<p>Văn hóa và phát triển   </p>

Làng đúc đồng bên sông Lang Tài

NDO - Làng Ðào Viên thuộc xã Nguyệt Ðức (huyện Thuận Thành - tỉnh Bắc Ninh) từng nổi danh lâu đời với nghề đúc đồng truyền thống. Sau mấy thập kỷ sản xuất đình đốn, gần đây làng nghề Ðào Viên đã hoạt động nhộn nhịp trở lại.

Ðại diện nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài nước đã đặt mua các sản phẩm độc đáo từ làng quê chiêm trũng này; và nghệ nhân đúc đồng từ Ðại Bái (Bắc Ninh), Ngũ Xã (Hà Nội), từ phường đúc ở Huế đã đến đây giao lưu, trao đổi, học hỏi...

Cụ Nguyễn Ðình Quỳ là người làng Ðào Viên, nay đã 82 tuổi nhưng vẫn còn mẫn tiệp, cụ có thân phụ xưa kia là nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng trong vùng. Cụ Quỳ vốn là cán bộ ngành văn hóa đã về hưu và được xem là "pho sử sống" của làng, xã. Cụ Quỳ lần giở từng trang tư liệu ghi rằng, vào khoảng năm 1428 - 1527 dưới triều Lê, làng Ðào Viên có nghề đúc đồng nổi tiếng đã được triều đình gọi về Thăng Long lập trường đúc tiền và đồ thờ. Tại Thăng Long, những người thợ đúc đồng và con cháu họ đã sinh cơ lập nghiệp, dần dà tạo dựng nên làng mới ở chốn kinh thành, lấy tên là Ngũ Xã. Vì thế, cả Ðào Viên và Ngũ Xã đều thờ chung một tổ nghề là Nguyễn Minh Không, tên tự là Lý triều Quốc sư. Nhà thờ tổ nghề đặt ở Ðào Viên được xây dựng năm 1931. Ðến hôm nay, người làng Ðào Viên vẫn tự hào vì từ nhiều đời trước, nghệ nhân đúc đồng của làng cũng từng được triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế, để đúc các đồ thờ và cánh cửa của các đền thờ, cung điện tại kinh đô. Rồi các nghệ nhân thế hệ về sau của làng như Ðỗ Văn Hiếu, Ðỗ Văn Tùy, nữ nghệ nhân Ngô Thị Ðan đã đúc tượng Ðại Di Ðà ở chùa Ngũ Xã cao 10 m, nặng 17 tấn. Cụ Cửu Chính đúc ba pho tượng lớn mà chùa Hàm Long ngày nay vẫn còn lưu giữ. Ở làng Ðào Viên hiện vẫn còn hai pho tượng Thành hoàng làng, hai quả chuông cổ to, nặng tới vài tạ. Về làng, đi thăm đình, chùa hay vào thăm nhà dân trong làng, mới biết rất nhiều các đồ thờ bằng đồng độc đáo quý giá vẫn còn được lưu giữ. Sản phẩm đều do chính tay các nghệ nhân của làng chế tác...

Nhiều người dân ở xã Nguyệt Ðức còn nhớ sự kiện "phát hiện mỏ đồng" như chứng tích rõ ràng nhất về thời hoàng kim của làng nghề Ðào Viên của xã. Chẳng là cuối năm 2006, Nguyệt Ðức và các xã lân cận thuộc huyện Thuận Thành bỗng sôi động vì phát hiện một "mỏ đồng" lớn ở ven sông Lang Tài trên phần đất thuộc địa phận Ðào Viên. Thế là dân làng đổ xô ra sông để đào và vét đất. Thứ đất đào lên có mầu đen pha lẫn mầu vàng sậm gợn lên xỉ đồng, được bà con nhồi vào bao tải chuyển đi bán cho người thu mua. Hồi ấy, việc đào "đất quặng" và việc thu mua diễn ra cả ngày, cả đêm. Chỉ trong mấy ngày, số đất đào lên bán được lên tới hàng trăm tấn. Chỉ tới khi cơ quan chức năng của huyện Thuận Thành xác định, khu đất phát hiện có đồng ở Ðào Viên không phải là mỏ đồng mà là khu vực chứa xỉ đồng của làng nghề làm đồng truyền thống từ thời xa xưa (vì thời đó, công nghệ đúc đồng còn lạc hậu nên phế thải sau khi đúc đồng vẫn chứa một lượng đồng lớn) thì chuyện đào "đất quặng" mới kết thúc...

Trải qua mấy thập kỷ đình đốn, làng nghề Ðào Viên đã trải qua nhiều thăng trầm để đến một ngày, như nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Ðức Vũ Văn Hào nhớ lại: "Nhiều cơ quan trên tỉnh cũng đã về khảo sát vài lần nhưng định hướng phát triển làng nghề vẫn lình xình. Dân làng cũng đã cử đại diện tìm các nghệ nhân đi xa quê về truyền nghề cho lớp trẻ. Nhưng nỗ lực của làng xã ngày ấy vẫn chưa thể đánh thức, phát huy tiềm năng của làng nghề. Các hộ làm nghề vẫn lác đác, gắng gượng. Nghề truyền thống sáng giá của cha ông bị mai một, nhiều con cháu từ mảnh đất thuần nông này phải đi tứ xứ, mưu sinh bằng nghề khácể. Ðến gần đây, tỉnh Bắc Ninh triển khai đề án tập trung mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn thì vấn đề đã trở nên sáng sủa. Tỉnh và huyện rất coi trọng việc khôi phục lại làng nghề truyền thống tại các địa phương. Huyện Thuận Thành thành lập Ban Chỉ đạo khôi phục và phát triển các làng nghề, và làng nghề đúc đồng Ðào Viên là một trọng điểm. UBND huyện Thuận Thành, Ban Chỉ đạo của xã Nguyệt Ðức, Trường trung cấp Nghề kinh tế, kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống đã cùng mở Hội nghị và ký cam kết thực hiện chương trình phối hợp khôi phục phát triển làng nghề. Từ đó, Ðảng ủy và chính quyền xã đã tìm được tiếng nói đồng thuận của cả ba trăm hộ trong thôn, ra quyết sách để huy động các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, và con em quê hương xây dựng quy hoạch làng nghề cùng cơ sở hạ tầng.

Ðể khôi phục làng nghề, thách thức lớn đặt ra là vốn và nguồn nhân lực. Lãnh đạo cùng bà con xã Nguyệt Ðức ghi nhận thầy trò Trường trung cấp Nghề kinh tế, kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống đã góp công lớn cho việc này. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chế đã cùng các giáo viên của trường kiên trì tìm các nghệ nhân đúc đồng giỏi ở các tỉnh về Ðào Viên truyền nghề. Trường tổ chức liền hai lớp đào tạo nghề đúc dát đồng tại làng Ðào Viên. Các nghệ nhân cùng giáo viên nhà trường truyền đạt những kiến thức cơ bản của nghề, kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống của làng với khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới của nghề đúc dát đồng. Ðể bà con yên tâm phát triển sản xuất, lãnh đạo xã cùng cán bộ nhà trường đi tới nhiều doanh nghiệp vận động họ làm "bà đỡ" ký kết bao tiêu sản phẩm cho làng nghề. Ðặc biệt là đã vận động thành công Ngân hàng thương mại cổ phần Thương Tín Sacombank chi nhánh Thuận Thành ký cam kết về hỗ trợ vay vốn cho các hộ có nguyện vọng khôi phục nghề truyền thống.

Sau hai khóa đào tạo, làng Ðào Viên đã có thêm hàng trăm thợ đúc dát đồng. Các học viên xuất sắc như Nguyễn Tài Anh, Ðỗ Văn Cường, Dương Văn Hoàn, Nguyễn Ðình Thái, Nguyễn Văn Hùng... đã tự mở lò mới. Hàng trăm lao động của làng đi làm ăn xa được bà con vận động về học nghề, chung vốn kinh doanh. Nghề đúc đồng của Ðào Viên từ đó phát triển trở lại, với các sản phẩm truyền thống có uy tín như đúc tượng, chuông, khánh, đỉnh, chân nến, hạc... Do sản phẩm có chất lượng cao mà bao nhiêu sản phẩm của Ðào Viên ra lò là các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu hết. Thu nhập của hàng trăm thợ của làng nghề đạt từ ba đến năm triệu đồng/tháng. Các anh Nguyễn Ðình Thái và Nguyễn Văn Hùng là những thợ bền chí với nghề cả khi gian nan nhất. Nay hai anh nổi tiếng trong giới đúc đồng với sản phẩm tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay. Họ đang có tâm nguyện cho ra đời bức tượng Lý Công Uẩn và bức tranh dát đồng những cô gái quan họ, tạo ra cơ hội để quảng bá cho làng nghề. Ðặc biệt, làng nghề Ðào Viên đang mở hướng phát triển sản phẩm đúc chân dung. Với loại sản phẩm mỹ nghệ độc đáo này, nhiều thợ giỏi của Ðào Viên luôn phải từ chối đơn đặt hàng của khách trong và ngoài nước.

Sau một thời đìu hiu, trầm lắng tưởng chừng sẽ mai một, nghề đúc đồng ở làng Ðào Viên đã được khôi phục và phát triển. Từ 27 hộ làm nghề vài năm trước, nay Ðào Viên đã có 125 hộ làm nghề. Ðó là một con số rất đáng trân trọng, bởi nó không chỉ cho thấy sức sống của một làng nghề, mà còn cho thấy sản phẩm văn hóa truyền thống của làng đã nhanh chóng thích ứng sự phát triển của nhu cầu hiện đại. Chính vì thế, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã chủ động tìm về với các chủ lò để ký văn bản hợp tác đầu tư. Hàng trăm con em của Ðào Viên làm ăn xa quê nay trở về miệt mài nối tiếp nghề truyền thống của cha ông trao lại. Trong những ngày đầu Xuân này, người của làng Ðào Viên từ muôn phương cũng tụ về cùng chung lưng, gắng sức phát triển Ðào Viên ngày càng giàu đẹp và phồn vinh.