Lún 41mm/năm:
Theo Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng (KHCN&KTXD) Hà Nội - Sở Xây dựng Hà Nội, kết quả quan trắc lún bề mặt đất tại 10 trạm đo lún trong những năm qua đã phản ánh sự sụt lún tại tất cả 10 vị trí. Tại những trạm có lớp đất yếu, tốc độ lún bề mặt đất là tương đối lớn. Chẳng hạn, Thành Công là khu vực lún nhanh nhất với 41,42mm/năm, Ngô Sĩ Liên là 31,52mm/năm, Pháp Vân là 22,16 mm/năm...
Điều này hoàn toàn có thể thấy bằng mắt thường tại khu Thành Công, khu vực có nhiều tòa chung cư cao tầng bị lún nhất của Hà Nội. Trong đó, có những toà nhà bị lún gần hết tầng 1, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của cư dân trong khu vực.
Trong khi đó, những trạm không có lớp đất yếu có tốc độ lún bề mặt nhỏ hơn như Ngọc Hà là 1,80 mm/năm, Mai Dịch là 2,65 mm/năm, Đông Anh là 1,41 mm/năm. Những trạm có vị trí gắn sông Hồng có độ lún bề mặt đất nhỏ hơn vì mực nước ngầm được nước sông bù phụ một phần như Lương Yên là 18,83 mm/năm; Gia Lâm là 10,33 mm/năm.
Lún do khai thác nước quá mức
Ông Nguyễn Sinh Minh, Viện trưởng Viện KHCN&KTXD Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng lún bề mặt đất như: Do khai thác nước dưới đất, tăng tải trọng ngoài (do xây dựng công trình); do vận động tầng kiến tạo; tính chất từ biến của đất...
Tuy nhiên các phường phải quan trắc thực nghiệm mà Viện KHCN&KTXD Hà Nội đang tiến hành nghiên cứu đã khẳng định, sự thay đổi mực nước ngầm (tầng chứa nước qp) là một trong những nguyên nhân gây nên sụt lún bề mặt đất thành phố Hà Nội. Khi mực nước ngầm bị hạ thấp, trạng thái của đất đá (chứa nước và cách nước) bị thay đổi, áp lực thủy tĩnh giảm đi, đồng thời áp lực hữu hiệu của lớp đất tăng lên. Dưới tải trọng công trình và tải trọng của bản thân các lớp đất, hiện tượng sụt lún xảy ra khá mạnh.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Hà Nội là thành phố được cấp nước sạch hoàn toàn dựa vào xử lý và bơm hút nước ngầm ở dưới sâu trong lòng đất. Do quá trình đô thị hoá và nhu cầu dùng nước sạch ngày càng nhiều, đòi hỏi phải không ngừng tăng lưu lượng bơm hút nước ngầm.
Theo số liệu thu thập được, lượng nước ngầm khai thác trong năm 2006 khoảng 650.000 m3 - 700.000 m3/ngày đêm. Tầng khai thác nước chủ yếu là tầng chứa nước Pleistocen (qp1), có nguồn cung cấp chủ yếu là nước mưa và nước mặt. Tuy nhiên lượng cung cấp này thường nhỏ hơn so với lưu lượng khai thác nên mực nước ngắm hằng năm bị hạ thấp. Thêm vào đó, điều kiện địa chất thành phố Hà Nội rất phức tạp, nhiều nơi tồn tại những tầng đất yếu với chiều dày lớn. Điều này có thể gây ra các tai biến về môi trường địa chất như sụt lún nền đất, ô nhiễm nước ngầm...
Phải giảm khai thác nước ngầm
Theo ông Nguyễn Sinh Minh, kết quả quan trắc tại 10 trạm nói trên có độ chính xác cao. Tuy vậy, do những trạm đo lún hầu hết được đặt tại tâm phễu lún (trong các nhà máy nước) nên chỉ phản ánh được độ lún riêng lẻ tại nơi khai thác nước ngầm mà chưa thể hiện được khả năng ảnh hưởng của các phễu lún. "Với mạng lưới quan trắc lún chỉ có 10 trạm như hiện nay chưa đủ cơ sở để lập bản đồ hiện trạng lún của thành phố và dự báo độ lún của một khu vực cũng như toàn thành phố Hà Nội. Như vậy chương trình nghiên cứu lún bề mặt đất Hà Nội cần phải được phát triển thêm nhiều trạm đo lún tại tâm phễu cũng như miệng phễu lún" - ông Minh nói.
Theo ý kiến của các nhà khoa học, trước mắt, để hạn chế tốc độ lún, Hà Nội cần quy hoạch vị trí xây dựng các nhà máy khai thác nước nên ưu tiên vị trí ven sông vì khu vực đó có nguồn cung cấp, bổ trợ lớn cho tăng chứa nước khai thác. Đồng thời, phải giảm lưu lượng khai thác nước ngầm bằng việc khai thác, xử lý nguồn nước mặt từ sông Đà, sông Hồng... Ngoài ra, khi quy hoạch tổng thể hệ thống mạng lưới các trạm đo lún bề mặt đất Hà Nội do thay đổi mực nước ngầm được thực hiện hoàn chỉnh, hoàn toàn có thể kiểm soát được biến dạng lún bề mặt đất thành phố, phục vụ có hiệu quả cho công việc phát triển bền vững của Thủ đô.