Việc thiết kế và chuẩn bị thi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiến hành khẩn trương ngay từ đầu năm 1970. Yêu cầu cao nhất trong xây dựng Lăng là phục vụ cho việc giữ gìn nguyên vẹn, lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; tránh được mọi ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, đồng thời bảo đảm sức khỏe và đi lại thuận tiện của nhân dân khi đến viếng Bác. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được xây dựng công phu và hiện đại, có cấu trúc hài hòa, mỹ thuật, có phong cách dân tộc, trang nghiêm và giản dị.
Ðông đảo kiến trúc sư, kỹ sư và cán bộ ở nhiều cơ quan thiết kế trong nước đã đem hết khả năng và trí tuệ của mình để nghiên cứu phương án thiết kế Lăng. Sau một thời gian ngắn, Ban tổ chức đã nhận được hơn 200 phương án thiết kế của 16 đơn vị, ngành và cá nhân gửi dự thi; 24 phương án có nhiều ưu điểm nhất đã được sơ tuyển và trưng bày. Ban tổ chức đã trưng bày, lấy ý kiến cùng một lúc tại năm địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La và Nghệ An. Cuộc trưng bày ở năm địa điểm trên đã thu hút 745.487 lượt người đến tham quan và có hơn 34 nghìn ý kiến tham gia. Nhiều ý kiến của các kiến trúc sư, nhà văn hóa, các bậc lão thành cách mạng, đông đảo các tầng lớp nhân dân, kiều bào Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đã gửi về đóng góp và bổ sung cho các phương án thiết kế.
Tháng 4-1971, trên cơ sở thiết kế của các chuyên gia Liên Xô, trong đó có sự đóng góp rất to lớn của Kiến trúc sư nổi tiếng Mét-vê-đê-ép, Viện trưởng Viện thiết kế các công trình đặc biệt của Liên Xô và Kiến trúc sư trưởng I-xa-cô-vích Ga-ron; kết hợp với phương án thiết kế của ta và sự tham gia góp ý của nhân dân, Bộ Chính trị Trung ương Ðảng đã quyết định chọn phương án thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 2-9-1973, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng, đồng chí Ðỗ Mười, lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ được cử làm Trưởng ban xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ Quốc phòng và Bộ Kiến trúc được giao là lực lượng chủ công, nòng cốt trong quá trình tổ chức thi công. Ðảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã cử những chuyên gia giỏi sang Việt Nam giúp đỡ xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quê hương của V.I Lê-nin vĩ đại, coi việc giúp đỡ Việt Nam là nghĩa vụ, tình cảm quốc tế cao cả của những người cộng sản.
Với tấm lòng biết ơn và kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân và toàn quân đã đem hết trí tuệ và tinh thần, tập trung cao độ để xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu của Người. Suốt thời gian xây dựng Lăng là ngày hội của cả nước. Trên công trường xây dựng Lăng, các lực lượng tổ chức thi công ngày đêm để đạt được yêu cầu tiến độ. Nhiều khó khăn trong quá trình thi công đều được cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên tháo gỡ và khắc phục. Ngày đêm trên công trường xây dựng Lăng Bác nhộn nhịp tiếng búa, tiếng máy, tiếng cười, mọi người đều mong sao Lăng sớm được khánh thành để được gặp lại Bác.
Sau hai năm khẩn trương thi công, với khí thế thi đua chia lửa với miền nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên các lực lượng xây dựng Lăng Bác đã không quản ngày đêm hoàn thành tốt các hạng mục công việc. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền nam hoàn toàn giải phóng, việc xây dựng Lăng Bác bước vào giai đoạn cuối cùng. Ngày 29-8-1975, chỉ sau hơn ba tháng miền nam hoàn toàn giải phóng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành trọng thể; Bác đã về ngôi nhà vĩnh cửu của mình để cùng chung vui với con cháu trong Lễ mừng chiến thắng của toàn dân tộc diễn ra tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử vào ngày Quốc khánh 2-9-1975.
Thấm thoắt đã 35 năm khánh thành Công trình Lăng của Người. Ngày nối ngày, dòng người vào Lăng viếng Bác như vô tận. Lăng Bác đã đón tiếp 40 triệu lượt người, trong đó có bảy triệu lượt khách quốc tế của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Lăng của Người, trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam đối với Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Những năm gần đây, thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, kinh tế trong nước tăng trưởng, hệ thống giao thông được mở mang, đời sống nhân dân được cải thiện... số lượng nhân dân các địa phương trong cả nước về Lăng viếng Bác ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước. Những ngày nghỉ, ngày lễ, kỷ niệm Ngày sinh và Ngày mất của Bác mỗi ngày có tới hàng chục nghìn người vào Lăng viếng Bác. Ngoài tổ chức lễ viếng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của Ðảng và Nhà nước, nơi tổ chức các buổi mít-tinh, diễu binh, diễu hành mừng các ngày lễ lớn của dân tộc; nơi thường xuyên tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật... nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"; nơi hun đúc chí khí cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam. Từ ngày 19-5-2001, nghi lễ chào cờ hằng ngày đã được tiến hành trang trọng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh của Tổ quốc với lãnh tụ được hòa quyện vào nhau, càng tôn thêm giá trị văn hóa, tinh thần và ý nghĩa chính trị của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðặc biệt, từ năm 2007 đến nay, Bộ Chính trị Trung ương Ðảng phát động toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân triển khai Cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt chính trị báo công với Bác và tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động ở địa phương và ngành mình. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với ngành lao động - thương binh và xã hội trong cả nước và Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam tổ chức để các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các gia đình ở vùng sâu, vùng xa về Lăng viếng Bác. Việc làm đó đã để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp cho mỗi người khi về Thủ đô Hà Nội viếng thăm Bác.
Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam như một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi, từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người một tâm trạng khác nhau nhưng khi về bên Bác đều thấy thanh thản, bình yên. Những dòng cảm tưởng của nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài đã được lưu giữ như mỗi ngày một dài thêm... mỗi người một vẻ, nhưng tựu chung lại là sự kính yêu, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện mãi mãi học tập và làm theo lời Bác dạy.
35 năm qua, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Ðình lịch sử tiếp tục chứng kiến sự phát triển, đi lên của đất nước. Nhân dân cả nước vẫn luôn hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Người còn sống mãi với non sông đất nước. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỳ đài lịch sử của thế kỷ 20; một công trình kiến trúc, văn hóa của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến; là công trình của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay; công trình của "Lòng dân - ý Ðảng"; là biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; một kỳ quan vĩ đại của thế hệ hôm nay tặng lại cho muôn đời con cháu mai sau... Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc và là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Ðúng như lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh tại Lễ khánh thành Lăng ngày 29-8-1975: "Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Ðây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác, sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người đã vạch ra..., xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
Thiếu tướng, TS Ðặng Nam Ðiền
Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh