Làm thế nào để giảm nhập siêu?

Thực trạng và nguyên nhân

Nhập siêu là hiện tượng tổng kim ngạch nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2003 đến 2006, nước ta nhập siêu ở mức ổn định khoảng năm tỷ USD/năm, nhưng năm 2007, nhập siêu tăng đột biến lên mức 12,4 tỷ USD (bằng 25,63% kim ngạch xuất khẩu), tăng gấp 2,48 lần nhập siêu của năm trước, tám tháng đầu năm nhập siêu 15,49 tỷ USD (bằng 36,69% kim ngạch xuất khẩu), tăng gấp 1,25 lần nhập siêu của năm 2007. Theo một số nhà nghiên cứu, việc nhập siêu chủ yếu từ các thị trường châu Á, trình độ công nghệ trung bình, hoặc thấp như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái-lan, Malaysia, Indonesia, trong đó năm 2007, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc 9,145 tỷ USD, chiếm 73,75% tổng kim ngạch nhập siêu.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu mạnh sang các thị trường có công nghệ nguồn, tiên tiến, hiện đại: Hoa Kỳ, Canada, EU, nhưng nhập khẩu từ các thị trường này lại rất hạn chế. Phần lớn hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất, nhưng trong đó đến hai phần ba là nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng, còn lại một phần ba là máy móc, thiết bị. Ðiều này cho thấy nền kinh tế chậm đổi mới công nghệ, thiết bị và chất lượng công nghệ, thiết bị đổi mới không cao, ít có từ công nghệ nguồn của thế giới, phụ thuộc bên ngoài nhiều về vật tư, nguyên liệu, dẫn đến chịu ảnh hưởng lớn từ biến động tăng giá cao của thị trường quốc tế.

Theo đồng chí Ngô Văn Khoa (Viện Khoa học tài chính), tình trạng nhập siêu diễn ra chủ yếu ở doanh nghiệp có vốn trong nước. Các doanh nghiệp này năm 2006, nhập siêu 11,589 tỷ USD, năm 2007 là 19,18 tỷ USD. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu lớn, nhưng xuất khẩu lại cao, liên tục xuất siêu (kim ngạch xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu): năm 2005 xuất siêu 4,889 tỷ USD, năm 2006 con số này là 6,524 tỷ USD và năm 2007 là 6,06 tỷ USD. Nhiều ngành sản xuất quan trọng phụ thuộc chủ yếu nhập khẩu như: xăng, dầu, thép, da-giày, dệt-may, ô-tô...

Xác định những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu của nền kinh tế, một số nhà nghiên cứu cho rằng, trong những năm qua, nền kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, thiết bị tăng nhanh, một số ngành sản xuất mới hình thành làm tăng thêm khối lượng hàng hóa nhập khẩu. Tình hình giá thế giới biến động tăng cao tác động lớn tăng nhập siêu. Từ năm 2007, nước ta chính thức gia nhập WTO, việc điều chỉnh giảm thuế quan để phù hợp các cam kết, cũng như để kiềm chế lạm phát đã kích thích các hoạt động nhập khẩu, trong đó có nhập khẩu những hàng hóa không thiết yếu, cần hạn chế, đã làm gia tăng nhập siêu.

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Bạch Tuyết (Học viện Tài chính), tình trạng nhập siêu có nguyên nhân từ các yếu tố bên trong của nền kinh tế. Công nghiệp chế biến chưa phát triển, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô còn khá cao. Nhiều ngành sản xuất, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu. Sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng thấp, tốc độ tăng giá thấp hơn so với tốc độ tăng giá của nguyên liệu nhập khẩu.

Sản phẩm dệt-may, da-giày, đồ gỗ là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng giá trị nguyên liệu nhập khẩu đã chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm thấp. Doanh nghiệp chậm đổi mới, sức ỳ lớn ngay cả trong nghiệp vụ xuất, nhập khẩu, thường lựa chọn xuất khẩu theo điều kiện FOB, nhập khẩu theo điều kiện CIF. Việc điều hành tỷ giá, thuế quan có lúc chưa linh hoạt, kịp thời, góp phần làm tăng nhập siêu.

Cán cân thương mại là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, nhập siêu tăng, cán cân thương mại luôn thâm hụt lớn đe dọa cân đối kinh tế vĩ mô, là một nhân tố gây nên lạm phát.

Làm gì để giảm nhập siêu?

Ðể giảm nhập siêu, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, phát triển bền vững nền kinh tế, thực hiện CNH, HÐH, theo một số chuyên gia cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế hướng về xuất khẩu. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, là thành viên của WTO, cơ quan quản lý, điều hành cần nâng cao trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của tình hình, giai đoạn phát triển, nâng cao nhận thức, vận dụng công cụ hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan để kiểm soát, điều tiết hợp lý nhập khẩu. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện quy hoạch chiến lược phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên liệu phù hợp. Khuyến khích đầu tư những ngành, dây chuyền chế biến sâu, với công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Nghiên cứu thị trường, phát huy cao nhất lợi thế quốc gia trong việc quy hoạch, đầu tư, sản xuất cho xuất khẩu.

Trước mắt, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến sâu, có hàm lượng khoa học-công nghệ cao, giảm làm gia công hàng xuất khẩu, quan tâm phát triển thị trường mới, tiềm năng. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, thu thập, phân tích, xử lý thông tin thị trường, giá cả trong điều hành sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thông quan hàng hóa xuất khẩu thuận lợi. Thực hiện đối thoại giữa doanh nghiệp với các cấp quản lý, phát hiện nhanh, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc của các doanh nghiệp xuất khẩu. Lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các tình huống, cải thiện tình hình ùn tắc giao thông tại các cảng.

Thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng. Ðẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cung ứng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, có vốn đầu tư nước ngoài. Hoàn thiện cơ chế, tăng cường kiểm soát đầu tư công, bảo đảm hiệu quả chung của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng linh hoạt, kịp thời cung ứng đủ vốn khi điều kiện cho phép, với lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp liên quan xuất khẩu. Sử dụng công cụ thuế hữu hiệu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, khuyến khích đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, trình độ cao.

Bài, ảnh: MẠNH AN và NGUYỄN VŨ