Lãng phí do chậm xử lý tài sản công sau sáp nhập ở Hà Tĩnh

Sau ba năm thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, hàng loạt trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế ở Hà Tĩnh vẫn đang bị bỏ hoang. Trong khi đó, trụ sở mới không đủ chỗ làm việc hoặc phải xây dựng thêm gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở làm việc của Chi cục Thuế Can Lộc cũ được xây dựng khang trang nhưng cơ quan chủ quản không còn nhu cầu sử dụng.
Trụ sở làm việc của Chi cục Thuế Can Lộc cũ được xây dựng khang trang nhưng cơ quan chủ quản không còn nhu cầu sử dụng.

Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, ngành liên quan cần rốt ráo vào cuộc, kịp thời đưa ra phương án xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công.

Lãng phí nguồn lực

Tọa lạc trên diện tích rộng chừng 2 ha tại tổ dân phố 3, nơi được xem là khu vực sầm uất của thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên), thế nhưng suốt ba năm qua, những dãy nhà hai, ba tầng được xây dựng kiên cố, khang trang tại khu vực hành chính của xã Cẩm Huy cũ vẫn cửa đóng, then cài, không người qua lại.

Chứng kiến cảnh cỏ dại mọc um tùm, thậm chí có lúc trở thành nơi chăn thả trâu bò tại các trường học, trụ sở làm việc bị bỏ hoang, nhiều người dân không khỏi xót xa bởi đây là những công trình được đầu tư với nguồn kinh phí lớn.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Cẩm Xuyên, Phan Chu Kỳ cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2021, đến đầu năm 2020 toàn bộ dân số, diện tích thuộc xã Cẩm Huy cũ đã được sáp nhập về thị trấn Cẩm Xuyên. Kể từ đó đến nay, các công sở như: trụ sở làm việc, trường học, nhà văn hóa,... của xã Cẩm Huy cũ phải đóng cửa. Trong khi chưa tìm ra phương án xử lý, nhiều công trình đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.

“Hiện nay, ngoài các công trình tại trung tâm hành chính xã Cẩm Huy cũ đang bị bỏ không, trên địa bàn thị trấn đang dôi dư bảy nhà văn hóa thôn. Phần lớn các nhà văn hóa được xây dựng tại những vị trí trung tâm, giao thông đi lại thuận lợi. Do lâu ngày không được sử dụng, các công trình này đã bị bong tróc, xập xệ, khuôn viên ngổn ngang, thiết bị hư hỏng ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tạo ra dư luận không tốt trong nhân dân. Kỳ họp Hội đồng nhân dân nào, cử tri cũng kiến nghị khẩn trương có phương án xử lý, song đến nay mọi thứ vẫn đâu nằm đấy”-ông Phan Chu Kỳ cho hay.

Không riêng gì Cẩm Xuyên, ở Hà Tĩnh hiện có gần 100 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố dôi dư, đang bỏ hoang. Mặc dù người dân các địa phương đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp sớm có phương án xử lý tài sản dôi dư, song đến nay các cơ quan chuyên môn vẫn đang loay hoay tìm phương án triển khai.

Theo số liệu từ Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh, trong tổng số 1.074 cơ sở nhà đất (trụ sở hành chính cấp xã, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế...) tại các xã thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, đã có 899 cơ sở nhà đất được giữ lại tiếp tục sử dụng, 39 cơ sở nhà đất được điều chuyển, chuyển giao cho các đơn vị khác sử dụng. Số cơ sở nhà đất còn lại sẽ được đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, 136 cơ sở nhà đất dôi dư này vẫn “phơi nắng, phơi mưa” chưa được xử lý kịp thời.

Qua tìm hiểu được biết, ngoài 136 cơ sở nhà đất, tài sản dôi dư nêu trên, tại Hà Tĩnh hiện có 61 cơ sở nhà đất của các cơ quan cấp tỉnh và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn đang dôi dư do cơ quan chủ quản không có nhu cầu sử dụng.

Lúng túng trong triển khai

Tính đến tháng 8/2022, huyện Thạch Hà và huyện Đức Thọ là hai địa phương duy nhất đã xây dựng được phương án xử lý tài sản, đất dôi dư sau sáp nhập và đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh thẩm định và phê duyệt. Các địa phương còn lại đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, riêng huyện Nghi Xuân chưa xây dựng được phương án và trình hồ sơ để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Hà, Nguyễn Thị Liên, mặc dù UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các trụ sở làm việc dôi dư, tuy nhiên quá trình thanh lý tài sản này sẽ gặp rất nhiều khó khăn và khó giải quyết trong ngày một, ngày hai. Mặc dù các khu đất này có sức hút khá lớn nhưng do công năng sử dụng của các trụ sở làm việc, trạm y tế... không phù hợp, tương thích với phương án sản xuất, đầu tư của các doanh nghiệp. Trong khi đó, mức giá của các loại tài sản này trên sổ sách khá lớn, chính vì thế các doanh nghiệp, nhà đầu tư rất kén tiếp cận các loại tài sản này, Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Hà cho biết thêm.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, Phạm Văn Thắng cho rằng, nếu các cơ quan chuyên môn không đưa ra được phương án bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập thì tiến độ thực hiện nhiệm vụ này sẽ bị kéo dài, việc khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực tại các cơ sở nhà đất dôi dư khó đạt được như kỳ vọng.

Lý giải về tiến độ xây dựng phương án xử lý tài sản, đất dôi dư trên địa bàn còn chậm, đại diện lãnh đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Can Lộc cho rằng, mặc dù địa phương đã chủ động xây dựng phương án xử lý tài sản, đất dôi dư theo chỉ đạo của tỉnh, tuy nhiên quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ phải thực hiện nhiều lần và phải điều chỉnh các phương án cho phù hợp thông tư, nghị định hướng dẫn mới.

Liên quan việc xử lý nhà văn hóa thôn, tổ dân phố dôi dư, đại diện Phòng Tài chính huyện Can Lộc cho rằng, theo Nghị định số 67 của Chính phủ, các loại tài sản này không thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định xử lý tài sản công. Cơ sở nhà, đất tại các nhà văn hóa, thôn xóm dôi dư phải được xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai (cơ quan có thẩm quyền thu hồi, bán đấu giá, lập phương án sử dụng vào mục đích công cộng...). Với quy định này, các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố dôi dư sẽ được Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính Hà Tĩnh thực hiện việc thu hồi, đấu giá theo quy định. Tuy nhiên qua tìm hiểu được biết, từ năm 2019 đến nay, mới có 5 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố dôi dư được đấu giá.

Để giải quyết tồn đọng này, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính Hà Tĩnh, Hồ Nhật Lệ cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phân cấp, trao quyền cho các địa phương thực hiện việc thu hồi, đấu giá theo quy định.

Liên quan nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư do các cơ quan Trung ương quản lý, đại diện lãnh đạo các đơn vị, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn đều thống nhất quan điểm chuyển tài sản về địa phương quản lý, tuy nhiên thẩm quyền quyết định việc này nằm ở cơ quan chủ quản ở Trung ương.

Lãng phí do chậm xử lý tài sản công sau sáp nhập ở Hà Tĩnh ảnh 1
Trụ sở làm việc của UBND xã Cẩm Huy cũ (Cẩm Xuyên)

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh, Trịnh Văn Ngọc, thời gian qua, một số cơ quan phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà đất chậm. Theo quy định, nhà đất thuộc cơ quan Trung ương phải được đơn vị trình bộ, cơ quan Trung ương chủ quản và Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp nhà đất. Một số cơ sở nhà đất đã được UBND tỉnh chủ động đề xuất, tuy nhiên Bộ Tài chính có ý kiến phúc đáp chưa có cơ sở để xem xét, xử lý tài sản do chưa được phê duyệt phương án.