Đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng vào những ngày đầu năm, chúng tôi thấy cơ sở được xây dựng khang trang hơn rất nhiều so với vài năm trước. Tại các cặp cửa khẩu có nhiều doanh nhân, người dân đến làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa hết sức nhộn nhịp.
Thu hút đầu tư xây dựng vùng kinh tế trọng điểm
Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết: Do có vị trí quan trọng trong việc giao lưu kinh tế, nơi có tuyến đường huyết mạch 1A xuyên Việt và tuyến đường sắt xuyên Á, liên vận quốc tế Việt-Trung và nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng, nên tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng ở khu vực cửa khẩu này.
Đến nay, các hạng mục, công trình phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, hệ thống bến bãi, kho tàng... được tỉnh đầu tư cơ bản hoàn thiện. Nổi bật là công trình tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa qua mốc 1119-1120 hoàn thành đưa vào sử dụng, đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng lên rõ rệt.
Không chỉ riêng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được đầu tư, mà trong 5 năm gần đây, tỉnh đã tích cực tranh thủ các nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng yếu ở các cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng); cửa khẩu song phương Chi Ma (Lộc Bình)..., với tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu từ năm 2016 đến nay đạt hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó từ nguồn vốn ngân sách nhà nước gần 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tỉnh tích cực cải thiện môi trường đầu tư, ban hành nhiều cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Đến nay, đã có 126 dự án trong nước được đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 13.000 tỷ đồng và 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký hơn 207 triệu USD.
Trong đó, ba dự án khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu được xác định là các dự án trọng điểm để tập trung thu hút đầu tư; ngoài ra, tại các cửa khẩu hiện có 29 dự án đầu tư kinh doanh bến bãi với số vốn đăng ký hơn 3.000 tỷ đồng; gần 50 dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ với số vốn đầu tư đăng ký hơn 3.100 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ, lưu giữ, bảo quản hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu.
Phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu
Cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Từ tháng 2/2022, tỉnh chính thức vận hành nền tảng cửa khẩu số ở tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu qua biên giới.
Theo ông Hoàng Khánh Duy, hiện tất cả các xe hàng khai báo và xử lý thông tin trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc) và cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng). Việc triển khai nền tảng cửa khẩu số đã góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp tại các cửa khẩu của tỉnh. Qua đó, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu để khu vực này trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và ngược lại.
Với những kết quả đã đạt được trong những năm qua, cùng với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực, đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa với thời cơ, vận hội mới... Trong thời gian tới, các cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc), cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng)... được kỳ vọng sẽ là điểm đến tin cậy và hứa hẹn thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tỉnh Lạng Sơn có đường biên giới dài 231,74km tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); có 12 cửa khẩu, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu song phương Chi Ma và chín cửa khẩu phụ. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn với quy mô diện tích khoảng 394km2, bao gồm thành phố Lạng Sơn, một số xã thuộc huyện Cao Lộc, huyện Văn Lãng, huyện Chi Lăng và huyện Văn Quan. Hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu trong những năm qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Hiện có khoảng 122 dự án trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 13 nghìn tỷ đồng và 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 207 triệu USD, chiếm 67% số dự án và 88% tổng vốn so với toàn tỉnh.