Làm gì để nâng cao chất lượng học tập của học sinh vùng khó khăn ?

Một lớp học cắm bản.
Một lớp học cắm bản.

Khoảng cách vùng miền lớn

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, cả nước có khoảng 1,5 triệu   học sinh lớp năm, học tập ở hơn 16 nghìn trường tiểu học. Qua khảo sát hơn bốn nghìn trường cho thấy khả năng tiếp nhận kiến thức ở hai môn Toán và Tiếng Việt của học sinh lớp năm đã có những tiến bộ đáng kể. Nếu xét theo chuẩn chức năng gồm "đạt chuẩn" và "cận chuẩn" thì môn Toán trên toàn quốc có 87,2% số học sinh, môn tiếng việt có 81,8% số học sinh đạt chuẩn và cận chuẩn

Bên cạnh đó, có 69,9% số thầy giáo, cô giáo giảng dạy hai môn học nói trên cho rằng chương trình và sách giáo khoa vừa sức so với trình độ của học sinh. Ðiều đó cho thấy sự phù hợp của chương trình, sách giáo khoa với thực tiễn của giáo dục tiểu học nước ta. Ðồng thời, qua kết quả khảo sát cho thấy công tác quản lý, chỉ đạo đổi mới theo hướng phân cấp cho các nhà trường và giáo viên tiểu học, tự chủ trong việc thực hiện kế hoạch dạy học, chủ động lựa chọn nội dung phù hợp với  đối tượng học sinh và điều kiện cơ sở vật chất từng địa phương đã phát huy kết quả tốt.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập trong công tác giáo dục. Mặc dù tỷ lệ đạt chuẩn và cận chuẩn khá cao nhưng khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền và đối tượng học tập vẫn còn lớn. Nếu như ở khu vực đồng bằng sông Hồng, môn Toán có tới 95,3%, môn Tiếng Việt có 91,4% số học sinh đạt chuẩn và cận chuẩn thì ở vùng Tây Bắc, môn Toán chỉ có 68,4%, môn Tiếng Việt chỉ có 62,9% số học sinh đạt chuẩn và cận chuẩn. Mặt khác, giữa các giới tính khác nhau cũng có sự khác biệt trong việc tiếp cận, nhận thức các kiến thức của hai môn học trên, nhất là ở môn Tiếng Việt, cho nên tỷ lệ đạt chuẩn và cận chuẩn của học sinh nam thường xuyên thấp hơn học sinh nữ.

Bên cạnh đó, trong nhìn nhận, đánh giá về chương trình sách giáo khoa của giáo viên so với trình độ học sinh cũng có nhiều khác biệt, khi nhiều giáo viên ở vùng sâu, vùng xa phản ánh  chương trình sách giáo khoa toán khó đối với học sinh và khó cho việc giảng dạy của thầy giáo, cô giáo. Ðáng chú ý ở vùng Tây Bắc chỉ có 36,53% số giáo viên cho rằng, chương trình sách giáo khoa là "vừa sức" với học sinh. Nguyên nhân chính gây nên sự thiếu đồng đều về chất lượng dạy và học môn Toán, Tiếng Việt của học sinh lớp năm do điều kiện học tập còn bất cập. Tỷ lệ giáo viên dạy giỏi ở vùng sâu, vùng xa ít hơn nhiều so với khu vực thành thị, nông thôn.

Các điều kiện hỗ trợ học tập đối với học sinh các vùng nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn. Cứ mười trường học ở các vùng sâu, vùng xa thì có tới bốn trường không có thư viện, chín trường không có phòng y tế và hầu như không có máy vi tính. Thậm chí vẫn còn có hiện tượng học sinh vùng sâu, vùng xa chỉ được ăn một bữa mỗi ngày hoặc phải lao động giúp gia đình cho nên kết quả học tập thấp kém.

Cần phù hợp thực tế địa phương

Từ thực tế trên đòi hỏi phải có những giải pháp thích hợp về cơ chế, chương trình học tập nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch một số mặt trong giáo dục tiểu học.

Theo các chuyên gia của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam để nâng cao trình độ, thu hẹp  khoảng cách giữa học sinh các vùng miền thì ngoài những tiêu chuẩn chung, chương trình học tập cần có sự linh hoạt phù hợp vùng miền, địa phương. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các phương pháp hiệu quả nhất của các trường để hình thành chiến lược cho việc xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý. Xây dựng chính sách ưu tiên nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường tiểu học vùng khó khăn.

Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần rà soát, đánh giá, đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo hướng vừa bảo đảm kiến thức kỹ năng chung, vừa bảo đảm phù hợp thực tế vùng, miền.

Trong đó, ngành giáo dục xây dựng, ban hành các tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng của cấp học, trên cơ sở đó cần có những tài liệu hướng dẫn cho phép giáo viên ở các vùng khác nhau vận dụng linh hoạt các chuẩn chung vào thực tiễn giảng dạy cho phù hợp đối tượng và hoàn cảnh của từng địa phương. Mặt khác, đẩy mạnh giải pháp trang bị cho giáo viên đủ những tài liệu hướng dẫn cần thiết để giảng dạy chương trình mới, đồng thời bảo đảm cho học sinh có đầy đủ vở bài tập và tài liệu hướng dẫn học tập.

Thời lượng học tập của học sinh tiểu học phải bảo đảm phù hợp thực tế, trong đó, có thể tăng thời lượng học trên lớp nhiều hơn hoặc tổ chức học thêm do Nhà nước tài trợ đối với học sinh vùng sâu, vùng xa. Nhà nước cần xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm tập trung cải thiện các khó khăn về hoàn cảnh gia đình của nhóm học sinh vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các chương trình, dự án tập trung vào các vùng khó khăn như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học...

Tăng cường việc dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số theo hướng tập huấn cho giáo viên về dạy tiếng phổ thông trước khi vào lớp một. Ðặc biệt, việc nghiên cứu biện pháp nhằm nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng sư phạm cho cha mẹ học sinh để họ có thể trực tiếp giúp trẻ học tập ở nhà thông qua việc xây dựng tài liệu hướng dẫn, tập huấn ngắn hạn, phổ biến kiến thức trên các kênh truyền thông,... cũng hết sức cần thiết, nhằm hướng tới giảm khoảng cách, nâng cao chất lượng học sinh lớp năm nói riêng, học sinh tiểu học nói chung.