Để du lịch khai thác một cách bền vững hiệu quả Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nguyễn Xí này, cần một sự quy hoạch và đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, về vật chất kỹ thuật, về nguồn nhân lực chuyên ngành của Nhà nước.
Linh thiêng
Tính đến đầu năm 2023, tỉnh Nghệ An có năm Di tích quốc gia đặc biệt, trong đó quần thể di tích Nguyễn Xí ở huyện Nghi Lộc, bốn Di tích còn lại đều thuộc huyện Nam Đàn, gồm: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà tưởng niệm Phan Bội Châu, Đình Hoành Sơn, Đền thờ Mai Hắc Đế.
Một góc Đền thờ Nguyễn Xí. |
Đền thờ Nguyễn Xí, thường gọi là Nhà thờ họ Nguyễn Đình, do các con cùng vương triều Lê Thánh Tông khởi lập tháng 10 năm 1467.
Ngôi Đền tách riêng với khu dân cư, thuộc xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc. Đền hướng nam; nhìn ra phía trước, xa xa sừng sững những núi gắn với các tên gọi đậm đặc trận mạc: núi Mão, núi Gươm, núi Cồn Thông, núi Voi, riêng núi Cờ ở phía đông. Người xưa đặt tên núi nhằm hóa thạch cuộc đời, sự nghiệp của danh Tướng Nguyễn Xí giữa quê hương.
Tướng Nguyễn Xí có tới 15 con trai đều là võ tướng nhà Hậu Lê, dần phát triển thành 15 Đại chi họ Nguyễn Đình. Các thế hệ con, cháu, chắt....của Ngài lưu tiếng thơm “trung quân ái quốc”, trọn đời cống hiến hy sinh vì dân vì nước, nhiều vị được dân truy tôn Thành hoàng lập thờ khắp ba miền.
Ông Nguyễn Hữu Kỷ (1928-2005), Đại chi V, sinh thời đã viết:
Cây có gốc mới sinh chồi nẩy lộc
Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu
Sinh ra người có Tổ có tiên
Có gia tộc họ hàng trên dưới
Tạo hóa sinh thành muôn vật
Riêng loài người có tính thiêng liêng.
Quần thể di tích Nguyễn Xí liên tục được các thế hệ con cháu giữ gìn, bảo quản, tôn đắp, phát huy giá trị linh nghiệm theo định ước bài bản của dòng họ; bao gồm: quần thể mộ: Mộ cụ Nguyễn Hội - thân Phụ. Mộ Phu nhân Vũ Thị Hạch - thân Mẫu. Mộ Tướng Nguyễn Xí. Bia Nguyễn Biện, anh trai, bị giặc Minh bắt hành quyết ngày 27/8 âm lịch năm 1419 tìm chưa thấy mộ. Mộ Nguyễn Sư Hồi, con trai trưởng. Mộ Nguyễn Bá Sương, con trai thứ hai. Mộ Nguyễn Kế Sài, con trai thứ năm. Mộ Nguyễn Phùng Thời, con trai thứ sáu. Mộ Nguyễn Nhân Thực, con trai thứ 14.
Quần thể Đền thờ qua nhiều lần trùng tu hiện có bốn phân khu, gồm: Khu chính điện, có nhà bái đường, Nhà Trung điện, Sân trung điện, Gác chuông-Khánh, Nhà tả vu, Nhà hữu vu, Nhà Thượng điện; Khu “Hoa biểu” có Bảng hổ, Tứ trụ; Khu Cầu ao và Khu Tam quan, có cột đèn, Tả môn-hữu môn, Chính môn, trên lầu Chính môn khắc đại tự Hán ngữ: THIÊN KHAI CẤM SẮC (trời mở sắc đẹp).
Thấm nhuần lời dạy “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và huy động sức mạnh toàn dân vào việc bảo vệ phát huy giá trị di tích lịch sử nên các thế hệ con cháu họ Nguyễn Đình luôn thành tâm phụng thờ tiên Tổ, coi việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử dòng họ là vinh dự tự hào.
Vài chục năm nay việc bảo tồn phát huy giá trị quần thể di tích Nguyễn Xí được họ tộc cùng chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt, tôn tạo nâng cấp được nhiều hạng mục đạt kết quả tốt.
Đợt tu tạo khu mộ hoàn thành tháng Giêng Nhâm Thìn (2012), vẫn giữ nguyên trạng hai ngôi mộ đất cỡ lớn hình tròn, ở vị trí trung tâm khu di tích: Mộ cụ Nguyễn Hội “thiên táng”, mộ Tướng Nguyễn Xí quốc táng, mỗi phần mộ bao bọc bằng 24 phiến đá xanh Thanh Hóa chạm khắc tinh xảo và tậu thêm ruộng liền kề của cư dân, đưa diện tích khuôn viên khu mộ lên tới 6808,6m2, gấp 10 lần so với trước. Con số 24 tượng trưng 24 người con (16 trai, 8 gái) của Tướng Nguyễn Xí. Con cháu từ khắp nơi mang hàng trăm cây quý về trồng cung tiến để nay mai thành vạt rừng cổ thụ rợp mát quanh năm..
Trong lòng “cuộc đất thiên trụ” Thượng Xá còn nhiều mộ danh nhân các thế hệ hậu duệ của Tướng Nguyễn Xí, như Nguyễn Đình Đắc (đời 12) Phó tướng của Nguyễn Ánh-Gia Long; Nguyễn Vỹ-Phùng Chí Kiên (1901-1941) Dũng tướng truy phong; Nguyễn Phong Sắc (1902-1931) Bí thư xứ ủy Trung kỳ; Nguyễn Duy Trinh (1910-1985) Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao...Các bậc tiền bối nêu trên sinh thời chẳng ai biết họ gốc Nguyễn Đình.
Trên cơ sở khảo sát, lựa chọn, đề nghị của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, tháng 12/2020, Chính phủ cấp Bằng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đối với quần thể Di tích Đền thờ-khu mộ Nguyễn Xí.
Phát huy giá trị di tích đặc biệt
Về Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nguyễn Xí ở xã Khánh Hợp, du khách có thể tham gia các nghi thức đại tế tại Đền dịp giỗ kỵ 30/10 âm lịch, dịp Lễ hội Đền Nguyễn Xí - ngày cuối tháng Giêng sang tháng Hai hằng năm với sự tham gia đông đảo của con cháu họ Nguyễn Đình cùng người dân trong và ngoài tỉnh.
Con cháu họ Nguyễn Đình thăm tế Đức tổ ngày 29 tháng Giêng. |
Đây được xem là di sản mang giá trị nhân văn to lớn, lay động, lan tỏa mãnh liệt, vượt khỏi khuôn khổ dòng họ. Anh Đỗ Quang Hải (52 tuổi) ở Phố Cửa Bắc, Quận Ba Đình (Hà Nội) cùng gia đình về dự lễ hội Đền Nguyễn Xí cho biết: Hành hương về đây, chúng tôi được nghe, hiểu thêm về những truyền thuyết, huyền thoại truyền ngôn, những ca dao, hò vè, thơ ca, văn xuôi, tranh dân gian... “ngợi ca không dứt” về danh tướng danh Thần Nguyễn Xí…”.
Đông đảo con cháu, du khách, người dân trong vùng về dự lễ hội Đền Nguyễn Xí vào ngày 30 tháng Chạp hàng năm. |
Họ Nguyễn Đình cùng nhân dân là chủ sở hữu Di tích Quốc gia đặc biệt Nguyễn Xí. Việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích đặt ra những thử thách, đồng thời cũng mở ra cho địa phương cơ hội phát triển kinh tế du lịch. Là một ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch mang trong mình giá trị văn hóa sâu sắc. Để du lịch khai thác một cách bền vững hiệu quả Di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Xí, cần một sự quy hoạch và đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, về vật chất kỹ thuật của Nhà nước cùng nguồn nhân lực chuyên ngành.
Theo một chuyên gia ngành Văn hoá: Vẫn là vùng đất “sơn kỳ thủy tú” nhưng trên văn bản nhà nước không còn tên Thượng Xá nữa. Ngày nay, chủ nhân vùng đất này là các thế hệ thời đại 4.0, họ năng động, sáng tạo, hễ phát triển du lịch tới đâu, dân sở tại sẽ “xã hội hóa du lịch” mở các cơ sở dịch vụ kèm theo, đáp ứng nhu cầu của du khách có mặt tại đó.
Để du khách trong nước và quốc tế đến với những giá trị nhân văn Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nguyễn Xí, tỉnh Nghệ An và họ Nguyễn Đình cần tổ chức hội thảo chuyên sâu, qua đó tiếp thu có chọn lọc ý kiến của giới chuyên môn về các phần việc quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị lớn lao này.
Cần tham khảo cách làm của Ban quản lý các khu di tích đặc biệt khác trong cả nước... để nhìn nhận rằng du lịch tạo ra nhiều lợi ích, nếu biết gắn khai thác với nghĩa vụ bù đắp tương ứng thì du lịch di tích lịch sử giúp kinh tế địa phương tăng trưởng. Nhưng nếu phát triển du lịch không tuân thủ quy hoạch có tính hệ thống và ổn định lâu dài, không hướng tới phát triển bền vững thì ôm hệ lụy do tác động tiêu cực, kiến trúc di tích lịch sử bị xâm hại, cảnh quan môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn bị phá vỡ.