Làng gốm Phù Lãng

Làng gốm Phù Lãng, Bắc Ninh.
Làng gốm Phù Lãng, Bắc Ninh.

Các biển quảng cáo đua nhau mọc ra: cơ sở sản xuất kinh doanh gốm xây dựng và xuất khẩu, gốm mỹ nghệ, tranh gốm... Là một làng nghề nhưng không gian Phù Lãng rất yên bình và vẫn lưu giữ nét cổ của một làng quê Kinh Bắc. Nét cổ kính không chỉ ở những mái ngói ngả mầu nâu, những ngõ nhỏ lát gạch, mà ở cả cách sống con người nơi đây.

Từ xưa đến nay, Phù Lãng vẫn được xem là một vùng quê đẹp của đất Kinh Bắc và "sơn thủy hữu tình". Cả làng tựa vào chân đồi, với dòng sông Cầu thơ mộng bao quanh, bến nước Phù Lãng ngày đêm tấp nập thuyền bè qua lại nối liền hai bến bờ Bắc Ninh và Bắc Giang.

Phù Lãng bây giờ vẫn làm gốm nhưng không đông đúc như trước đây và cũng không đơn thuần chỉ sản xuất gốm cổ nữa. Những nghệ nhân trẻ, năng động trong làng tìm đến dòng gốm mỹ nghệ như một sự bắt kịp thời đại. Gốm được bày khắp nơi: trong xưởng, ngoài ngõ, cả gốm cổ và gốm mỹ nghệ. Qua vài lần hỏi đường tôi tìm đến nhà sản xuất gốm của bà Thơ, người cao tuổi nhất trong làng còn làm gốm. Giữa cái nắng oi ả, bàn tay cụ bà 76 tuổi vẫn chuốt gốm đều đặn. Bà nói: "Làm cái này thì làm gì có thời gian, muốn làm lúc nào thì làm, lúc nào nghỉ thì nghỉ". Bà chỉ tay vào trong buồng: "Ðây, anh xem hàng thì vào trong ấy mà xem, nhà tôi chỉ làm loại này thôi". Gốm nhà bà Thơ làm là loại gốm sành cổ, chủ yếu là các loại tiểu, chum, vại, niêu, những loại này được làm thủ công hoàn toàn vì vậy chỉ với men da lươn truyền thống, nhưng mỗi sản phẩm lại có sự khác nhau về độ đậm nhạt mầu men. Loại gốm sành cổ không thật bắt mắt, vẻ đẹp của nó nằm ngay trong đất và lớp men giản dị. Cũng bởi vẻ đẹp "dân dã" ấy mà đến bây giờ nhiều khách hàng từ xa vẫn tìm đến nhà bà Thơ mua gốm. Bà cho biết những mẫu mã gốm mà nhà bà đang làm phải có từ hàng trăm năm trước, thời ông bà của bà đã làm những loại này rồi. Theo bà, gốm các cụ làm ngày xưa rất cẩn thận, có độ mỏng đẹp hơn nhiều so với gốm bây giờ. Bà còn kể lại cho tôi nghe câu chuyện cái chum các cụ làm ngày xưa để giữ hài cốt cụ tổ dòng họ Trần. Ðó là cái chum đẹp nhất từ xưa đến nay mà thời này cũng chưa làm được thế. Khi tôi hỏi tại sao bà không chuyển sang làm gốm mỹ nghệ đỡ vất vả mà thu nhập lại cao hơn, bà cười hiền từ: "Tôi già rồi, chỉ thích làm loại cổ này thôi, loại khác để bọn trẻ nó làm". Chính những người như bà Thơ đã lưu giữ vốn cổ gốm Phù Lãng cho tới ngày nay.

Chúng tôi tới xưởng sản xuất gốm của anh Vũ Hữu Nhung, người có công mở đường cho dòng gốm mỹ nghệ Phù Lãng phát triển. Xưởng gốm của anh nằm trên quả đồi thuộc thôn Ðồng Sài (xã Phù Lãng) cách khá xa làng gốm cổ. Mình anh một "giang sơn" để thỏa sức với những ý tưởng và khát vọng phát triển dòng gốm mới của mình. Dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, trông anh trẻ hơn cái tuổi 32. Là một nghệ nhân trẻ, Vũ Hữu Nhung đã đạt được nhiều giải thưởng: giải đặc biệt trong cuộc thi nghệ nhân có đôi bàn tay vàng do Hội đồng Anh trao tặng tháng 11-2001, giải ba triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ tư (1993-2003)... Sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất gốm, hơn ai hết anh Nhung hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của gốm quê hương. Cầm một bình gốm mỹ nghệ nhỏ, họa tiết đắp nổi rất đẹp, anh nói: " Gốm Phù Lãng cổ truyền rất đơn giản, lại không có bí quyết truyền nghề như gốm Bát Tràng, nên nếu không tìm được đường đi mới thì rất khó vực gốm dậy trong thời buổi hàng hóa tràn ngập thị trường hiện nay". Theo anh, để phát triển gốm Phù Lãng còn thiếu nhiều yếu tố, nhất là công nghệ và kiến thức về gốm của người dân, thực tế ở làng những người tốt nghiệp trường lớp mỹ thuật như anh Nhung rất ít, số đông làm gốm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế. Hiện, anh Vũ Hữu Nhung đang sản xuất tại khu đồi rộng 1,5 ha, trong tương lai anh dự định sẽ quy hoạch nơi này thành nhà xưởng, nhà trưng bày sản phẩm hoàn chỉnh để khách có thể vào tham quan, tìm hiểu gốm. Xưởng sản xuất gốm của anh Nhung lúc này mới chỉ dựng tạm nhưng luôn có tới 100 nhân công, sản phẩm gốm mỹ nghệ thương hiệu "gốm Nhung" giờ đây đã có mặt tại nhiều cửa hàng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và được xuất khẩu sang một số nước Tây Âu. Tuy đã gặt hái được nhiều thành công đối với dòng gốm mỹ nghệ này, nhưng anh còn nhiều trăn trở, nhất là gốm Phù Lãng đến nay vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường. Con đường mà anh Nhung chọn đã góp phần làm thay đổi hình thể, tạo sự đa dạng cho gốm quê hương. Nhiều người hưởng ứng và làm theo anh, nhưng cũng không ít người cho rằng làm gốm mỹ nghệ sẽ làm mất đi tính truyền thống của gốm Phù Lãng. Còn Vũ Hữu Nhung, anh cho rằng, làm gốm mỹ nghệ có hoa văn, họa tiết, nhưng vẫn xương đất ấy, vẫn lối làm thủ công thì làm sao mất đi bản sắc gốm cổ truyền được, đó chỉ là sự phát triển dòng gốm cổ.

Hoàng hôn buông xuống. Những dấu ấn về một làng nghề xưa cũ bên dòng sông quan họ in đập trong tâm trí chúng tôi. Trong sự phát triển năng động của nền kinh tế thời hội nhập kinh tế quốc tế, hàng hóa tràn ngập thị trường, thì những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ mà gốm Phù Lãng gặp phải là chuyện khó tránh khỏi. Ðó cũng là nỗi trăn trở của người dân nơi làng quê yên bình này. Dưới ánh nắng vàng nhạt cuối ngày, mầu men da lươn của những bình gốm sành bên đường như sẫm lại.