Lãng phí công trình cấp nước sinh hoạt ở Hà Giang

Thời gian qua, nhiều công trình nước sinh hoạt tại các huyện nông thôn, miền núi của tỉnh Hà Giang được đầu tư, xây dựng, góp phần giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do công tác quản lý, sử dụng còn nhiều bất cập, nhiều công trình chưa phát huy hiệu quả, bị xuống cấp, bỏ hoang…

Nhiều đoạn đường ống công trình cấp nước thôn Tân Ðức, xã Ðạo Ðức, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) bị đứt gãy, rò rỉ.
Nhiều đoạn đường ống công trình cấp nước thôn Tân Ðức, xã Ðạo Ðức, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) bị đứt gãy, rò rỉ.

Công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tân Ðức, xã Ðạo Ðức, huyện Vị Xuyên do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang) làm chủ đầu tư, xây dựng từ tháng 7-2010, đến cuối năm 2012 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Với số vốn đầu tư gần hai tỷ đồng, theo thiết kế, công trình sau khi đưa vào sử dụng sẽ giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho 99 hộ dân với 342 nhân khẩu thôn Tân Ðức. Toàn bộ công trình gồm ba hạng mục: Ðập đầu mối, bể lắng lọc và hệ thống ống dẫn nước. Ngày mới khánh thành công trình, người dân trong thôn rất vui mừng, kỳ vọng sẽ được sử dụng nguồn nước sạch ổn định lâu dài, hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, công trình không phát huy hiệu quả. Số hộ có nước dùng chỉ chiếm 20% đến 30%. Một số hộ dân đã kiến nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Thế nhưng sau khi sửa chữa, tình trạng cấp nước cũng không cải thiện. Chị Ðặng Thị Hiền, thôn Tân Ðức cho biết, công trình được đặt ở xa, trên đồi núi, không có người thường xuyên dọn dẹp, sửa sang, lại thiếu kinh phí bảo dưỡng, cho nên nhanh hỏng hóc, công suất nước kém. Hiện công trình cấp nước chỉ phục vụ cho vài hộ dân đầu đường ống; còn phía cuối đường ống, nước chảy rất yếu, thậm chí không có nước. Gia đình chị Hiền đã phải chi gần 20 triệu đồng khoan giếng để làm nguồn nước sinh hoạt chính. Với một xã miền núi, đời sống người dân còn khó khăn, nhiều hộ không có khả năng tự đầu tư khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Phần lớn các hộ dân trong bản phải dẫn nước khe, suối về để sử dụng, không bảo đảm vệ sinh.

Tương tự, công trình cấp nước tập trung tại xã Ðồng Yên, huyện Bắc Quang hoàn thành từ tháng 6-2014, được xây dựng để cấp nước sinh hoạt cho các cơ quan, đơn vị và 120 hộ dân ở khu vực trung tâm xã. Nguồn vốn đầu tư gần bốn tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và một số nguồn vốn khác. Thế nhưng, từ khi hoàn thành đến nay công trình không phát huy được công năng sử dụng.

Qua kiểm tra, xác minh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, trên địa bàn tỉnh có 828 công trình cấp nước sinh hoạt, trong đó, 174 công trình hoạt động kém hiệu quả và 181 công trình không hoạt động. Theo đánh giá của ngành chức năng, trong số 181 công trình không hoạt động có tới 80 công trình không có khả năng tu sửa, nâng cấp, đề nghị thanh lý.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hàng trăm công trình nước sạch đang trong tình cảnh bị "đắp chiếu", trong khi người dân nông thôn khan hiếm nước sinh hoạt, lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Giang cho biết: "Do phần lớn các công trình nước sinh hoạt được đặt tại những vùng khó khăn, địa hình dốc, chia cắt, dân cư sống rải rác, trong khi đó, cộng đồng và địa phương được giao lại thiếu trách nhiệm trong quản lý… dẫn đến hiệu quả sử dụng công trình chưa cao…".

Cụ thể, các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều được giao cho các Ban quản lý nước sạch cấp xã khai thác, quản lý. Tuy nhiên, phần lớn cán bộ Ban quản lý tại những xã này không có trình độ chuyên môn, chủ yếu do các cán bộ xã kiêm nhiệm, thiếu kinh phí hoạt động, dẫn đến các công trình không được bảo dưỡng, nhanh hỏng hóc, không phát huy được hiệu quả như thiết kế ban đầu. Bí thư Chi bộ thôn Tân Ðức Hoàng Cân cho biết: Áp suất nước quá thấp, hệ thống van xả đáy bể chứa nước không có, cho nên dễ bị ứ đọng cát sỏi vào mùa mưa, đường ống bị tắc. Công trình sau khi hoàn thành và giao cho thôn tự quản lý, nhưng do nguồn nước yếu, các hộ dân không đóng tiền nước, vì vậy khi hỏng, xuống cấp, không có kinh phí sửa chữa.

Bên cạnh đó, việc thiết kế, thi công xây lắp công trình nước sinh hoạt ở Tân Ðức còn bất cập. Một phần do tác động của môi trường, thời tiết, đường ống dẫn nước qua khe, qua rừng chưa có trụ đỡ, cáp neo cho nên bị nước cuốn trôi. Có nơi công trình chôn ống dẫn nước không đúng thiết kế, chưa đủ độ sâu, phần lớn nổi trên mặt đất, súc vật thả rông, đi lại làm hư hỏng đường ống. Hệ thống ống dẫn nước bị lũ cuốn trôi, bể lắng bị tắc, đập đầu mối bị cát vùi lấp. Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Giang Lệnh Văn Bắc cho biết, sau khi hoàn thành công trình, Trung tâm đã bàn giao cho xã Ðạo Ðức và cũng đã tập huấn cho cán bộ thôn về cách thức quản lý, vận hành công trình. Việc quản lý và sử dụng thuộc trách nhiệm của Ban quản lý nước sạch xã Ðạo Ðức.

HỰC tế cho thấy, tình trạng "đắp chiếu, bỏ hoang" các công trình nước sạch lên đến nhiều tỷ đồng, trong khi người dân vẫn không có nước sinh hoạt xảy ra khá phổ biến. Nhưng với một tỉnh miền núi, thuộc vùng sâu, vùng xa đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn như Hà Giang, việc quản lý sử dụng kém hiệu quả, thậm chí bỏ hoang công trình hai tỷ đồng là điều đáng suy ngẫm.

Ðề nghị các ngành chức năng tỉnh Hà Giang phối hợp kiểm tra sửa chữa, khắc phục tình trạng lãng phí công trình cấp nước của người dân trong xã, thôn; triển khai các biện pháp quản lý và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt.