khai mạnh chiến lược số hóa hoạt động kinh tế-xã hội, triển khai nhanh ứng dụng các loại hình công nghệ 4.0 trong quản lý xã hội, kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các tỉnh trong vùng đều có chiến lược chuyển đổi số của địa phương với các chương trình hành động cụ thể.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu về phát triển khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ ở vùng Ðông Nam Bộ, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Thu, Giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với cộng sự Phạm Quang Văn, Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các địa phương vùng Ðông Nam Bộ chưa có chiến lược, quy hoạch hoặc kế hoạch chung trong hợp tác phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mỗi tỉnh, thành phố làm khoa học-công nghệ độc lập với mục tiêu và kế hoạch riêng dẫn tới phân tán nguồn lực vốn đã rất mỏng. Các địa phương trong vùng từ lâu đã có chủ trương thu hút các dự án FDI công nghệ cao, nhưng các biện pháp thu hút hiệu quả còn nhiều hạn chế cho nên sản phẩm do các doanh nghiệp FDI sản xuất vẫn chủ yếu là những sản phẩm công nghệ mang tính gia công lắp ráp, sử dụng lao động có tay nghề thấp. Nói chung, các tập đoàn FDI đang hoạt động tại vùng Ðông Nam Bộ chưa thật sự tham gia để góp phần biến khu vực này trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực và thế giới...

Để tạo ra các "kỳ lân" về công nghệ

Ðể vùng Ðông Nam Bộ mà hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm khoa học-công nghệ của cả nước và vùng Ðông Nam Á, các chuyên gia cho rằng, các địa phương trong vùng cần xây dựng cơ chế chung thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng. Các tỉnh, thành phố ban hành các cơ chế hỗ trợ giúp tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và kết nối cung cầu giữa bên mua và bên bán các sản phẩm khoa học-công nghệ đã được thương mại hóa. Ðẩy mạnh việc phát triển mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ khoa học-công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học-công nghệ. Ðầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ vùng Ðông Nam Bộ, kết nối liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ khu vực châu Á và thế giới. Song song đó, tăng cường hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ; phát triển các doanh nghiệp tiên phong trong mua bán công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, để khoa học-công nghệ thật sự là động lực đổi mới mô hình tăng trưởng, Giáo sư Võ Thanh Thu đề xuất: Các tỉnh trong vùng Ðông Nam Bộ cần đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học-công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Ðẩy mạnh hợp tác công tư, huy động vốn từ doanh nghiệp, người dân và xã hội để phát triển thị trường khoa học-công nghệ. Tập trung xây dựng và triển khai thí điểm ở vùng Ðông Nam Bộ chính sách tạo động lực thương mại hóa sản phẩm khoa học-công nghệ, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước, hợp tác công-tư và đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng chính sách chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học-công nghệ. Ðồng thời, nhân rộng các mô hình đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là các công nghệ 4.0 vào trong sản xuất, kinh doanh. Xây dựng chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu, thông tin để đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khoa học-công nghệ, khởi nghiệp một cách toàn diện và đồng bộ. Nâng cấp các vườn ươm công nghệ trong vùng, nâng cao chất lượng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ tạo ra các "kỳ lân" về công nghệ...