“Làn gió” mới từ phát triển sản phẩm OCOP vùng miền núi

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà ở cả vùng sâu, vùng xa. Nhiều cây trồng, sản phẩm từ chỗ tự phát, manh mún đã trở thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.

Gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng tại hội chợ sản phẩm OCOP 2022. (Ảnh MINH TUẤN)
Gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng tại hội chợ sản phẩm OCOP 2022. (Ảnh MINH TUẤN)

Khai thác tiềm năng, thế mạnh nhiều nông sản đặc sản, thời gian qua, ba tỉnh miền núi Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn đã khẳng định vị trí, định danh về phát triển sản phẩm OCOP trên cả nước.

Khơi dậy tiềm năng

Để có được thành công trong chương trình OCOP, mỗi tỉnh có cách làm sáng tạo riêng nhưng đều cho thấy quyết tâm chính trị cao, nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn. Trong đó, chủ chốt là khơi dậy tiềm năng sản xuất hàng hóa đối với nông sản có thế mạnh.

Ở Bắc Kạn, cây trà hoa vàng vốn mọc hoang ở trong rừng, nhưng nhiều năm giá trị kinh tế đem lại không đáng kể khi chỉ thông qua cách đào cả gốc đem bán cho tư thương xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khi chương trình OCOP khởi động, cây trà hoa vàng tại Bắc Kạn đã và đang khẳng định thương hiệu, giá trị của mình.

Giám đốc Công ty TNHH Hà Diệp (Bắc Kạn) Hà Minh Đợi cho biết, công ty hướng dẫn người dân từ khâu chăm sóc, cho đến thu hái theo tiêu chuẩn và chất lượng để chế biến, đưa ra thị trường sản phẩm “Trà hoa vàng Bắc Kạn”. Công ty đã phân phối sản phẩm đi toàn miền bắc và đã có được một số lượng khách hàng thường xuyên rất đáng kể. Chúng tôi đang phấn đấu đưa sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bốn sao trong thời gian tới.

Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chỉ thị riêng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2018-2020”. Hơn 1.000 buổi tuyên truyền, 90 hội nghị tập huấn, 2.000 cuốn sổ tay thành lập và hoạt động hợp tác xã; 2.100 sổ tay chính sách hợp tác xã; 11.300 cuốn tài liệu giới thiệu chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế tập thể; 8.000 tờ gấp tuyên truyền... đã giúp nông dân hiểu rõ về đề án.

Bắc Kạn tổ chức dạy nghề cho hơn 6.840 lao động nông thôn; trong đó, nhiều lao động là thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đề án OCOP. Trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh có 41 dự án nâng cao năng lực sản xuất cho các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Tỉnh đầu tư hơn 84 tỷ đồng từ nhiều chương trình để phát triển sản phẩm OCOP, trong đó, hỗ trợ chủ thể tham gia đề án hơn 34 tỷ đồng.

Tại Thái Nguyên, tỉnh và hầu hết các huyện, thành phố đều có chính sách hỗ trợ cụ thể về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến, hỗ trợ điểm giới thiệu, bán sản phẩm, thưởng cho các sản phẩm đạt ba sao trở lên. Phó Chánh Văn phòng Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng chia sẻ: “Không chạy theo số lượng, tỉnh ban hành tiêu chuẩn riêng là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP phải có vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, tăng cường an toàn thực phẩm. Từ đó, thúc đẩy liên kết sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, củng cố, phát triển hợp tác xã ở nông thôn”.

Cao Bằng đã hỗ trợ các đơn vị, hộ kinh doanh nâng cao chất lượng công tác thiết kế, hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm. Đồng thời, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký chỉ dẫn địa lý, mã số, mã vạch, góp phần “nâng tầm” các sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Nông Thanh Mẫn chia sẻ: “Cao Bằng xác định bám sát định hướng chương trình là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị các sản phẩm. Tỉnh đã khuyến khích và hỗ trợ xây dựng được các sản phẩm chất lượng tốt và bản sắc được thị trường đón nhận”.

Đến nay, ba tỉnh miền núi này đã có 342 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận ba sao trở lên, trong đó Thái Nguyên và Bắc Kạn có ba sản phẩm nằm trong số 20 sản phẩm đạt năm sao của cả nước. “Làn gió” mới từ OCOP mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Ở Thái Nguyên, các sản phẩm OCOP đã tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 110 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích chè đạt 750 triệu đồng/năm, cây ăn quả đạt 350 triệu đồng/năm. Nhiều sản phẩm ở ba tỉnh có vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ, VietGAP, GACP-WHO; chủ thể duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất. Hầu hết các sản phẩm được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso...

Nâng cao chất lượng

Sau quãng thời gian gia tăng tốt về số lượng sản phẩm, hiện tại cả ba tỉnh đang tập trung nâng cao chất lượng, hướng tới xuất khẩu. Các tỉnh đặc biệt chú trọng tới sản xuất hàng hóa, kết nối tiêu thụ bằng nhiều giải pháp khác nhau. Giám đốc Hợp tác xã miến Việt Cường (Thái Nguyên) Nguyễn Văn Ba cho biết:

“Chúng tôi dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư 26 tỷ đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất theo hướng tự động hóa để không phụ thuộc vào thời tiết, tăng năng suất, giảm lao động thủ công, đặc biệt chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp nên miến Việt Cường được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn năm sao, được người tiêu dùng tín nhiệm, mỗi năm có doanh thu 30 tỷ đồng”.

Nhờ chủ động của tỉnh, nên tại Bắc Kạn, nhiều nông dân giờ đã thành thạo việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, nhiều hợp tác xã dù dịch Covid-19 trong thời gian qua diễn biến phức tạp vẫn đạt doanh thu tốt. Bắc Kạn đã hỗ trợ tám hợp tác xã xây dựng website thương mại; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn; đăng tải 131 sản phẩm OCOP ba sao lên địa chỉ www.ketnoiocop.vn.
Tỉnh hỗ trợ 45 hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác học tập kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Qua đó, đã đưa 56 sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada...; toàn bộ sản phẩm OCOP đều được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart.

Nhờ khâu kết nối tốt, nhiều sản phẩm chế biến ở vùng sâu, vùng xa của ba tỉnh miền núi này đã vươn xa trong toàn quốc và bắt đầu ra thế giới. Miến Việt Cường (Thái Nguyên) đã bước đầu xuất khẩu sang Thái Lan, nhiều nước châu Âu. Miến dong Bắc Kạn đã xuất khẩu sang châu Âu; sản phẩm mơ muối, củ kiệu, rau cải... xuất khẩu sang Nhật Bản; sản phẩm chế biến gỗ xuất khẩu sang Mỹ và EU. Các sản phẩm hồng trà, lục trà của Công ty trách nhiệm hữu hạn Kolia và sản phẩm chiếu trúc, chiếu trúc hoạt hóa của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 668 (Cao Bằng) được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc).

Tuy nhiên, khó khăn với ba tỉnh hiện nay là việc mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm. Số sản phẩm đạt OCOP nhiều, song phần lớn có quy mô sản xuất mang tính thời vụ, sản lượng nhỏ, khi thị trường có nhu cầu về số lượng lớn thì chưa đáp ứng được. Các chủ thể tham gia đề án có nội lực và khả năng quản trị sản xuất còn hạn chế; một số chủ thể còn lúng túng trong công tác hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm tham gia đề án để được chứng nhận OCOP.

Giám đốc Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á (Cao Bằng) Trần Đức Hiếu cho biết: “Trung bình mỗi năm, đơn vị sản xuất khoảng 30 tấn miến dong, doanh thu khoảng hai tỷ đồng. Nhờ chất lượng tốt, nên thời gian qua, chúng tôi có đối tác trao đổi nội dung phối hợp đưa miến dong Tân Việt Á sang thị trường Hàn Quốc, Australia. Nhưng sản lượng khi ổn định có thể yêu cầu lên đến 30 tấn miến dong/tháng lại đang “quá sức” với chúng tôi”.

Để tiếp tục nối dài thành tựu phát triển OCOP, ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng hiện tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, nâng hạng “sao” của các sản phẩm ba sao, bốn sao đã được công nhận. Tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng, như dược liệu, dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ chè, cây ăn quả để tiêu thụ mạnh trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tăng giá trị của sản phẩm.

THẾ BÌNH, ANH TUẤN, TUẤN SƠN