Lạm phát đang thành vấn đề của thế giới không riêng gì của Việt Nam. Châu Mỹ, châu Âu, châu Á đều gặp rủi ro lạm phát, ở mức độ khác nhau với tác động và nguyên nhân khác nhau đặt ra những vấn đề và giải pháp xử lý khác nhau.
Từ năm 1986 trở lại đây Việt Nam ta có ba cuộc lạm phát ở mức 2-3 con số. Những năm 1986-1993 lạm phát ở mức 600-700%. Chủ yếu là mất cân đối lớn về quan hệ tiền - hàng (thiếu hàng) với nền kinh tế trì trệ, hạ tầng yếu, quản lý kém lại diễn ra trong điều kiện bị bao vây cấm vận và cũng là thời điểm Liên Xô (trước đây) Ðông Âu tan vỡ, lúc đó ta bắt đầu đổi mới, mở cửa. Nền kinh tế chuyển từ quản lý theo kế hoạch tập trung sang quản lý theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Trình độ và kinh nghiệm thiếu, mô hình chưa có. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát là do nội tại nền kinh tế, cho nên chúng ta phải tự tìm tòi xác định biện pháp chống lạm phát. Cách làm không giống ai và sát với hoàn cảnh và đặc điểm của nước ta với hai nhiệm vụ chính: Rút khối lượng lớn tiền mặt trên thị trường về. Tìm mọi cách để tăng hàng hóa, trước hết là sản xuất trong nước và bằng nhiều con đường, nhiều đối tượng và hình thức đưa hàng từ nước ngoài về. Ðặc trưng chung của lạm phát lúc này là lạm phát trong suy thoái. Kiên trì, bền bỉ, sáng tạo, với cách làm riêng chúng ta đã thành công rút dần lạm phát 3 con số xuống 1 con số ở mức 4-5% mức bình thường của nhiều nước.
Lần thứ 2 có số lạm phát 2 con số là những năm khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực 1997 diễn ra từ biểu hiện không bình thường trong đầu tư và chu chuyển các dòng vốn, trước hết là ở các nước châu Á trong điều kiện chúng ta bắt đầu đổi mới, mở cửa, nền kinh tế hội nhập chưa sâu. Lúc đó chúng ta không ở tâm bão của cuộc khủng hoảng, nhưng cũng có tác động đến nhiều lĩnh vực, tới mối quan hệ tiền, hàng. Nguyên nhân chủ yếu từ ngoài dẫn đến nên các biện pháp xử lý nhằm ngăn chặn các yếu tố tác động xấu hoặc gây rủi ro cho nền kinh tế đất nước. Mặt khác, chúng ta khai thác tối đa những yếu tố thuận lợi cho đất nước do cuộc khủng hoảng này gây ra, nhất là thu hút vốn đầu tư nhập khẩu thiết bị, công nghệ để phục vụ tăng trưởng.
Lạm phát lần thứ 3 này được tích tụ và tăng dần ở những năm gần đây, đặc biệt tăng cao vào năm 2007 và những tháng đầu năm 2008. Năm 2007 là 12,36%, 3 tháng năm 2008 là 9,1%. Bởi cả yếu tố nội tại của nền kinh tế và cả biến động ngày càng gia tăng của nền kinh tế toàn cầu. Các yếu tố này tích tụ lâu dài trong cơ cấu của nền kinh tế cũng như những khuyết điểm trong quản lý điều hành. Nếu như lạm phát thứ nhất chủ yếu do yếu tố bên trong. Lần thứ 2 chủ yếu do yếu tố bên ngoài. Lần thứ 3 này có cả yếu tố bên trong và bên ngoài và trong điều kiện hội nhập sâu vào WTO. Tất cả giải pháp chống lạm phát phải giải quyết tốt vấn đề nội tại nền kinh tế và phù hợp thông lệ quốc tế đã cam kết.
Xét về khách quan, kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới xấu đi, đồng USD mất giá, lạm phát gia tăng thì tác động đến Việt Nam với nền kinh tế nhỏ bé, ở trình độ thấp phụ thuộc vào bên ngoài nhiều cho nên áp lực gây lạm phát rất lớn.
Thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất và cung ứng, lương thực, thực phẩm.
Xét về nguyên nhân chủ quan lạm phát của ta đã được tích tụ nhiều năm ở ba lĩnh vực chủ yếu:
Cơ cấu kinh tế đang bộc lộ những vấn đề không hợp lý mà nhiều lần chúng ta đã đề cập. Những biểu hiện cụ thể như đầu tư dàn trải, tăng trưởng với hệ số Ico ngày càng cao, lượng tiền lớn tung ra lưu thông nhưng hàng hóa sản xuất ra không tương xứng quan hệ cung cầu hàng - tiền bị phá vỡ. Nhập siêu liên tục tăng với số lớn làm cho cán cân thương mại, cán cân thanh toán ngày càng thâm hụt nghiêm trọng đây là nguyên nhân gốc gây ra lạm phát.
Về chính sách tài khóa trong vòng 10 năm liên tục. Chúng ta gần ở mức bội chi ngân sách so với GDP ở mức cao 5%, năm 2007 là 5,8% + với tình trạng thất thu ngân sách không được giải quyết triệt để và chi hành chính không được kiểm soát chặt chẽ, gây lãng phí, thất thoát. Ðây cũng là một kênh gây áp lực lạm phát quan trọng.
Về chính sách tiền tệ biểu hiện cụ thể là chính sách tín dụng quản lý ngoại hối và thực hiện các công cụ của nghiệp vụ thị trường mở điều hành không nhuần nhuyễn, còn những bất cập...
Tất cả những hạn chế này không những làm cho nhiều giải pháp chống lạm phát đúng không được triển khai có kết quả, mà còn gây ra tình trạng khắc phục lạm phát chậm, thậm chí có lĩnh vực làm cho lạm phát tăng lên.
Những vấn đề này đang được phân tích mổ xẻ được nhận định rõ ràng và thống nhất hơn.
Với hệ thống giải pháp toàn diện và sát thực tế của Chính phủ, với tư tưởng chủ đạo là tập trung cao cho nhiệm vụ chống lạm phát, trên cơ sở tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế để ổn định kinh tế vĩ mô, trong năm 2008, chuẩn bị cho việc phát triển tăng tốc năm 2009 và những năm tiếp theo.
Ðịnh hướng và chủ trương lần này đang được Chính phủ và các ngành cụ thể hóa, để giải quyết từng lĩnh vực như thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, cũng như những yếu tố bảo đảm những cân đối của nền kinh tế; đồng thời còn có linh hoạt giải pháp trợ giúp những đối tượng nghèo và vùng khó khăn. Tất cả các giải pháp này được thực hiện đồng bộ sẽ là yếu tố quyết định thành công của chống lạm phát...
Lạm phát cao đang tác động và chi phối nhiều lĩnh vực và quyền lợi của Nhà nước, của Doanh nghiệp và của mỗi người dân. Cách tốt nhất và hiệu quả nhất là tạo sự đồng thuận, cùng chịu đựng, cùng chia sẻ và đóng góp để thực hiện nhanh và có kết quả các giải pháp đề ra...
Tin rằng, chúng ta lại thành công trong công cuộc chống lạm phát lần này, tạo đà tăng trưởng nhanh cho các năm sau.