Lâm Đồng là một trong chín tỉnh, thành phố được Chính phủ chọn, chỉ đạo việc triển khai thực hiện OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030. Qua hai năm thực hiện, địa phương đã có 124 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao, 4 sao và 3 sao cấp tỉnh và cấp quốc gia. Kết quả này là sự nỗ lực lớn của tỉnh Lâm Đồng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống người dân trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từng bước thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất.
Tại Lạc Dương, huyện được coi là điểm sáng trong phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực theo chương trình OCOP. Sau hai năm thực hiện chương trình OCOP, mức thu nhập trung bình từ nông nghiệp của huyện đạt 300 triệu đồng/ha/năm, gấp ba lần so với trung bình cả nước. Lạc Dương cũng đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, qua đó tránh được rủi ro "được mùa, mất giá". Theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài, để hỗ trợ người dân đẩy mạnh dòng sản phẩm OCOP, huyện đang từng bước hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm chế biến nông sản sau thu hoạch rộng 25 ha. Ngoài ra, tiếp tục đầu tư vào những dự án phát triển cây dược liệu quý của đồng bào dân tộc thiểu số như: Atiso, sâm Ngọc Linh...
Chia sẻ với chúng tôi lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chủ trương đẩy mạnh sản phẩm OCOP, Chủ tịch UBND xã Đạ Sar, Liêng Jrang Ha Ro Ky cho biết, năm 2016 thu nhập của người dân chỉ đạt 18,5 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 đã đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm. Với mức thu nhập này, người dân đã có thể yên tâm sản xuất.
Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH cà-phê nguyên chất Thái Châu Trương Thị Minh Phương, sản phẩm cà-phê của công ty đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, trong quá trình liên kết với người dân, để giữ đà tăng trưởng và nâng cao chất lượng cho sản phẩm, công ty luôn giám sát chặt chẽ và hỗ trợ người dân từ quy trình chăm sóc thông thường sang chuyên sâu, chọn lọc hộ tiêu biểu để ký hợp đồng, hỗ trợ về phân bón, kỹ thuật, giống... nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công ty, đồng thời giúp người dân có thu nhập ổn định, yên tâm sản xuất.
Được đào tạo bài bản, hỗ trợ về khoa học - công nghệ, chính là động lực để người dân có thể vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Chia sẻ về những giá trị kinh tế cao từ áp dụng công nghệ sấy gió của Nhật Bản đối với quả hồng tại địa phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) Lê Thịnh chia sẻ, trước đây chưa có công nghệ Nhật Bản, người dân chỉ có thể bán hồng tươi với giá rất bấp bênh (cao nhất là 3.000 đồng/kg). Sau khi người dân được tham gia các lớp tập huấn và làm chủ công nghệ sấy gió, ngoài hồng tươi, giờ Xuân Trường còn có thêm dòng sản phẩm hồng sấy gió được người tiêu dùng đón nhận và được cấp chứng nhận OCOP 3 sao vào tháng 10-2020. Theo tính toán của nông dân, để có được 1 kg hồng sấy gió, người dân sẽ phải sấy từ bốn đến năm ki-lô-gam quả tươi có giá từ 12 đến 15 nghìn đồng. Nhưng khi sấy khô, sẽ có giá khoảng 250 nghìn đồng/kg; sau khi trừ các khoản chi phí, người dân và doanh nghiệp có lãi cao. Hiện tại, mức thu nhập bình quân tại xã Xuân Trường đạt 110 triệu đồng/người/năm. Thành công này góp phần tìm ra lời giải cho bài toán về thu nhập trong xây dựng NTM ở địa phương.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn, địa phương đang đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất, trọng tâm là thực hiện phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu "Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành" và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Trước mắt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến các sản phẩm OCOP theo hướng chuyên sâu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác lên gấp nhiều lần so với trước.
Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, chương trình OCOP tiếp tục được tỉnh đẩy mạnh với nhiều chính sách kích cầu đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn, cơ sở hạ tầng đặc thù theo từng địa phương cụ thể. Ngoài ra, ở góc độ địa phương, cũng có những cơ chế riêng để hỗ trợ người dân phát huy giá trị những cây trồng chủ lực. Đơn cử tại huyện Lạc Dương, UBND huyện tiếp tục dành nguồn kinh phí hai tỷ đồng, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm tiềm năng, hoàn thiện quy trình cấp chứng nhận OCOP.
Được biết, tới đây, tỉnh Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh sản xuất hơn nữa các sản phẩm có tiềm năng, được xem là lợi thế của địa phương và động viên người dân, doanh nghiệp kết nối thành chuỗi, nhằm tạo nên sản phẩm đủ tiêu chuẩn công nhận OCOP. Kết hợp phát triển mô hình du lịch canh nông để phát triển kinh tế. Sở NN và PTNT đang khẩn trương hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp theo hướng đa lĩnh vực, đa ngành và du lịch gắn với nông nghiệp.
Theo Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng, tính đến thời điểm hiện tại, Lâm Đồng đã đầu tư 13,362 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch phát triển chương trình OCOP; trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ 7,9 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các đơn vị tham gia chương trình. Nhờ đó, tỉnh đã có 124 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh và sáu sản phẩm đang đề xuất Bộ NN và PTNT công nhận 5 sao cấp quốc gia.