Sản phẩm tăm hương của làng nghề Quảng Phú Cầu không chỉ được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng mà còn có mặt ở nhiều thị trường khác trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân lúc nông nhàn. Chiếc sân khá rộng nhà chị Bùi Thị Chuyên, xóm 8, thôn Xà Cầu tập trung nhiều đông đảo chị em phụ nữ. Gia đình chị Chuyên được xem là cơ sở sản xuất hương lớn nhất của làng, thu hút chủ yếu là lao động nữ. Chị Chuyên cho biết: “người dân ở đây gọi đi chẻ tăm là “đi ngồi”. Cứ nhà nào có sân rộng rãi là mọi người mang dao, tre tới lập thành “hội”. Bởi thế, trong làng có rất nhiều hội chẻ tăm: hội của đàn ông, đàn bà, hội của người già, con gái…Bình quân thu nhập từ 50 - 80 nghìn đồng/ngày “.
Sản phẩm chính của làng là tăm tre và tăm hương, tuy nhiên, cứ hai, ba tháng trước Tết, các xưởng sản xuất tập trung vào chẻ tăm hương phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường.
Nghề chẻ tăm du nhập vào Quảng Phú Cầu từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi ấy, người dân sản xuất chủ yếu chẻ tăm bằng tay. Đến năm 2011, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp bằng công nhận làng nghề cho xã Quảng Phú Cầu. Cũng từ đó, người dân từng bước cơ giới hóa các công đoạn sản xuất. Máy móc giúp các loại tăm tròn hơn, tăng năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu.
“Toàn xã có 3000 hộ, gia đình nào cũng có người tham gia làm nghề. Trong đó, có 60 hộ đầu tư máy móc làm tăm tròn xuất khẩu, 20 hộ có ô tô tải chuyên chở nguyên, vật liệu. Tăm hương của làng nghề đa phần chỉ là sản phẩm thô. Muốn xuất ngoại, tăm của làng phải đưa vào miền Nam tiếp tục xử lý ”.Ông Nguyễn Khả Hội, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết.
Ngoài giải quyết tốt nhu cầu lao động tại chỗ, tăm hương Quảng Phú Cầu thu hút khoảng hơn bốn trăm lao động ở các xã lân cận vào làm việc ở các cơ sở sản xuất tăm tròn, thu nhập bình quân hai triệu đồng/tháng”.
Đến thăm cơ sở sản xuất tăm tròn của ông Nguyễn Văn Nam trong dịp Tết Nhâm Thìn đang tới gần, ông Nam cho biết: “Khoảng hai tháng nay, để bảo đảm tiến độ giao hàng, chúng tôi phải thuê thêm ba mươi nhân công thời vụ. Cả máy móc và con người đều phải làm việc hết công suất làm việc hết công suất, trung bình mỗi ngày xuất xưởng hơn một tấn tăm hương”.
Riêng sản phẩm tăm hương tại Quảng Phú Cầu được phân thành hai loại: tăm hương xuất khẩu và tăm hương nội địa. Với tăm hương xuất khẩu, nguyên liệu nhất thiết phải là cây vầu, vì dễ cháy nhưng lại đọng tàn, không bị gãy. Loại tăm hương này phải được chẻ bằng máy thì thân tăm mới đảm bảo độ đều, tròn, bóng. Trong khi tăm hương dùng trong nước sản xuất từ nứa, giá thành rẻ, được làm thủ công.
Anh Đặng Văn Phực (thôn Phú Thượng) cho biết: “ Hiện tại, thị trường chủ yếu vẫn là khách hàng nội địa. Tuy nhiên, hiện nay, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi chất lượng và mẫu mã khắt khe hơn. Vì vậy, các cơ sở sản xuất đang chuyển hướng, đầu tư vốn, mua thiết bị, máy móc, để có thể cho ra đời những sản phẩm tăm hương đạt chất lượng ngày càng cao”.
Rời làng nghề khi trời đã sập tối, nhưng dọc quốc lộ 21 B, từng đoàn xe vẫn hối hả nối đuôi nhau ra vào con đường làng. Làm tăm hương chỉ là công đoạn đầu tiên nhưng lại là quan trọng nhất, quyết định sự hoàn thiện về cả chất lượng và mẫu mã của cây hương. Tăm hương từ đây, nhanh chóng được giao tới các cơ sở sản xuất hương để hoàn thiện công đoạn đắp hương, khi mà thời gian còn chưa đầy ba tuần nữa là tới Tết cổ truyền.