Gia đình ông Triệu Tiến Minh, ở thôn Ðông Sung, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình là hộ tiên phong đưa cây trà hoa vàng về trồng. Ông Minh chia sẻ: “Cây trà hoa vàng là cây dược liệu quý, trước đây thường mọc hoang ở các đồi rừng. Những năm gần đây, nhận thấy giá trị của cây trà hoa vàng, tôi lên rừng đào lấy gốc cây về tự nhân giống để trồng xen kẽ tại vườn cây ăn quả của gia đình.
Ban đầu tôi trồng thử nghiệm 300 cây, thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt và đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên khoảng 2 ha. Sau ba đến bốn năm trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch; với giá bán từ 300 đến 500 nghìn đồng/kg hoa trà tươi; 15 triệu đồng/kg hoa trà khô, lại không phải lo đầu ra vì thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó. Thấy hiệu quả, từ năm 2019, tôi ươm cây giống từ quả cây trà hoa vàng để bán cho bà con quanh vùng”.
Ông Ðặng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ái Quốc cho biết: Thấy mô hình trồng cây trà hoa vàng cho hiệu quả kinh tế, đến nay, nhiều hộ dân đã đưa loại cây này về trồng dưới tán rừng. Ðiều kiện tự nhiên ở xã rất phù hợp trồng loại cây này, vì vậy, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền cho người dân mở rộng diện tích, đưa cây trà hoa vàng trồng trên các vườn rừng, mở ra hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng, góp phần nâng cao thu nhập.
Năm 2018, hợp tác xã chè dưới tán hồi được thành lập, tận dụng diện tích đất ẩm dưới tán cây hồi, hợp tác xã đã đầu tư mở rộng diện tích, sản xuất sản phẩm chè dưới tán hồi theo tiêu chuẩn VietGAP. Các thành viên hợp tác xã được cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật canh tác chè VietGAP từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái, sao sấy, được hỗ trợ bao bì, nhãn mác…, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Lê Tiến Lâm, Giám đốc Hợp tác xã chè dưới tán hồi (thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia) thông tin: Với diện tích hơn 35 ha chè dưới tán hồi, bình quân mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ hơn 10 tấn chè khô, mang về thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm/thành viên.
Ông Ðào Thế Ðông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Ðể tận dụng diện tích đất dưới tán hồi, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng diện tích chè dưới tán hồi. Ngoài ra, phát triển thêm một số mô hình có hiệu quả như: Trồng lan kim tuyến, sa nhân dưới tán rừng, qua đó, vừa tận dụng diện tích đất dưới tán rừng phát triển sản xuất, vừa bảo vệ và phát triển rừng, mang về lợi ích kép, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Lạng Sơn hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 80% diện tích tự nhiên. Ðể khai thác những lợi thế, tiềm năng, trong những năm qua tỉnh đã có nhiều giải pháp về phát triển lâm nghiệp, nhất là mô hình phát triển sản xuất dưới tán rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình tiêu biểu như: tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng cây dược liệu gồm: sa nhân, lan kim tuyến, ba kích,… tập trung ở các huyện: Ðình Lập, Tràng Ðịnh; nuôi ong lấy mật ở Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn,…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hữu Chiến cho biết: Ðể khuyến khích người dân tận dụng tối đa tiềm năng từ đất rừng, thời gian qua, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đã đề ra một số giải pháp để hỗ trợ, vận động người dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất dưới tán rừng. Nổi bật trong đó là hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể nhằm thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thuận lợi cho các hộ dân liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; điển hình như: Hợp tác xã chè dưới tán hồi (huyện Bình Gia), Hợp tác xã ong mật Vân Thủy (huyện Chi Lăng)...
Từ cách làm nêu trên, hiện nay, tỉnh có hơn 100 mô hình sản xuất dưới tán rừng cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm, tập trung ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với cây dược liệu dưới tán rừng, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện năm dự án trồng rừng kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng với diện tích 989 ha, chủ yếu là các loại cây như: sa nhân tím, trà hoa vàng tại các huyện: Ðình Lập, Lộc Bình, Chi Lăng, Bình Gia.
Giai đoạn 2020-2030, tỉnh đặt mục tiêu trồng khoảng 5.000 ha các loài cây dược liệu dưới tán rừng. Việc phát triển các mô hình sản xuất dưới tán rừng đã góp phần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, tận dụng tốt diện tích dưới tán rừng để xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.