Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ đã xác định mục tiêu bao trùm, tầm nhìn dài hạn với lộ trình rõ ràng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng ĐBDTTS.
Là địa bàn chiến lược, tỉnh vùng cao, biên giới, với hơn 66% số dân là ĐBDTTS, tỉnh Lào Cai đã có nhiều chủ trương, giải pháp, đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng đang đứng trước những thời cơ, thách thức. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí ĐẶNG XUÂN PHONG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai về chủ đề này.
Phóng viên: Thưa đồng chí, với đặc điểm, vị trí chiến lược của tỉnh Lào Cai, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng ĐBDTTS được tỉnh xác định và giải quyết thế nào?
Đồng chí Đặng Xuân Phong: Trong những năm qua, nhất là giai đoạn từ năm 2010 đến nay, cùng với quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai chú trọng ban hành, bổ sung nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án chuyên đề về công tác dân tộc; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng ĐBDTTS, miền núi cao. Theo đó, lĩnh vực công tác này được chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, ngày càng hiệu quả.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Lào Cai đề ra chủ trương hoàn thiện và thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trong vùng ĐBDTTS. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành bốn chương trình công tác trọng tâm, 19 đề án, trong đó Đề án số 09 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và 11 đề án liên quan đến vùng ĐBDTTS. Bên cạnh các chương trình, chính sách được Trung ương đầu tư, hỗ trợ, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, đầu tư, hỗ trợ cho vùng ĐBDTTS như: Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 11/11/2014 về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020; các chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất vùng ĐBDTTS, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở các huyện nghèo Chương trình 30a; chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, một số đối tượng chính sách; quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo; thực hiện chế độ đối với phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học các cấp học ở vùng ĐBDTTS,...
Tỉnh Lào Cai cũng chú trọng xây dựng lực lượng và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng vùng ĐBDTTS nhằm phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội, cải tạo tập tục lạc hậu.
Phóng viên: Đồng chí có thể phác họa diện mạo bức tranh kinh tế - xã hội ở vùng cao, ĐBDTTS hiện nay của tỉnh?
Đồng chí Đặng Xuân Phong: Thực tế cho thấy cơ cấu kinh tế trong vùng ĐBDTTS ở tỉnh đã và đang có sự chuyển dịch tích cực; trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã hình thành các vùng sản xuất theo hướng tập trung, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho đồng bào.
Đến năm 2020, giá trị sản phẩm/héc-ta đất canh tác và nuôi trồng thủy sản đạt 80 triệu đồng. Hạ tầng kinh tế - xã hội vùng cao, vùng ĐBDTTS tiếp tục được đầu tư nâng cấp; diện mạo nông thôn mới thay đổi với 61 trong số 127 xã hoàn thành nông thôn mới; 100% số xã và 98% số thôn, bản có đường ô-tô đến trung tâm, trong đó cơ bản đã được cứng hóa; 100% xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% số thôn có điện lưới quốc gia với 96,7% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 95% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Từ đồng bộ chính sách, sáng tạo trong triển khai thực hiện, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là vùng ĐBDTTS ở tỉnh giảm nhanh với mức bình quân đạt 5,17%/năm, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2%, tương ứng 14.322 hộ; hộ cận nghèo còn 16.370 hộ, chiếm 9,37%.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh trật tự đạt nhiều kết quả nổi bật. Tỉnh duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở tất cả 152 xã, phường, thị trấn. Đến nay 99% số trường có phòng học kiên cố; 100% dân tộc có học sinh học trong trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; nhiều học sinh người dân tộc thiểu số đạt học sinh giỏi và đoạt các giải thưởng cao trong các cuộc thi từ tỉnh đến quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe cho ĐBDTTS được quan tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đến nay, 100% số xã có trạm y tế, các thôn đều có nhân viên y tế; tất cả các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đồng bào được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,91%.
Di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vùng ĐBDTTS tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Di sản văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn, giữ gìn, phục dựng, phát huy, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số và vùng cao thường xuyên được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển. Tình hình chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng cao, vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Một bộ phận người nghèo, cận nghèo, người ĐBDTTS chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở nhiều địa phương còn khó khăn, kết quả chưa cao. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là vùng ĐBDTTS giảm nhanh nhưng chưa thật sự bền vững…
Phóng viên: Hiện nay, tỉnh đang tập trung vào những nội dung, mục tiêu gì trong phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng ĐBDTTS, thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Xuân Phong: Nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng cao, vùng ĐBDTTS trong tổng thể chiến lược phát triển của tỉnh thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 16 nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định nội dung ưu tiên đầu tiên trong chín nhóm nhiệm vụ toàn diện và bảy nhiệm vụ trọng tâm là “tập trung ưu tiên phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo, biên giới, ĐBDTTS”, và “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án số 10 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025. Đề án đề ra ba nhóm mục tiêu cụ thể đó là: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3 - 5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên.
Giảm hộ cận nghèo hằng năm từ 2.000 hộ trở lên. Đến năm 2024, huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai cơ bản không còn hộ nghèo; Phấn đấu hơn 60% số xã có tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Trước đó, từ việc đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng cao, vùng ĐBDTTS, năm 2019 Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 24/5/2019 về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và có xét đến năm 2030.
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019 - 2025 với mức bình quân một tỷ đồng/xã/năm cho 43 xã cùng lãi suất ưu đãi. Đây thật sự là Nghị quyết xóa nghèo đặc biệt, thể hiện sự quyết tâm và sáng tạo của Lào Cai trong thực hiện xóa vùng “lõi nghèo” ở địa phương…
Thực tiễn cho thấy, chín tháng năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ hơn 25 nghìn lao động với số tiền khoảng gần 10 tỷ đồng theo chính sách về bảo hiểm. Giải quyết việc làm cho 9.384 lao động; giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.093 lao động. Có 6.965 học sinh con hộ nghèo, cận nghèo được hưởng chính sách về miễn, giảm học phí theo quy định; toàn tỉnh dự ước có 3.928 hộ thoát nghèo; tỷ lệ giảm nghèo đạt 2,25%...
Về cơ bản công tác giảm nghèo nói chung, phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng cao, vùng ĐBDTTS của tỉnh vẫn đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, khẳng định quyết sách và hướng đi đúng của tỉnh Lào Cai.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
LÊ MẬU LÂM, QUỐC HỒNG (thực hiện)